Chú trọng yếu tố an toàn
Với hơn 300 trẻ đang theo học, cô Nguyễn Thị Hằng - Hiệu trưởng Trường Mầm non Họa Mi (quận Hoàng Mai) nhấn mạnh, nâng cao chất lượng công tác y tế trường học là vấn đề vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Tại Hà Nội, với tốc độ đô thị hóa nhanh và áp lực học tập ngày càng tăng, việc đảm bảo chất lượng công tác y tế trường học càng trở nên cấp thiết.
Do vậy, nhà trường đã có nhiều giải pháp như: Ký hợp đồng với cán bộ y tế có bằng cấp chuyên môn và giấy phép hành nghề. Đồng thời ký hợp đồng với các đơn vị cung ứng thực phẩm có uy tín, đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, có thể truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Các đơn vị này trước đó được UBND quận thẩm định về hồ sơ pháp lý đầy đủ theo quy định.
Hằng ngày, công tác nhận thực phẩm thực hiện nghiêm túc với đủ các thành phần gồm ban giám hiệu, y tế, kế toán, nhà bếp, phụ huynh học sinh. Cán bộ y tế thường xuyên đi kiểm tra vệ sinh toàn trường, có biên bản và sổ kiểm tra. Khăn mặt của trẻ được hấp sấy mỗi ngày, cốc uống nước của trẻ được luộc vào thứ Tư hằng tuần.
Buổi sáng trước khi chế biến thức ăn, các dụng cụ nấu ăn được tráng bằng nước sôi. Nhà bếp đã trang bị hệ thống cửa lưới chắn côn trùng. Hệ thống nước sinh hoạt và nước uống được xét nghiệm định kỳ. Bể ngầm có nắp đậy chắc chắn. Nhà trường cũng tiến hành phun thuốc muỗi toàn trường 1 năm 2 lần; thực hiện lịch tổng vệ sinh toàn trường vào chiều thứ Sáu hằng tuần.
“Trẻ được cân đo và theo dõi biểu đồ tăng trưởng 3 lần/năm và khám sức khỏe định kỳ mỗi năm 1 lần. Tủ thuốc của nhà trường được trang bị đầy đủ các loại thuốc theo quy định của Bộ Y tế. Trẻ được hướng dẫn rửa tay bằng xà phòng trước bữa ăn và sau khi đi vệ sinh. Hằng năm, cán bộ, giáo viên và nhân viên được tập huấn về kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ”, cô Nguyễn Thị Hằng thông tin.
Là trường có đông học sinh ở quận Hà Đông, cô Ngô Thị Hồng Lương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Du cho hay, năm học này, trường có 2.285 học sinh. Nhà trường thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên về công tác y tế học đường và có nhân viên y tế chuyên trách ở phòng y tế. Trường cũng kiện toàn Ban chăm sóc sức khỏe học sinh và hoạt động hiệu quả.
Phòng y tế của trường được bố trí đầy đủ cơ số thuốc/vật tư y tế theo quy định để thuận tiện trong công tác sơ cấp cứu và chăm sóc sức khỏe học sinh. Nhân viên y tế thường xuyên tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ y tế trường học do quận tổ chức. Nhờ đó, đến nay nhà trường chủ động trong việc giám sát vấn đề an toàn trường học cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh.
“Nhà trường có đủ điều kiện cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường, hóa chất làm vệ sinh, dung dịch khử khuẩn, cung cấp đủ nước ăn uống, sinh hoạt cho học sinh, giáo viên. Nhà vệ sinh đảm bảo vệ sinh, an toàn, thân thiện. Điều này giúp việc triển khai hoạt động chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của học sinh, phòng chống tai nạn thương tích diễn ra theo đúng kế hoạch, không để bị động”, cô Hồng Lương trao đổi thêm.
Tăng cường phối hợp giữa các bên
Tại Trường THCS Chương Dương (quận Hoàn Kiếm), cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Vân Hồng cho rằng, vai trò của công tác y tế trường học là không thể phủ nhận trong việc đảm bảo an toàn, sức khỏe thể chất, tinh thần cho học sinh. Dù vậy, cái khó của đơn vị này gặp phải là bài toán tuyển nhân sự cho phòng y tế. Nhà trường hiện mới hợp đồng với một điều dưỡng để phụ trách công tác y tế học đường.
“Tất cả hoạt động của nhà trường đều rất tốt, tuy nhiên việc tuyển nhân viên y tế thì gặp khó do yêu cầu cao về bằng cấp. Trong khi đó, lương của đội ngũ này lại thấp, khối lượng công việc nhiều nên có thời điểm, trường tuyển được người vào làm rồi nhưng chỉ được một thời gian ngắn lại xin nghỉ vì thu nhập không đủ trang trải cuộc sống. Nếu được, tôi xin đề xuất có cơ chế đặc thù, hỗ trợ đội ngũ nhân viên y tế trường học để họ yên tâm làm việc”, cô Hồng nói.
Nhấn mạnh tới vai trò của công tác truyền thông và phối hợp với các bên trong công tác y tế trường học, cô Nguyễn Thị Nhâm Huyền - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng (quận Ba Đình) cho hay, nhà trường thường xuyên tổ chức hoạt động truyền thông, tư vấn giáo dục sức khỏe cho học sinh thông qua giảng dạy chính khóa, ngoại khóa hoặc chuyên đề.
Theo cô Huyền, để nâng cao chất lượng công tác y tế học đường, cần tăng cường tuyển dụng và đào tạo đội ngũ nhân viên y tế có trình độ chuyên môn phù hợp, đáp ứng tốt yêu cầu công việc. Tổ chức các khóa tập huấn thường xuyên để cập nhật kiến thức mới về y tế học đường, kỹ năng sơ cấp cứu và tư vấn tâm lý cho họ. Xây dựng chế độ đãi ngộ hợp lý nhằm thu hút và giữ chân nhân tài. Đồng thời đầu tư đầy đủ trang thiết bị cho phòng y tế ở các trường.
Đồng quan điểm trên, cô Trần Thị Mai Hương - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Huyên (huyện Hoài Đức) chia sẻ: Nhà trường có nhân viên y tế chuyên biệt và được đào tạo bài bản. Phòng y tế của trường có đầy đủ cơ số thuốc và trang thiết bị cần thiết. Trường cũng tiến hành khám sức khỏe cho học sinh đầu năm; tổ chức các buổi truyền thông về phòng chống dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm.
“Nhà trường có hệ thống cơ sở vật chất đầy đủ, gần trạm y tế xã và bệnh viện huyện nên thuận lợi trong việc trao đổi chuyên môn. Tuy nhiên, nguồn kinh phí Nhà nước cấp và phân bổ cho công tác y tế học đường còn hạn chế; học sinh từ các địa bàn các xã khác nhau nên công tác phòng chống dịch gặp một số khó khăn nhất định”, cô Mai Hương bày tỏ.
Theo cô Hương, để công tác y tế trường học phát huy hiệu quả thì vai trò phối hợp giữa nhà trường với ngành y tế, sự đồng hành từ các bậc phụ huynh vô cùng quan trọng. Ngoài ra, các cấp cần tiếp tục quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng trường học theo chuẩn, trong đó có phòng y tế.