Làm thế nào để trẻ khó bảo trở nên ngoan ngoãn?

GD&TĐ - Nếu thiếu bình tĩnh, thận trọng, làm trẻ mất thể diện, phụ huynh có thể khiến quan hệ với con rạn nứt dần và khoảng cách thế hệ trở nên rõ rệt hơn.

Quát tháo, trừng phạt, đánh đòn khiến trẻ đã ngang bướng lại càng ngang bướng. Ảnh minh họa: ITN.
Quát tháo, trừng phạt, đánh đòn khiến trẻ đã ngang bướng lại càng ngang bướng. Ảnh minh họa: ITN.

Thay vì quát mắng, trách phạt trẻ trước mặt người khác, phụ huynh cần nhẹ nhàng góp ý với con vào lúc thích hợp.

Phê bình phù hợp

Ương bướng, cứng đầu, khó bảo vốn là bản tính tự nhiên của trẻ để thể hiện mình, cũng như khẳng định cái tôi với cha mẹ. Mặc cho cha mẹ tức giận hay thất vọng thì trẻ vẫn thản nhiên làm điều mình muốn.

Thậm chí, trẻ sẵn sàng đối đầu để bảo vệ cái tôi của mình đến cùng. Vì vậy, đôi khi, cha mẹ không giữ được bình tĩnh. Quát tháo, trừng phạt, đánh đòn là chuyện thường diễn ra trong mỗi gia đình. Song, điều này khiến trẻ bất mãn, đã ngang bướng lại càng ngang bướng.

Vậy cha mẹ phải làm sao? Theo bà Sara Imas - tác giả của cuốn sách “Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương”, cha mẹ Do Thái có những quy tắc “xử lý” khi trẻ ương bướng rất đáng để các phụ huynh tham khảo.

Cụ thể, phụ huynh Do Thái tránh tối đa trừng phạt con nghiêm khắc hay cảnh báo bằng lời nói. Cha mẹ Do Thái sử dụng quyền uy đúng lúc đúng chỗ. Bởi, họ hiểu rằng, nếu lúc nào cha mẹ cũng la mắng, trừng phạt một cách bừa bãi, bất hợp lý thì trẻ sẽ không còn sợ nữa. Thậm chí, trẻ có thể cảm thấy mình không được giữ thể diện, bị hạ thấp lòng tự trọng.

Cha mẹ Do Thái hiểu rằng, con mình đang trong quá trình lớn lên, khám phá và học hỏi. Do đó, việc trẻ phạm sai lầm là bình thường. Chúng ta chấp nhận những sai lầm đó của trẻ. Ngoại trừ trong những tình huống gây ra hậu quả cực kỳ nghiêm trọng, thì trẻ em Do Thái hoàn toàn được tự do khám phá và được quyền làm sai.

Ngoài ra, phụ huynh cũng tận dụng triệt để từng cái sai của con để dạy trẻ kinh nghiệm cũng như thái độ biết chấp nhận thất bại.

Các phụ huynh Do Thái cũng không cậy thế “cha mẹ sinh con ra, cha mẹ nuôi con lớn” để mạt sát trẻ. Nếu buộc phải trừng phạt con, cha mẹ Do Thái cũng tránh mỉa mai, móc nhiếc trẻ. Họ lựa chọn phương pháp phê bình phù hợp với trẻ. Không nói đi nói lại nhiều lần, không chất vấn “Con có nghe mẹ nói gì không?”. Thay vào đó, họ cho trẻ có một không gian yên tĩnh để suy xét lại hành động, lời nói của mình, từ đó trẻ mới dễ dàng tiếp thu lời nói của cha mẹ.

Khi lên cơn nóng giận, cha mẹ Do Thái thường chọn cách lánh mặt hoặc giữ im lặng. Hành động đó sẽ khiến cho trẻ nhận thức được tính nghiêm trọng của sự việc. Đồng thời, cũng tránh được xung đột bùng nổ giữa cha mẹ. Khi đó, trẻ cũng không phải nhận những lời nói quá đáng mà cha mẹ có thể làm tổn thương con trong lúc giận dữ.

Những phụ huynh này cũng không bao giờ nổi giận với con trước mặt người khác. Vì họ không muốn con mình cảm thấy bị mất mặt. Cha mẹ Do Thái dạy bảo con vào những lúc thích hợp, khiến trẻ cảm thấy dù bố mẹ có đang tức giận nhưng vẫn giữ thể diện cho mình. Khi đó, trẻ sẽ giảm thái độ đối đầu.

Tôn trọng, giữ thể diện cho trẻ trước mặt người khác là phương pháp cha mẹ Do Thái dùng để giáo dục trẻ biết nghe lời hơn, mà không có thái độ chống đối. Đối với trẻ nhỏ, đôi khi một nụ hôn, một cái ôm hay một câu nói “mẹ yêu con” cũng xoa dịu được nỗi ấm ức của trẻ ngay lập tức. Còn đối với những trẻ lớn hơn, một cuộc đối thoại giữa cha mẹ và con là rất cần thiết.

