Lạm phát giảm giúp ổn định kinh tế vĩ mô và kích thích tăng trưởng kinh tế |
(GD&TĐ) - Vụ Dự báo thống kê tiền tệ (NHNN) vừa công bố kết quả điều tra tình hình kinh tế - xã hội đất nước quý 3 và quý 4/2013; cho thấy từ tháng 6/2013 trở lại đây, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có xu hướng cao hơn so với đầu năm, đạt mức cao nhất trong hai tháng cuối của quý 3/2013 (tháng 8/2013: 0,83% và tháng 9/2013: 1,06%). Tốc độ tăng có biểu hiện giảm trong tháng 10/2013 (0,49%) và tiếp tục giảm mạnh trong tháng 11/2013 (0,34%).
Kết quả cuộc điều tra kỳ vọng lạm phát cho thấy, các tổ chức tín dụng (TCTD) kỳ vọng CPI tháng 12/2013 chỉ tăng 0,62% so với tháng trước đó, cao hơn mức tăng cùng kỳ hai năm trước (0,27% tháng 12/2012 và 0,53% tháng 12/2011). Nếu mong muốn này thành hiện thực, cùng với tốc độ tăng CPI thực tế trong 11 tháng qua, lạm phát cả năm 2013 có khả năng đạt khoảng 6,15% và vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ.
Trong báo cáo đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam 11 tháng năm 2013 cũng vừa được công bố, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đưa ra dự báo lạm phát cả năm 2013 không quá 6,3%. Như vậy, đến thời điểm hiện nay, có thể nói Việt Nam đã đạt được thành công trong công cuộc kiểm soát lạm phát trong năm 2013.
Đây sẽ là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam thành công trong việc kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu đề ra của Quốc hội và Chính phủ, qua đó giúp ổn định kinh tế vĩ mô và kích thích tăng trưởng kinh tế.
Lạm phát trong năm 2014 được các TCTD kỳ vọng chỉ tăng ở mức một con số, với mức tăng trung bình 6,74%, mức kỳ vọng này nằm trong ngưỡng mục tiêu đề ra của Quốc hội (khoảng 7%). Dù vậy, mục tiêu này vẫn là một thách thức lớn đối với việc kiểm soát lạm phát năm 2014.
Lý do là theo nhận định của các TCTD, việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý tiếp tục là nhân tố ảnh hưởng mạnh nhất đến diễn biến lạm phát trong năm 2014.
Bên cạnh đó, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn trong năm 2014 (5,8%), nới lỏng bội chi ngân sách lên 5,3% GDP cùng với phát hành bổ sung trái phiếu Chính phủ thì mục tiêu kiểm soát lạm phát sẽ lại tạo ra áp lực lớn cho cơ quan hoạch định chính sách tiền tệ.
Việt Dũng