Nguyên nhân dẫn đến thừa – thiếu GV
Báo cáo thông tin một số vấn đề cử tri quan tâm về lĩnh vực GD&ĐT của Bộ GDĐT cho biết: Tính đến thời điểm ngày 15/8/2018, toàn quốc có 1.161.143 giáo viên mầm non, phổ thông (công lập 1.089.837, ngoài công lập 71.306).
Trong đó, mầm non: 309.770 (công lập 262.155, ngoài công lập 47.615); tiểu học: 395.848 (công lập 390.873, ngoài công lập 4.975); THCS: 305.815 (công lập 300.990, ngoài công lập 4825); THPT: 149.710 (công lập 135.819, ngoài công lập 13.891).
Theo báo cáo của các sở GDĐT, tính đến thời điểm 15/8/2018, so với nhu cầu sử dụng theo định mức quy định, số giáo viên còn thiếu sau khi đã được giao thêm biên chế để tuyển dụng là: 75.989 người (mầm non: 43.732 người; tiểu học: 18.953 người; THCS: 10.143 người; THPT: 3161 người.
Riêng cấp THCS, hiện nay có tình trạng thừa, thiếu cục bộ giữa các môn học ở một số cơ sở giáo dục, giữa các địa phương trong một tỉnh mà không điều tiết được. Do đó, dẫn đến việc một số địa phương đã ký hợp đồng GV ngoài chỉ tiêu biên chế được giao không đúng với quy định hiện hành như: Krông Pắk (Đắk Lắk), Cà Mau, Thanh Oai (Hà Nội), Phú Yên, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Hải Dương, Thanh Hóa, Quảng Trị và một số địa phương khác.
Bất cập này do một số nguyên nhân sau:
Trước năm 2015, thực hiện Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003, các địa phương chủ động phê duyệt biên chế. Do công tác quy hoạch, dự báo của các địa phương chưa kịp thời hoặc không hiệu quả, nên nhiều địa phương tuyển dụng không đúng số lượng, cơ cấu đội ngũ đẫn đến việc thừa thiếu cục bộ.
Đặc biệt là, từ sau năm 2011, việc chuyển đổi mô hình trường lớp bán công (không còn mô hình trường bán công) đã dẫn đến việc tuyển dụng GV ở các trường lớp bán công vào các trường công lập tăng lên, nhiều nơi tuyển dụng vào các trường công lập nhiều hơn chỉ tiêu biên chế được giao.
Dân số cơ học tăng nhanh tại các khu vực trung tâm, thành phố lớn, khu công nghiệp dẫn tới tăng trường lớp, tăng số lượng GV. Đối với các vùng miền núi, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn, do đặc điểm đặc thù có nhiều điểm trường lẻ, sĩ số học sinh trong một lớp ít trong khi các lớp học này vẫn cần đảm bảo đủ GV theo quy định.
Ngoài ra, đối với GV mầm non, việc thực hiện phổ cập, đặc biệt phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi dẫn đến nhu cầu bổ sung nhiều GV mầm non đáp ứng yêu cầu gia tăng số lượng trẻ mầm non đến trường.
Việc thừa thiếu GV diễn ra ở cả trong một cấp học và ở các cấp học khác nhau. Tuy nhiên, GV dạy môn này không thể điều chuyển sang dạy môn khác; GV cấp này không chuyển sang dạy cấp khác khi không đảm bảo trình độ chuẩn đào tạo. Việc điều chuyển GV giữa các địa phương cũng khó khăn vì các địa phương được tổ chức tuyển dụng riêng.
Việc phân cấp tại địa phương trong công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo còn nhiều bất cập vì hầu hết ở các địa phương, cơ quan chuyên môn là sở GDĐT, phòng GDĐT không phải là đơn vị chủ trì, đầu mối về tuyển dụng GV nên không chủ động trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học và không chủ động điều tiết được giáo viên thừa, thiếu; một số nơi đã vi phạm quy định của pháp luật về tuyển dụng, bố trí, phân công giáo viên, gây nhiều bức xúc trong đội ngũ giáo viên và xã hội.
Sau khi có Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị “về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”, hầu hết các tỉnh, thành không được giao thêm biên chế GV mặc dù số học sinh ở các địa phương trong thời gian qua vẫn tăng. Việc thanh tra, kiểm tra công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ GV, nhân viên của các cấp quản lý còn hạn chế.
Bộ Nội vụ chủ trì đề xuất giải pháp xử lý thiếu biên chế GV
Báo cáo của Bộ GD&ĐT nêu rõ: Bộ Nội vụ là cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì quản lý biên chế, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên toàn quốc, trong đó có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục.
Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm giao chỉ tiêu biên chế cho các địa phương theo đề án do UBND các tỉnh/thành phố đề xuất hàng năm và chỉ đạo giám sát việc thực hiện tuyển dụng, sử dụng đúng quy định.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2018, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ chủ trì (Bộ GDĐT, Bộ Tài chính và các địa phương phối hợp) khẩn trương rà soát và đề xuất các giải pháp cụ thể để xử lý việc thiếu biên chế GV, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn và các địa phương có tăng dân số cơ học trên tinh thần bảo đảm thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương về tinh giản biên chế.
Thẩm quyền tuyển dụng, quản lý viên chức Giáo dục thuộc UBND, ngành Nội vụ
Sau khi được giao biên chế, các địa phương thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng viên theo các qui định của Luật Viên chức. Thẩm quyền tuyển dụng, quản lý viên chức ngành Giáo dục (giáo viên, nhân viên trong và ngoài biên chế) thuộc UBND các cấp và ngành Nội vụ. Công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ GV tại các địa phương đã đảm bảo cơ bản về số lượng, cơ cấu, chất lượng đội ngũ ngày càng được nâng lên.
Thời gian tới, Bộ GDĐT yêu cầu các địa phương chủ động rà roát, sắp xếp lại các điểm trường, biên chế GV phù hợp, điều chuyển từ nơi thừa biên chế sang nơi thiếu, thực hiện tinh giản biên chế, giảm đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập để có điều kiện bổ sung cho nơi còn thiếu biên chế GV, không để thiếu GV, ảnh hưởng tới việc học tập của học sinh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
Đồng thời triển khai thực hiện chuẩn nghề nghiệp giáo viên để có căn cứ thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng đội ngũ có chất lượng và tinh giản biên chế đúng các quy định; tăng cường vai trò của cơ quan chuyên môn cấp sở GDĐT, phòng GDĐT trong công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo.
Trách nhiệm của Bộ GDDT
Liên quan đến đội ngũ, trách nhiệm của Bộ GDĐT là chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn về danh mục khung vị trí việc làm, định mức giáo viên, nhân viên, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, các chương trình bồi dưỡng theo chức danh nghề nghiệp... theo đúng quy định của Luật Viên chức hiện hành.
Bộ GDĐT đã có các văn bản gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát tình hình bố trí, sử dụng giáo viên mầm non, phổ thông và thực hiện tinh giản biên chế.
Như vậy, Bộ GDĐT đã thực hiện tương đối đầy đủ trách nhiệm theo chức năng quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, công tác dự báo, hướng dẫn đôn đốc phối hợp thực hiện chưa sát sao; việc thanh tra, kiểm tra công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ GV, nhân viên của các cấp quản lý còn hạn chế.