Ngoài những quy tắc “ngầm” như trên, thì cha mẹ Do Thái luôn đắn đo suy nghĩ rất kỹ trước khi quyết định trừng phạt con. Họ thường đặt tay lên ngực và tự hỏi mình bằng những câu hỏi như: Cách trừng phạt như thế có giúp sửa đổi được những hành vi, cư xử không tốt của con không? Khi áp dụng hình phạt với con, mình có đang tức giận không? Trừng phạt kiểu này có làm cho con cảm thấy bị sỉ nhục hay xấu hổ không? Nếu không tức giận, mình có phạt con không? Sự trừng phạt của mình có hợp lý, công bằng và ngay thẳng chưa?...

Phụ huynh cần lưu ý bởi có một số hành động sẽ mang ý nghĩa tiêu cực đối với con. Ảnh minh họa: ITN.

Phụ huynh cần lưu ý bởi có một số hành động sẽ mang ý nghĩa tiêu cực đối với con. Ảnh minh họa: ITN.

Những việc làm ảnh hưởng tới tự trọng của trẻ

Thực tế, không ít phụ huynh vì quá nóng giận mà mắng, to tiếng, thậm chí là đánh phạt trẻ ngay trước mặt người khác hoặc ở nơi đông người. Song, điều đó ảnh hưởng tới thể diện cũng như lòng tự trọng của trẻ.

Trong chương trình “Thiếu niên nói” của Trung Quốc, một nữ sinh trung học đã bước lên sân khấu, dũng cảm nhắn gửi mẹ: Khi giáo dục con, nên thực hiện sau cánh cửa đóng kín thay vì tung hê trước mặt người ngoài. Tuy nhiên, đáp lại, bà mẹ đã đặt ra câu hỏi: “Bên ngoài, cái nào quan trọng hơn, mặt mẹ hay mặt con?”. Theo lời người mẹ, thể diện của con gái không bao giờ quan trọng bằng việc giữ gìn uy tín của phụ huynh. Cuối chương trình, dù hai mẹ con nắm tay nhau và làm hòa trước khán giả, nhưng dường như họ bị ngăn cách bởi một bức tường khó vượt qua.

Bất kỳ phụ huynh nào cũng quý trọng và muốn giữ thể diện cho mình. Tuy nhiên, không phải cha mẹ nào cũng nghĩ rằng, con mình cần thể diện. Dù dạy dỗ bằng lời lẽ chính đáng hay vạch trần khuyết điểm của con trước mặt người khác, thì điều này cũng khiến đứa trẻ xấu hổ. Đó có thể là ký ức không thể nào quên đối với nhiều trẻ trong suốt cuộc đời.

Ông John Locke - một nhà giáo dục nổi tiếng người Anh từng nói: “Cha mẹ càng không công khai lỗi lầm của con, thì trẻ càng coi trọng danh tiếng của bản thân. Vì vậy, con càng cẩn thận để duy trì sự khen ngợi”.

Theo nhà tư vấn phụ huynh, chuyên gia tâm lý học trẻ em Phan Linh, hình ảnh bản thân gồm 3 điều: Cách mình tự nhận thức về bản thân; Cách mình nghĩ người khác nhận thức về mình; Bản thân mình muốn thành người như thế nào. Do đó, hình ảnh bản thân tốt là sự hài hòa của cả 3 yếu tố. Nữ chuyên gia cho biết, một đứa trẻ khi đến với thế giới bản chất là ngây thơ và hoàn hảo. Sự tin tưởng hay không tin tưởng vào bản thân, vào người khác hay vào thế giới được phát triển thông qua các kinh nghiệm và trải nghiệm trong những năm đầu đời. Đó là khi nền tảng của lòng tự trọng hình thành.

Trong khi đó, theo chuyên gia trị liệu tâm lý Nguyễn Thị Lanh - Học viện Minh Trí Thành, phụ huynh cần lưu ý bởi có một số hành động sẽ mang ý nghĩa tiêu cực đối với con. Từ đó, ảnh hưởng không nhỏ tới tính cách và tâm lý của trẻ.

Không ít phụ huynh có xu hướng mỉa mai “Con chỉ làm được như vậy thôi à”. Song, theo chuyên gia này, bất cứ ai cũng cần được động viên và được người khác ghi nhận, đặc biệt là sự động viên và ghi nhận của cha mẹ đối với con. Khi thấy con đạt được thành tích nhỏ trong một lĩnh vực nào đó, nếu cha mẹ nói với trẻ những câu tỏ ý xem nhẹ như “Chỉ là một giải thưởng nhỏ thôi mà/ Điều này có là gì so với…”, điều đó cho thấy, cha mẹ là những người có trí tuệ cảm xúc (EQ) thấp.

