Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, cùng với trang bị kiến thức thì kỹ năng sống, hoạt động ngoại khóa giúp trẻ vượt qua những thử thách, đồng thời cân bằng giữa học tập và chơi.
Khép lại những đau thương
Sự việc nam sinh lớp 10 tự tử ngày 1/4 chưa kịp dịu xuống, thì clip ghi lại khoảnh khắc nhảy qua ban công được chia sẻ với tốc độ chóng mặt, kèm theo hình ảnh bức thư liên tục được lan truyền trên mạng xã hội, gây ra những ý kiến trái chiều.
Có ý kiến cho rằng, cần đóng đoạn clip thương tâm và ngừng lan truyền bức thư trên không gian mạng, bởi đây là sự việc đáng buồn cần sớm khép lại. Ngoài ra, những hình ảnh, clip lan truyền trên mạng xã hội trong những ngày qua có thể sẽ phát sinh những suy nghĩ và hành động tiêu cực.
Trước những thông tin trên, Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ thuộc Công an thành phố phối hợp cùng Công an quận Hà Đông truy tìm người phát tán clip và bức thư gửi bố mẹ của nam sinh để xử lý theo quy định pháp luật.
Bởi theo Công an thành phố Hà Nội, đây là vụ việc đau lòng, việc phát tán clip và bức thư tuyệt mệnh của nam sinh này lên mạng xã hội sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến những người thân của nạn nhân và có tác động xấu với xã hội nhất là giới trẻ.
Liên quan đến sự việc trên, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, việc chia sẻ video nam sinh tự tử khiến nhiều người rất đau xót, thậm chí sốc và giật mình về cách dạy con cũng như đặt quá nhiều kỳ vọng vào con cái của mình khiến các con bị áp lực.
"Mặc dù vụ việc như tiếng chuông cảnh tỉnh về phương pháp giáo dục thì hình ảnh này cũng có thể khiến nhiều em học sinh có thể suy nghĩ theo, học theo bởi các em chưa thể có những suy nghĩ chín chắn, hành động phù hợp như người lớn.
Bên cạnh đó, đây là hình ảnh rất đau lòng mà chia sẻ rộng rãi thì cũng khiến gia đình nạn nhân rất thương tâm. Bởi vậy trong trường hợp gia đình nạn nhân không đồng ý phát tán những hình ảnh, clip này thì việc những người thu thập thông tin, phát tán clip này là vi phạm pháp luật...", Tiến sĩ, Luật sư Cường nói.
Tiến sĩ, Luật sư Cường phân tích, tâm lý chung của các bậc làm cha làm mẹ là rất muốn con cái phải giỏi giang, tài giỏi như mình, thậm chí hơn mình theo phương châm "con hơn cha là nhà có phúc". Tuy nhiên, không phải các con cứ có điểm số cao, ngoan ngoãn lễ phép chấp hành mọi yêu cầu của người lớn thì đều là những người thành công.
“Phương pháp giáo dục mới, khoa học tiến bộ ngày nay là trường học hạnh phúc, ngôi nhà hạnh phúc. Qua đó, tạo điều kiện tốt nhất để cho các em phát triển toàn diện, đầy đủ về thể chất, tinh thần, tạo ra hứng thú trong việc học tập, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển năng lực bản thân, khơi dậy cảm xúc và sự đam mê đối với việc học tập.
Bởi vậy, các bậc phụ huynh cũng cần thay đổi suy nghĩ và hành động, thay đổi phương pháp giáo dục để tránh mang đến quá nhiều áp lực cho các em”, Tiến sĩ, Luật sư Cường nhấn mạnh.
Cân bằng giữa việc học và sinh hoạt
Cô giáo Nguyễn Thị Hà - Đại biểu Quốc hội khóa XV bày tỏ, là một người giáo viên, đồng thời cũng là một phụ huynh - vô cùng bàng hoàng và xót xa.
“Các em đang ở lứa tuổi có tâm lý nhạy cảm với các yếu tố tác động trong cuộc sống, trong học tập, trong cả những mối quan hệ với gia đình và xã hội. Có thể những kỳ vọng quá lớn từ phía gia đình, những áp lực từ môi trường xã hội và các vấn đề khó khăn trong giai đoạn cao điểm phải học trực tuyến. Qua đó, khiến các em rơi vào bi quan mà không muốn hoặc không biết chia sẻ cùng ai...”, Đại biểu Hà lý giải.
Đại biểu Hà cho rằng, để giảm thiểu, ngăn chặn những vụ việc thương tâm tương tự xảy ra, các bậc phụ huynh và nhà trường cần thay đổi suy nghĩ và hành động, thay đổi phương pháp giáo dục để luôn "đồng hành" bên con, thực sự là "người bạn" để có tiếng nói chung. Đồng thời, phải lấy con em, học sinh làm trung tâm, tùy vào hoàn cảnh, từng đối tượng mà có phương pháp giáo dục khác nhau, tránh gây áp lực cho con trẻ.
"Yếu tố đặc biệt quan trọng giúp trẻ vượt qua mọi khó khăn trở ngại chính là sự quan tâm của gia đình, thầy cô, bạn bè. Bên cạnh đó, phụ huynh cần tạo sự gần gũi, gắn bó với con cái để con cái có thể tâm sự, chia sẻ khi gặp khó khăn trong việc học tập và trong các mối quan hệ xã hội.
Gia đình và nhà trường không nên áp đặt thành tích học tập hoặc kỳ vọng quá cao vì điều này sẽ gây áp lực cho con trẻ. Để trẻ có khả năng nội lực tự đương đầu với những biến cố trong cuộc sống, các kỹ năng sống (như kỹ năng chia sẻ, kỹ năng giải quyết vấn đề…) cần được ưu tiên dạy cho trẻ thường xuyên và lâu dài...”, Đại biểu Hà nói.
Còn ông Lê Như Tiến - Đại biểu Quốc hội khoá XIII nhấn mạnh, cần phải kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục và quản lý. Đặc biệt, đối với các em học sinh, nhất là học sinh cấp phổ thông phải có phương châm vừa học vừa có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi lành mạnh.
“Ở trường đã phải học quá nhiều rồi, về gia đình, bố mẹ còn bắt học nhiều hơn nữa khiến cho các em không có thời gian vui chơi, nghỉ ngơi. Các bậc phụ huynh cũng cần phải thay đổi tư tưởng, cần động viên, khích lệ, trân trọng kết quả học tập cũng như năng lực thực tế của các em. Đừng chỉ lúc nào cũng muốn con mình phải là số 1 rồi bắt ép các em phải học, phải hài hòa giữa học và vui chơi lành manh…”, Đại biểu Lê Như Tiến nói.
Còn cô Hoàng Thị Mận - Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Newton cho biết, nhà trường thường xuyên có những tiết học trang bị kỹ năng sống cho học sinh.
“Hàng tuần tiết chào cờ, nay là sinh hoạt, thầy cô tổ chức các tiết học như: Đừng để căng thẳng đánh gục bạn, giáo dục kỹ năng ứng phó với căng thẳng. Những tiết học này giúp học sinh được giải tỏa áp lực (nếu có) và trang bị những kỹ năng sống vượt qua những khó khăn, thử thách trong học tập giúp cân bằng giữa việc học và sinh hoạt của học sinh...”, cô Mận chia sẻ.