Lý do khiến trò ngại đến thư viện
Theo chia sẻ của cô Nguyễn Thị Hằng - Trường Tiểu học-THCS-THPT Quách Đình Bảo (TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình), một trong những hạn chế của thư viện trường học hiện nay là cán bộ thư viện đa phần kiêm nhiệm; hoặc từ giáo viên chuyển sang khi chưa được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ.
Bên cạnh đó, mức lương thấp khiến đội ngũ này chưa tâm huyết với nghề. Ngoài ra còn là hạn chế về cơ sở vật chất, tài liệu. Mặc dù đã có thư viện điện tử nhưng nhiều nơi chưa được trang bị máy tính dành riêng cho bạn đọc để tra cứu thông tin…
Thừa nhận số học sinh đến thư viện rất ít, cô Hằng cho rằng, ngoài nguyên nhân từ hạn chế nói trên, lý do căn cốt là bởi Internet ngày càng phát triển; học sinh bị thu hút bởi các tiện ích như báo điện tử, tài liệu số, truyền hình, Facebook, YouTube… hơn là cất công lên thư viện làm thẻ, tra cứu, đọc sách.
Thầy Nguyễn Mai Trọng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS A Xing (Hướng Hóa, Quảng Trị) thì cho rằng, khó khăn nhất với công tác thư viện trường học là cơ sở vật chất, nguồn tài liệu hạn chế, kinh phí hoạt động.
Ngoài ra, với sự phát triển của Internet, học sinh có nhiều cách để tiếp cận thông tin dễ dàng, nhanh chóng thay vì phải đến thư viện đọc sách. Các em cũng chưa hình thành thói quen đọc sách báo. Trong khi, việc tạo thói quen đọc sách, hình thành văn hóa đọc cho học sinh là yếu tố hàng đầu thu hút các em đến thư viện.
Thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa (TP Cần Thơ) có quan điểm tương tự khi cho rằng khó khăn lớn nhất với công tác thư viện trường học là thiếu hụt nguồn lực và tài nguyên. Với nhà trường, nguồn nhân lực chỉ có một cán bộ chuyên trách, đội ngũ cộng tác viên không đủ kiến thức về thư viện.
Thư viện còn hạn chế về sách tham khảo. Sách và tài liệu tham khảo dạng điện tử nhà trường phải tự đảm bảo kinh phí (ngân sách không cấp riêng). Riêng việc học sinh thờ ơ với thư viện, thầy Bằng cũng nhắc đến sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, dễ dàng tìm thông tin qua Internet hơn đến thư viện. Ngoài ra, các em chưa có thói quen đọc sách mà thích đọc các thông tin nhanh trên mạng xã hội.
Phát huy tối đa hiệu quả thư viện trường học
Để thu hút học sinh tới thư viện và phát huy tối đa hiệu quả thư viện trường học, theo thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng cần quan tâm sắp xếp, trang trí thư viện; nghiên cứu nhu cầu, hứng thú đọc của học sinh; thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền, giới thiệu sách (sinh hoạt dưới cờ, bài viết đăng website, phát thanh học đường).
Thư viện có thể phối hợp với tổ chuyên môn, Đoàn Thanh niên trường để tổ chức các hoạt động. Cán bộ thư viện phải tâm huyết, yêu nghề, nhiệt tình phục vụ bạn đọc; nhà trường, giáo viên khuyến khích, động viên học sinh viết cảm nhận sau khi đọc sách và tham gia các hoạt động do thư viện tổ chức.
Cô Nguyễn Thị Hằng cho rằng, kiến thức ở trường cần nhưng chưa đủ, bài tập ở nhà đủ nhưng chưa sâu. Muốn có kiến thức sâu, học sinh cần tìm đến thư viện trường học. Để thu hút được học sinh, thư viện cần nghiêu cứu nhu cầu đọc của các em, từ đó xây dựng vốn tài liệu và tổ chức phục vụ hiệu quả.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch đọc sách cho học sinh qua tiết đọc thư viện được tổ chức hằng tuần. Đổi mới, mở rộng các hình thức phục vụ bạn đọc nhằm phát huy tác dụng của sách báo với chất lượng giáo dục nhà trường. Ngoài phục vụ không gian thư viện, có thể phục vụ tại lớp học qua hình thức tủ sách thư viện tại lớp học, thư viện xanh ngoài trời.
