Làm sống lại dòng tranh dân gian Kim Hoàng

GD&TĐ - Nhân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, NXB Thế giới cho ra mắt cuốn sách “Dòng tranh dân gian Kim Hoàng”. Cuốn sách cho độc giả cái nhìn khá toàn diện về một di sản quý báu tưởng chừng mất dấu nay đã trở lại huy hoàng với đời sống tinh thần người Hà Nội và cả nước.

Những cuốn sách “Dòng tranh dân gian Kim Hoàng” ra mắt độc giả.
Những cuốn sách “Dòng tranh dân gian Kim Hoàng” ra mắt độc giả.

Sau 10 năm sưu tập, nghiên cứu 30 dòng tranh dân gian Việt Nam và 3 năm khôi phục lại tranh Kim Hoàng, nhóm tác giả Thu Hòa, Trịnh Sinh, Lê Bích đã hoàn thành cuốn sách “Dòng tranh dân gian Kim Hoàng” (NXB Thế giới ấn hành).

Tranh Kim Hoàng là một trong những dòng tranh dân gian nổi tiếng của nước ta có xuất xứ từ thôn Kim Hoàng (xã Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội).

Gắn với đời sống tinh thần và tín ngưỡng của người dân ước vọng về một cuộc sống may mắn, no đủ và hạnh phúc, tranh Kim Hoàng một thời là món ăn tinh thần của người dân xứ Đoài và vùng đồng bằng Bắc bộ.

Dù mang nhiều giá trị dân gian đặc sắc nhưng tranh Kim Hoàng chỉ tồn tại trong khoảng thời gian ngắn. Trận lũ năm 1915, đê Liên Mạc bị vỡ đã cuốn trôi nhiều ván in của làng, sau đó mất mùa, đói kém lại chiến tranh nên nghệ nhân làm tranh của làng ngày một thưa thớt. Cuộc sống khó khăn cũng khiến thú chơi tranh của người dân dần mai một… Cứ như vậy, nghề làm tranh ở Kim Hoàng dần biến mất.

Lần đầu tiên tranh Kim Hoàng được khôi phục.
Lần đầu tiên tranh Kim Hoàng được khôi phục.

Dự án “Khôi phục tranh dân gian Kim Hoàng” được triển khai từ năm 2016 đến nay do bà Nguyễn Thị Thu Hòa - Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội làm chủ dự án. Đây là lần đầu tiên tranh Kim Hoàng được khôi phục.

Trong một quá trình nỗ lực từng bước lần tìm lại quê hương của dòng tranh này là thôn Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội (cách trung tâm Thủ đô khoảng 15km), qua khảo sát thực tế, Dự án đã tìm được một số các cụ cao niên là người đã trực tiếp chứng kiến việc làm tranh, bán tranh.

“Nghe các cụ kể lại, nhờ các cụ giám định màu tranh cơ bản của Kim Hoàng, cách làm, cách phân phối tranh qua hệ thống chợ quê xứ Đoài… chúng tôi đã dựng lại được hình ảnh của làng nghề này ở buổi hoàng kim của nó”, bà Thu Hòa chia sẻ.

Dự án đã tập hợp được nhiều nghệ nhân và nhà sưu tầm tranh dân gian Việt Nam, các họa sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử mỹ thuật, nhiếp ảnh gia… tham gia phục hồi và phát huy giá trị của di sản này.

Các mẫu tranh Kim Hoàng trở lại đời sống.
Các mẫu tranh Kim Hoàng trở lại đời sống.

Song song với Dự án “Khôi phục tranh dân gian Kim Hoàng”, nhà sưu tập Thu Hòa - một người tâm huyết với di sản tranh dân gian của cha ông xưa, GS.TS Trịnh Sinh và nhiếp ảnh gia Lê Bích đã cùng phối hợp nghiên cứu, sáng tạo để ra mắt cuốn sách “Dòng tranh dân gian Kim Hoàng”.

“Hy vọng công trình của chúng tôi sẽ có đóng góp không những khôi phục và phát triển dòng tranh Kim Hoàng, mà còn có giá trị tư liệu khảo sát dân tộc học, khảo cổ học, thư tịch học, sử học, văn học dân gian của một ngôi làng thuần Việt và khá nổi tiếng xưa nay ở châu thổ sông Hồng: làng Kim Hoàng”, bà Thu Hòa mong muốn.

Cuốn sách “Dòng tranh dân gian Kim Hoàng” gồm 3 chương với hàng trăm bức ảnh màu minh họa cùng nhiều tài liệu tham khảo, trích dẫn đã cho người đọc những góc nhìn toàn cảnh về làng Kim Hoàng, tái hiện lại quá trình khôi phục lại dòng tranh đầy gian nan vất vả và những hoạt động giao lưu, quảng bá giới thiệu tranh Kim Hoàng ra với công chúng trong nước và bạn bè quốc tế.

Cuốn sách ra mắt vào dịp Tết nguyên đán này là lời tri ân tới vị tổ nghề tranh dân gian làng Kim Hoàng, các nghệ nhân xưa đã có công giữ nghề để lưu truyền cho con cháu đến ngày nay. Qua cuốn sách “Dòng tranh dân gian Kim Hoàng” những người làm sách hi vọng sẽ đưa đến cho bạn đọc một tác phẩm hay, rất có ý nghĩa và bổ ích nhân dịp đầu Xuân Kỷ Hợi 2019.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.