Tôn trọng, giữ thể diện cho trẻ trước mặt người khác sẽ giúp trẻ biết nghe lời hơn. Ảnh minh họa: ITN.

Tôn trọng, giữ thể diện cho trẻ trước mặt người khác sẽ giúp trẻ biết nghe lời hơn. Ảnh minh họa: ITN.

Những cha mẹ như vậy dễ nuôi dạy nên một đứa trẻ lớn lên luôn tự ti. Điều này ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý sau này của trẻ, dễ làm chúng tổn thương. Bên cạnh đó, không ít cha mẹ cho rằng, bảo ban con bằng những trận đòn roi có tác dụng hơn lời nói nhẹ nhàng. Bởi vậy, họ dùng quyền uy của mình để la hét, ép trẻ phải làm một điều gì đó theo mong muốn của bản thân.

Tuy nhiên, với những đứa trẻ, sự dịu dàng và kiên nhẫn có tác dụng hơn rất nhiều. Những em bé bị la mắng, đánh đập thường xuyên có xu hướng cảm thấy sợ hãi, im lặng vì yếu thế hơn cả về ngôn ngữ và quyền lực. Dần dà, chúng trở nên khép kín, hướng nội, không muốn tâm sự chia sẻ cùng ai, có thể rối loạn hành vi và ngôn ngữ, thậm chí xuất hiện các vấn đề về thần kinh.

Bởi vậy, thay vì la mắng, công kích, cha mẹ nên khen ngợi và bao dung với trẻ. Sự khẳng định, động viên của cha mẹ chính là động lực lớn nhất để trẻ tiến về phía trước, cũng như phát triển một cách toàn diện.

“Trẻ em có rất nhiều cảm xúc khác nhau, bởi vậy chúng dễ khóc, cười, nói, thậm chí tỏ ra giận dữ, khó chịu. Hãy thừa nhận cảm xúc đó và cho con biết cha mẹ hiểu con đang có suy nghĩ thế nào. Việc được thừa nhận thay vì chối bỏ cảm xúc sẽ giúp con cảm thấy dễ chịu hơn”, chuyên gia Nguyễn Thị Lanh chia sẻ.

Một số cha mẹ lo sợ con trở nên kiêu ngạo, tự mãn khi đạt được một thành tựu nào đó. Đó cũng là tâm lý dễ hiểu của cha mẹ. Tuy nhiên, có một số cha mẹ vì lo lắng thái quá, nên vô tình kìm hãm tính tự tin trong con. Thói quen này về lâu dài sẽ khiến con cảm thấy chán nản, trở nên sợ hãi trước đám đông. Thậm chí, khiến trẻ có tâm lý ngại giao tiếp với mọi người xung quanh.

Đặc biệt, một số phụ huynh thường xuyên trút giận lên con. Việc lớn lên trong gia đình có cha mẹ tính tình nóng nảy, không biết kiềm chế, hay “giận cá chém thớt” sẽ khiến trẻ trở nên rụt rè, nhút nhát, thậm chí có xu hướng bạo lực.

“Trẻ dễ bị ám ảnh tâm lý sợ hãi cha mẹ mình. Thậm chí, một số trẻ có xu hướng thù hận, ức chế vì mình không làm gì sai nhưng vẫn bị trách mắng. Trong cuộc sống, người lớn phải gặp vô số áp lực và trẻ nhỏ cũng vậy. Khi đã trở về nhà, hãy cố gắng trút mọi bực bội, khó chịu bên ngoài cánh cửa”, nữ chuyên gia cho biết.

Thực tế, giữ thể diện cho con không chỉ gói gọn trong việc không la mắng, mạt sát, chê bai trẻ, mà còn phải biết giữ gìn cách cư xử, giao tiếp, ăn mặc... của chính mình. Xét cho cùng, thể diện của con cũng chính là thể diện của cha mẹ.

“Ở mọi độ tuổi, chúng ta đều không nên chỉ tay vào mặt trẻ, đánh giá trẻ và nói rằng con không ổn? Đáng buồn là giờ đây cha mẹ vẫn phải dùng các hình thức trừng phạt nặng nề để cấm đoán ngăn chặn trẻ, làm xấu hổ, khiến trẻ có cảm giác tội lỗi và yêu thương có điều kiện được sử dụng để có được sự vâng lời của trẻ. Nếu tất cả những điều này vẫn còn tồn tại và được chấp nhận về mặt văn hóa, chúng ta sẽ vẫn tiếp tục nuôi dưỡng những con người với lòng tự trọng mỏng manh và chỉ yêu thương khi có điều kiện”, chuyên gia Phan Linh nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.