Hoạt động thanh tra tại cơ sở (ảnh mang tính minh họa) |
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, phải xác định rõ địa vị pháp lý của cơ quan thanh tra. Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) quy định Thanh tra Chính phủ vừa là cơ quan ngang Bộ, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác thanh tra, vừa là cơ quan giúp Thủ tướng Chính phủ thanh tra những vấn đề thuộc phạm vi quản lý của Chính phủ. Thanh tra các Bộ, địa phương là cơ quan tham mưu, giúp việc thủ trưởng cơ quan cùng cấp.
Quy định như thế, theo ý kiến các đại biểu là chưa giải quyết được mâu thuẫn giữa địa vị pháp lý và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra; chưa tương xứng với vị trí của một cơ quan ngang Bộ có chức năng quản lý ngành, lĩnh vực trong phạm vi cả nước. Một cơ quan cấp Bộ trong bộ máy Nhà nước được giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước thì phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý thống nhất trên phạm vi cả nước về ngành, lĩnh vực được phân công.
Trong khi đó, theo quy định của dự thảo Luật thì Thanh tra Chính phủ lại có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chủ yếu như một cơ quan tham mưu, giúp việc cho Thủ tướng Chính phủ. Tương tự như vậy, cơ quan thanh tra các cấp được tổ chức tại cơ quan quản lý Nhà nước, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp. Thanh tra là một nội dung quản lý nhà nước gắn với hoạt động quản lý nhà nước của một Bộ, ngành, một cấp chính quyền nhất định mà không phải là một ngành, lĩnh vực độc lập.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Ba (đoàn Khánh Hòa) cho rằng, những nội dung được cho là đổi mới như trình bày trong dự thảo Luật là không rõ ràng, nửa vời và không cầu thị. Cũng như Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát, Thanh tra cùng là công cụ của Nhà nước, do đó để tạo được sức mạnh độc lập của cơ quan này, nên lấy tên là Thanh tra Nhà nước, độc lập với Chính phủ. Hơn nữa, trong phạm vi điều chỉnh của Luật cũng ghi rõ luật này quy định về tổ chức và hoạt động của cơ quan thanh tra nhà nước trong hệ thống quản lý hành chính nhà nước, chứ không chỉ riêng cơ quan thanh tra của Chính phủ.
Một nội dung khác cũng được nhiều đại biểu quan tâm đó là dự thảo Luật chưa phân biệt hoạt động thanh tra chuyên ngành và thanh tra hành chính chưa rõ ràng. Dự thảo luật quy định thanh tra hành chính là hoạt động thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của cơ quan hành chính nhà nước; thanh tra chuyên ngành là hoạt động thanh tra việc thực hiện pháp luật chuyên ngành, việc chấp hành những quy định về chuyên môn - kỹ thuật, quy tắc quản lý đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành, lĩnh vực. Xét về mặt khái niệm, pháp luật chuyên ngành nằm trong nội hàm của khái niệm pháp luật; còn xét về thực tiễn thì rất khó xác định được ranh giới giữa pháp luật và pháp luật chuyên ngành.
Đại biểu Quốc hội Đinh Xuân Thảo (đoàn Kiên Giang) cho rằng, việc làm rõ khái niệm về thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành có ý nghĩa quan trọng chi phối đến việc quy định cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng loại hình cơ quan thanh tra, tránh sự chồng chéo.
Thảo luận về vấn đề thanh tra nhân dân được quy định trong dự thảo Luật, đa số đại biểu cho rằng đồng thời với việc trình Quốc hội xem xét dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Chính phủ cần chuẩn bị trình dự án Luật về hoạt động giám sát của nhân dân trên cơ sở những quy định về vấn đề này trong Luật Thanh tra hiện hành.
Trên thực tế, hoạt động của Thanh tra nhân dân hoàn toàn khác với Thanh tra nhà nước. Thanh tra nhân dân thực chất là tổ chức giám sát của nhân dân. Hiến pháp năm 1992 cũng chỉ quy định về quyền giám sát mà không quy định về quyền thanh tra của nhân dân. Do đó, việc ban hành Luật Thanh tra mới thay thế Luật Thanh tra năm 2004, trong đó tiếp tục duy trì quy định về Thanh tra nhân dân trong Luật năm 2004 là không phù hợp.
Cũng có ý kiến cho rằng vẫn giữ chương Thanh tra nhân dân trong Luật Thanh tra để bảo đảm ổn định tổ chức và hoạt động của Thanh tra nhân dân, một phương thức quan trọng bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân; đồng thời bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đang đặt ra nhiệm vụ là nâng cao vai trò của Ban thanh tra nhân dân trong cơ quan Nhà nước nhằm đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Quang Anh