Hà Nội phê bình thủ trưởng các sở, ban, ngành, địa phương để xảy ra các tồn tại, hạn chế, thiếu sót trong xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy (PCCC). TP Hà Nội cũng đề nghị chỉ đạo các đơn vị chấn chỉnh, kiểm điểm ngay.
Nhiều đơn vị có tỷ lệ khắc phục bằng 0%
Ông Lê Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội vừa ký Văn bản số 3832 (13/11/2023) về việc chấn chỉnh việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 05/2022 của HĐND thành phố quy định về việc xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC trên địa bàn thành phố.
Qua theo dõi, tổng hợp kết quả việc triển khai thực hiện của các đơn vị, tính đến ngày 15/10/2023, trên địa bàn TP Hà Nội có 2.955 cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC được đưa vào hoạt động trước khi Luật PCCC năm 2001 có hiệu lực.
Đến nay, có 1.732 cơ sở đã xây dựng kế hoạch, lộ trình, phương án thực hiện và cam kết lộ trình thực hiện khắc phục các nội dung không đảm bảo yêu cầu về PCCC (đạt 58,6%). UBND cấp huyện đã phê duyệt kế hoạch lộ trình, phương án thực hiện và cam kết lộ trình thực hiện khắc phục đối với 1.526 cơ sở (đạt 51,64%); 347 cơ sở hoàn thành việc khắc phục các tồn tại về PCCC.
Theo văn bản của UBND TP Hà Nội, tiến độ việc triển khai thực hiện của các đơn vị hiện nay rất chậm, chưa bảo đảm mục tiêu, yêu cầu, lộ trình đã đề ra, quá trình triển khai thực hiện của các đơn vị vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Cụ thể, đối với việc đôn đốc cơ sở xây dựng kế hoạch, cam kết lộ trình thực hiện và cấp phê duyệt kế hoạch, cam kết lộ trình thực hiện của cơ sở (thời hạn hoàn thành trước ngày 15/3/2023) có 7 quận, huyện, thị xã chưa hoàn thành. Bên cạnh đó có 9 quận, huyện, thị xã chưa hoàn thành việc tham mưu cho UBND cấp huyện phê duyệt kế hoạch cam kết lộ trình thực hiện của cơ sở.
Đối với việc hoàn thành chỉ tiêu ít nhất 30% cơ sở thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết trên địa bàn hoàn thành việc khắc phục các tồn tại về PCCC và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận, hiện nay chỉ có 2 quận, huyện đã hoàn thành chỉ tiêu. Cụ thể là quận Tây Hồ và huyện Ba Vì. Cả 2 đơn vị đều chưa xác nhận việc hoàn thành khắc phục nội dung tồn tại của cơ sở theo quy định.
Còn lại 28 quận, huyện, thị xã có tỷ lệ cơ sở khắc phục rất thấp. Đáng nói, nhiều quận, huyện đến thời điểm hiện tại chưa có cơ sở nào khắc phục xong các tồn tại về PCCC.
Cụ thể, 14 đơn vị đạt tỷ lệ khắc phục thấp, gồm: Thanh Oai (2/8 cơ sở), Sơn Tây (13/73 cơ sở), Thường Tín (1/10 cơ sở), Chương Mỹ (2/21 cơ sở), Đông Anh (4/45 cơ sở), Thanh trì (2/31 cơ sở), Sóc Sơn (1/24 cơ sở), Phú Xuyên (1/28 cơ sở), Bắc Từ Liêm (2/77 cơ sở), Mê Linh (1/44 cơ sở), Ba Đình (5/293 cơ sở), Hà Đông (1/72 cơ sở), Hoàn Kiếm (2/303 cơ sở), Đống Đa (3/600 cơ sở).
Bên cạnh đó có 14 đơn vị có tỷ lệ khắc phục bằng 0% gồm: Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Long Biên, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Ứng Hòa, Hoài Đức, Đan Phượng, Gia Lâm, Quốc Oai, Thạch Thất.
Yêu cầu chấn chỉnh, kiểm điểm
UBND TP Hà Nội cũng cho biết, vẫn còn tình trạng các đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo định kỳ, còn xảy ra tình trạng báo cáo chậm, không báo cáo kết quả, phải đôn đốc nhắc nhở nhiều lần, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng đánh giá chung của thành phố. Tiêu biểu các sở, ban, ngành: Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên - Môi trường, Công Thương; UBND các quận, huyện: Ba Đình, Ba Vì.
Để kịp thời chấn chỉnh các tồn tại, hạn chế nêu trên, bảo đảm việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND TP Hà Nội nghiêm túc, hiệu quả, đúng tiến độ, lộ trình đã đề ra, UBND thành phố nghiêm túc phê bình thủ trưởng các sở, ban, ngành thành phố cùng Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã để xảy ra các tồn tại, hạn chế, thiếu sót nêu trên.
UBND TP Hà Nội cũng đề nghị chỉ đạo đơn vị chấn chỉnh, kiểm điểm ngay. Đồng thời làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan (nếu có) trong việc thực hiện không nghiêm chỉ đạo của thành phố.
UBND TP Hà Nội yêu cầu Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã (Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Sơn Tây, Mê Linh, Hoàn Kiếm, Thanh Trì, Sóc Sơn) trực tiếp chỉ đạo đơn vị khẩn trương hoàn thành việc đôn đốc cơ sở ký cam kết và phê duyệt kế hoạch, cam kết lộ trình thực hiện của 100% cơ sở trên địa bàn quản lý. Đồng thời, báo cáo UBND TP Hà Nội trong tháng 15/11/2023.
Thủ trưởng các sở, ban, ngành thành phố và Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã được giao chỉ đạo đơn vị chủ động, quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai thực hiện, phấn đấu năm 2023, hoàn thành việc khắc phục các tồn tại về PCCC đối với 30% cơ sở trên địa bàn quản lý.
UBND TP Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành thành phố và địa phương đến năm 2024, hoàn thành 70% vào năm 2025 hoàn thành việc khắc phục các tồn tại về PCCC đối với 100% cơ sở trên địa bàn quản lý. Ngoài ra, UBND TP Hà Nội giao Công an thành phố tiếp tục phối hợp với Văn phòng UBND thành phố để theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện của các đơn vị, định kỳ tổng hợp báo cáo thành phố.
Liên quan đến công tác kiểm tra PCCC, trước đó (ngày 27/9/2023) Hà Nội đã bổ sung 2 đối tượng vào diện tổng kiểm tra. Theo đó, 2 đối tượng gồm chung cư và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Trong đó, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu bổ sung kiểm tra thêm 100% đối với 2 đối tượng trong đợt tổng kiểm tra theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ gồm: Chung cư, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao (gồm các loại hàng hóa: Khí dễ cháy; chất lỏng dễ cháy, pháo hoa, chất rắn dễ cháy…).