Báo cáo giải trình của Chính phủ về một số vấn đề cần lưu ý qua giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 gửi Đoàn Giám sát của ủy ban Thường vụ Quốc hội có làm rõ những khó khăn, vướng mắc về hành lang pháp lý thực hiện xã hội hóa; nhất là chính sách khuyến khích, ưu đãi về đầu tư thực hiện xã hội hóa giáo dục.
Theo báo cáo, việc triển khai thực hiện xã hội hóa giáo dục tại các địa phương còn gặp nhiều khó khăn do quỹ đất phục vụ cho đầu tư phát triển giáo dục còn hạn chế.
Một số địa phương chưa thiết lập được quỹ đất và công khai quỹ đất dành cho giáo dục để kêu gọi đầu tư xây dựng.
Một số địa phương có quỹ đất nhưng chưa thu hút được nhà đầu tư. Hoặc một số địa phương có quỹ đất sạch để thực hiện xã hội hóa nhưng lại thuộc các vùng có điều kiện kinh tế không thuận lợi. Một số dự án xây dựng trường mầm non ngoài công lập không thể triển khai thực hiện được do còn gặp khó khăn trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định; gây khó khăn cho nhà đầu tư.
Việc thực hiện các thủ tục chuyển đối mục đích sử dụng đất tại một số địa phương còn khó khăn, bất cập (khi chủ đầu tư muốn sử dụng đất ở để thành lập trường đòi hỏi phải chuyển từ đất ở sang đất xây dựng công trình sự nghiệp). Quy định này gây khó khăn đối với các cơ sở nhà trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập tư thục mong muốn được nâng cấp lên quy mô trường.
Thủ tục hành chính đối với các vấn đề liên kết, hợp tác, đặc biệt đối với các nhà đầu tư nước ngoài còn phức tạp, khiến cho các nhà đầu tư e ngại khi có ý định đầu tư vào giáo dục.
Tổng các nguồn lực của xã hội thu hút vào khối ngoài công lập còn chiếm tỷ trọng rất thấp so với tiềm năng và nguồn lực sẵn có. Các nguồn lực của xã hội huy động chủ yếu từ các cá nhân thông qua học phí và đóng góp thiện nguyện, chưa huy động được sự vào cuộc, tham gia rộng rãi của toàn xã hội, tận dụng tối đa đóng góp tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp và đội ngũ trí thức Việt kiều.
Công tác vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ, tài trợ chưa thường xuyên liên tục. Công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện chủ trương, chính sách về xã hội hóa các hoạt động giáo dục, đào tạo ở một số cơ sở chưa thực sự được quan tâm đúng mức nên kết quả đạt được còn hạn chế.
Ngoài ra, đầu tư xã hội hóa giáo dục vẫn có rủi ro, chưa thu lợi nhuận kinh tế trước mắt, cần có thời gian dài mới thu lại vốn, vì vậy nhiều nhà đầu tư còn có tâm lý lo ngại.