Các nhà trường cũng cần sáng tạo nhiều hình thức trong công tác tuyên truyền giới thiệu sách trong thư viện, như giới thiệu bằng mô hình xếp sách nghệ thuật, giới thiệu qua các buổi sinh hoạt chuyên môn, tọa đàm, giao lưu các tác giả nổi tiếng…
Là đơn vị làm tốt việc phát triển văn hóa đọc cho học sinh, thầy Nguyễn Mai Trọng cho biết, thư viện Trường Tiểu học - THCS A Xing có nhiều hoạt động nhằm thu hút học sinh đến thư viện. Cụ thể, tổ chức tìm hiểu kiến thức về sách tại thư viện thân thiện (thư viện chuẩn bị các câu hỏi về sách, học sinh tham gia trả lời câu hỏi giúp giảm căng thẳng sau giờ học); hoạt động đọc sách ở tủ sách lớp học; cho học sinh đọc truyện và đọc sách ngay giữa sân trường, dưới bóng mát của những tán cây xanh.
Nhà trường cũng tổ chức hoạt động đọc sách 15 phút đầu giờ, giúp học sinh cải thiện khả năng đọc hiểu và hình thành thói quen học tập kỷ luật. Giới thiệu những cuốn sách hay nhằm thu hút bạn đọc đến thư viện, qua đó thúc đẩy xây dựng văn hóa đọc trong nhà trường. Trường tổ chức Xe sách lưu động nhằm lan tỏa văn hóa đọc đến với học sinh và người dân. “Các hoạt động đều được xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức thường xuyên trong năm học”, thầy Trọng cho hay.
Làm phong phú nguồn tài nguyên
Nhằm phát huy không gian thư viện vào phục vụ nhiệm vụ dạy học, nghiên cứu cho giáo viên, học sinh, đặc biệt xây dựng văn hóa đọc trong nhà trường, ông Nguyễn Tân - Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế cho biết, sở GD&ĐT đã đề nghị các phòng GD&ĐT (chỉ đạo trường trực thuộc UBND cấp huyện) và trường trực thuộc sở khẩn trương tham mưu kế hoạch xây dựng thư viện theo Thông tư số 16/2022/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT và các văn bản hướng dẫn của sở GD&ĐT tổ chức đánh giá thư viện theo đúng quy định.
Trang bị, bổ sung đầu sách, tạp chí phục vụ nghiên cứu, tham khảo giảng dạy và học tập của giáo viên, học sinh; đảm bảo 100% trường học có các báo tạp chí chuyên ngành, trong đó có Báo Giáo dục và Thời đại; trang bị đủ các bộ sách giáo khoa theo Chương trình GDPT 2018, đính kèm sách tham khảo, hướng dẫn lập kế hoạch bài học, môn học, giúp giáo viên thực hiện tốt và hỗ trợ học sinh mượn học tập.
Đối với trường vùng khó khăn, học sinh không đủ sách để học, nhà trường tăng cường tranh thủ nguồn lực hỗ trợ của các tổ chức xã hội, cá nhân, thực hiện kêu gọi quyên góp sách cũ, phát động phong trào tặng sách cũ,… xây dựng tủ sách giáo khoa phục vụ cho mượn, đảm bảo 100% học sinh không thiếu sách học.
Đồng thời, kết nối với các thư viện tỉnh, huyện, xã trong khu vực trường đóng để luân chuyển sách, báo, tài liệu nghiên cứu làm phong phú nguồn tài nguyên phục vụ tốt nhất nhu cầu đến thư viện của giáo viên, học sinh. Chú trọng điều kiện cơ sở vật chất thông thoáng, thuận tiện trong khai thác, tìm kiếm tài liệu phục vụ nhu cầu nghiên cứu và đọc sách của giáo viên, học sinh tại thư viện.
Cần có chiến lược mang tính hệ thống, lâu dài từ mầm non đến THPT để hình thành thói quen đọc sách. Cùng đó, có thư viện số mang tầm quốc gia để mọi người có thể sử dụng; tránh đầu tư dàn trải theo từng cơ sở giáo dục, dễ dẫn đến lãng phí nguồn lực, manh mún. - Thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng (Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa)