Có rất nhiều năng lực và phẩm chất cần được hình thành cho học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường, một trong những năng lực được xác định là cốt lõi cần phải hình thành cho học sinh theo định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông mới là năng lực hợp tác. Vậy, cần phải làm như thế nào để phát triển năng lực đó cho học sinh, nhất là trong bộ môn có tính đặc thù - môn Ngữ văn?
Năng lực hợp tác được hiểu là khả năng tương tác, phối hợp, tự điều chỉnh của cá nhân với tập thể nhằm thực hiện mục tiêu chung; là khả năng chủ động đề xuất mục đích hợp tác để giải quyết một vấn đề; tự nhận trách nhiệm và vai trò của mình trong hoạt động chung của nhóm.
Với bộ môn Ngữ văn, năng lực hợp tác được hiểu là cùng tìm hiểu, cắt nghĩa, thảo luận về nội dung, nghệ thuật của tác phẩm; cùng giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra từ tác phẩm; tương tác trong quá trình tạo lập văn bản, chỉnh sửa văn bản và đánh giá chéo đồng thời hỗ trợ nhau về kinh nghiệm, tri thức đọc hiểu, tạo lập văn bản.
Vậy, thực tế việc dạy học bộ môn Ngữ văn hiện nay đã góp phần phát triển năng lực hợp tác cho học sinh hay chưa? Từ thực tiễn giảng dạy, chúng tôi nhận thấy: các giáo viên đã có nhiều cố gắng tổ chức các hoạt động để tích cực hóa vai trò của người học, góp phần hình thành kiến thức, kĩ năng và phần nào phát triển năng lực năng lực hợp tác cho học sinh.
Tuy nhiên, các biện pháp, kĩ thuật dạy học tích cực chủ yếu được thực hiện trong các kì thi giáo viên giỏi, các kì hội giảng. Chính điều đó cũng làm giảm đi phần nào tính tích cực cũng như khả năng phát triển các năng lực của học sinh, trong đó có năng lực hợp tác.
Phải làm thế nào để có thể phát huy được năng lực hợp tác cho học sinh trong bộ môn Ngữ Văn? Trong khi môn học này có tính đặc thù là thiên về cảm nhận có tính chất chủ quan. Theo chúng tôi, có thể thực hiện được điều đó khi sử dụng đa dạng các phương pháp và kĩ thuật dạy học tính cực.
Thứ nhất, sử dụng phương pháp dạy học theo nhóm. Thông thường, chỉ những hoạt động đòi hỏi sự phối hợp của các cá nhân để hoàn thành nhiệm vụ nhanh chóng hơn, hiệu quả hơn hoạt động động cá nhân thì mới nên sử dụng phương pháp này. Dạy học nhóm thường được áp dụng để đi sâu, luyện tập, củng cố một chủ đề đã học hoặc cũng có thể tìm hiểu một chủ đề mới.
Có nhiều cách để thành lập nhóm theo các tiêu chí khác nhau, không nên áp dụng một tiêu chí duy nhất trong cả năm học. Có thể theo sổ điểm danh, theo màu sắc, theo biểu tượng, theo giới tính, theo vị trí ngồi, hoặc có cùng sự lựa chọn.
Chẳng hạn, khi dạy bài “Chữ người tử tù” (Nguyễn Tuân) giáo viên có thể chia lớp làm 4 nhóm thực hiện 4 nhiệm vụ. Nhóm 1- tài năng của Huấn Cao? Quan niệm của Nguyễn Tuân khi miêu tả tài năng của nhân vật ; Nhóm 2 - khí phách của Huấn Cao ; Nhóm 3: Với tư cách là một người nghệ sĩ, Huấn Cao quan niệm như thế nào về việc sáng tạo cái đẹp? Vì sao Huấn Cao quyết định cho chữ ; Nhóm 4: Nghệ thuật xây dựng nhân vật? Quan niệm của Nguyễn Tuân qua nhân vật Huấn Cao?
Thứ hai, sử dụng phương pháp dạy học theo dự án. Dạy học theo dự án (DHDA) là một hình thức dạy học, trong đó người học thực hiện một nhiệm vụ học tập phức hợp, có sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, có tạo ra các sản phẩm có thể giới thiệu.
Các dự án học tập thường được thực hiện theo nhóm, trong đó có sự cộng tác làm việc và sự phân công công việc giữa các thành viên trong nhóm. (DHDA) có thể được phân loại theo nhiều phương diện khác nhau.
Có khi là sự phân loại theo chuyên môn ( dự án nội môn, dự án liên môn, dự án ngoài chuyên môn); có khi là sự phân loại theo quỹ thời gian (một số giờ học, 1 tuần, hai tuần hay một tháng); có khi là sự phân loại theo nhiệm vụ. (DHDA) sẽ kích thích động cơ, hứng thú học tập của người học; rèn luyện năng lực giải quyết những vấn đề phức hợp; rèn luyện năng lực cộng tác làm việc...
Ví dụ: Trong quá trình giảng dạy, trong một số năm học liên tiếp chúng tôi đã triển khai một số dự án nội môn và liên môn. Ở loại dự án nội môn, chúng tôi hướng dẫn học sinh thực hiện với những nhiệm vụ vừa phải: có thể là chuyển thể thành tranh vẽ, sân khấu hóa tác phẩm (tại lớp).
Ở loại dự án này chúng tôi đã tổ chức cho học sinh chuyển thể kịch bản và sân khấu hóa tác phẩm (tại lớp hoặc ngoài lớp) một số tác phẩm và trích đoạn: Truyện cổ tích Tấm Cám, Truyền thuyết An Dương và Mị Châu - Trọng Thủy, truyện cười, đoạn trích Rama buộc tội, đoạn trích Uylitxo trở về, Chí Phèo, Chữ người tử tù ...
Với loại dự án liên môn thì trục trọng tâm là các văn bản trong chương trình môn Ngữ văn, chúng tôi đặt trong tương quan với các phân môn khác khi có chung vấn đề. Ở chương trình lớp 12 chúng tôi đã hướng dẫn học sinh thực hiện dự án “ Giáo dục truyền thống trọng dụng người hiền tài cho học sinh phổ thông trong giai đoạn hiện nay”. Kiến thức nền tàng của bộ môn Ngữ văn đó là bài “Nghị luận về một tư tưởng đạo lí”, “Nghị luận về một hiện tượng đời sống”, “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” của Thân Nhân Trung (được học từ lớp 10).
Dự án này có mối liên quan với các môn khác như: môn Lịch sử ( Bài “Cách mạng khoa học công nghệ và xu thế toàn cầu hóa nửa sau thế kỉ XX” - Chương trình lớp 12); môn Giáo dục công dân (Bài Chính sách giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa” - chương trình lớp 11); môn Địa lý (Bài “ Lao động và việc làm”- chương trình lớp 12). Với việc thực hiện dự án này học sinh nhận thức rõ hơn vai trò trách nhiệm của người hiền tài, thực trạng của việc sử dụng người hiền tài hiện nay, từ đó đề xuất giải pháp cũng như xác định được trách nhiệm của bản thân.
Hoặc ở chương trình lớp 10 chúng tôi cũng hướng dẫn học sinh thực hiện dự án: “Từ bài Tựa Trích diễm thi tập (Hoàng Đức Lương) đến vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc trong thời kì hội nhập”. Ở dự án này kiến thức nền tảng là bài “Tựa Trích diễm thi tập” (Hoàng Đức Lương), “Đại cáo bình Ngô “(Nguyễn Trãi), “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” (Thân Nhân Trung). Kiến thức liên môn gồm có: môn Lịch sử lớp 10 (Bài 20: Xây dựng và phát triển văn hóa trong thế kỉ X-XV, Bài 27: Quá trình dựng nước và giữ nước, Bài 28: Truyền thống yêu nước của Việt Nam thời phong kiến); môn Địa lý (Việt Nam trên con đường đổi mới và hội nhập); môn Giáo dục công dân ( Bài 13: Chính sách giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa - lớp 11).
Với việc việc thực hiện dự án này, học sinh sẽ nhận thức đúng đắn về vai trò, tầm quan trọng của văn hóa cũng như có những nỗ lực để góp phần bảo tồn và phát triển văn hóa trong thời kì mới. Tất nhiên, trong khung chương trình hiện nay chưa có thời lượng dành cho việc thực hiện các loại dự án, nhất là dự án liên môn nên giáo viên có thể linh hoạt trong việc vận dụng các tiết ôn tập, thực hành, luyện tập, đọc thêm...
