Lạm phát năm 2012 được kiềm chế ở mức 6,81%

Lạm phát năm 2012 được kiềm chế ở mức 6,81%

(GD&TĐ) - Đó là kết quả kiềm chế lạm phát được Tổng cục Thống kê cung cấp tại buổi họp báo chiều nay (24/12)2. Buổi họp báo diễn ra dưới sự chủ trì của Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Đỗ Thức, công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội năm 2012. 

ab
Họp báo Tổng cục Thống kê chiều 24/12

Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng theo công bố của Tổng cục Thống kê, trong tháng 12/2012 tăng 0,27% so với tháng trước và tăng 6,81% so với tháng 12/2011. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2012 tăng 9,21% so với bình quân năm 2011. Kết quả này đồng nghĩa với chỉ số lạm phát cả năm 2012 đã được kiềm chế ở mức 6,81%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu phấn đấu kiềm chế ở mức 8% cho cả năm. 

Các nhóm hàng hoá và dịch vụ có chỉ số giá tháng 12/2012 so với tháng trước tăng cao hơn mức chung là: may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,17%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,59%; văn hoá, giải trí và du lịch tăng 0,34%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,32%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,28% (trong đó lương thực tăng 0,13%, thực phẩm tăng 0,28%, ăn uống ngoài gia đình tăng 0,4%). Các nhóm hàng hoá, dịch vụ có chỉ số giá thấp hơn mức tăng chung hoặc giảm gồm: Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,15%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,14% (riêng dịch vụ y tế tăng 0,03%; giáo dục tăng 0,09% (dịch vụ giáo dục tăng 0,05%); giao thông giảm 0,43%; bưu chính viễn thông giảm 0,02%.

Nhìn lại năm 2012, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Đỗ Thức cho biết, chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 (tăng 6,81% so với cùng kỳ năm 2011) xấp xỉ mức tăng 6,52% của năm 2009, thấp hơn nhiều so với mức tăng 11,75% của năm 2010 và mức tăng 18,13% của năm 2011, nhưng lại là năm giá có nhiều biến động bất thường. Cụ thể chỉ số giá tiêu dùng tăng không quá cao vào 2 tháng đầu năm (tăng 0,1% vào tháng 1 và tăng 1,37% vào tháng 2), nhưng tăng cao nhất vào tháng 9 với mức tăng 2,20%, chủ yếu do tác động của nhóm thuốc và dịch vụ y tế và nhóm giáo dục. Mức tăng chỉ số giá tiêu dùng đã chậm dần trong những tháng cuối năm (chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 tăng 0,85%, tháng 11 tăng 0,47%). Điều này thể hiện tính kịp thời và hiệu quả của việc triển khai Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 26/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá. 

Một điều khác thường nữa của thị trường giá cả trong nước năm nay là chỉ số giá tiêu dùng không giảm vào sau Tết âm lịch mà giảm vào hai tháng giữa năm (tháng 6 và tháng 7). Chưa kể trong nhóm hàng, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng thấp hơn mức tăng chung (lương thực tăng 3,26%, thực phẩm tăng 8,14%, chỉ số giá tiêu dùng bình quân chung tăng 9,21%), trong khi năm 2011 đây là nhóm hàng có chỉ số giá tăng cao nhất và cao hơn nhiều so với mức tăng chung.

Ở chiều ngược lại, một bất thường nữa là ở chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế có sự thay đổi lớn với chỉ số giá tăng mạnh, chí số giá nhóm giáo dục tuy mức tăng giảm so với năm trước nhưng vẫn ở mức cao là một hiện tượng trái với quy luật thị trường hàng năm.

Như Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