Thứ ba, sử dụng sơ đồ bảng biểu. Sơ đồ là một dạng kênh thông tin rất thú vị: Ngôn ngữ sơ đồ vừa cụ thể, trực quan, chi tiết lại vừa có tính khái quát, trừu tượng và hệ thống cao. Khi chúng ta đưa ra những sơ đồ bảng biểu để các nhóm làm việc, học sinh sẽ hứng thú hơn bởi mỗi lần giải quyết, hoàn thành một sơ đồ, học sinh sẽ có cảm giác như mình được tham gia vào một trò chơi thú vị.
Có rất nhiều loại sơ đồ có thể sử dụng trong dạy học: sơ đồ dạng nhánh, sơ đồ cây, sơ đồ vòng, sơ đồ thẳng, sơ dồ dạng bảng biểu,… giáo viên cần có sự linh hoạt trong quá trình sử dụng để đạt hiệu quả cao nhất.
Ví dụ, Khi dạy bài “ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn” (Trích Đại Việt sử kí toàn thư- Ngô Sĩ Liên) ở chương trình lớp 10, giáo viên có thể chia lớp làm 3 nhóm hoàn tất thông tin trong 3 bảng biểu với các yêu cầu cụ thể. Bảng 1 là các thông tin về Ngô Sĩ Liên như: thời đại/cuộc đời/ đóng góp. Bảng 2 là các thông tin về tác phẩm: thời gian ra đời, thể loại/ nội dung chính/ vị trí, giá trị tác phẩm. Bảng 3 là tìm hiểu về thể loại sử kí: chức năng/ nội dung/ những văn bản sử kí nổi tiếng.
Thứ tư, sử dụng bản đồ tư duy (mindmap). Đây là một hình thức ghi chép sử dụng màu sắc và hình ảnh để mở rộng và đào sâu các ý tưởng. Ở giữa bản đồ là một ý tưởng hay một hình ảnh trung tâm. Ý tưởng hay hình ảnh trung tâm này sẽ được phát triển bằng các nhánh tượng trưng cho các ý chính và đều được nối với các ý trung tâm. Khi cả nhóm học sinh cùng suy nghĩ để hoàn thiện bản đồ tư duy thì sẽ tiết kiệm thời gian, công sức; cung cấp bức tranh tổng thể; tổ chức và phân loại suy nghĩ; ghi nhớ tốt hơn, kích thích tiềm năng sáng tạo; sử dụng rộng rãi, hiệu quả và dễ dàng ở nhiều lĩnh vực.
Giáo viên có thể sử dụng bản đồ tư duy theo nhiều mục đích khác nhau: giúp học sinh chiếm lĩnh kiến thức tổng hợp về bài học, gợi mở, kích thích quá trình tìm kiếm kiến thức của học sinh, củng cố, khái quát bài học của học sinh. Biện pháp này thích hợp với các tiết văn học sử, các nội dung tìm hiểu về tác giả và hệ thống hóa kiến thức tác phẩm.
Ví dụ: Ở bài “Việt Bắc” trong chương trình lớp 12, trong phần thứ nhất khi tìm hiểu về tác giả Tố Hữu, giáo viên có thể yêu cầu các nhóm học sinh hoàn thiện bản đồ tư duy dựa trên các từ khóa trung tâm: Cuộc đời/ đường cách mạng, đường thơ/ phong cách nghệ thuật.
Tóm lại, đây có thể chưa phải là những phương pháp và kĩ thuật dạy học tối ưu nhất, triệt để nhất để phát triển năng lực hợp tác cho học sinh trong bộ môn Ngữ văn. Nhưng chúng tôi thiết nghĩ, nếu chúng ta biết sử dụng chúng linh hoạt, nhuần nhuyễn, đúng thời điểm, có kế hoạch dài hơi thì vừa khai thác được đặc thù bộ môn Ngữ văn, vừa phát huy tính tích cực của học sinh. Để từ đó học sinh phát triển được năng lực hợp tác, tạo tiền đề để có thể thành công trong tương lai.