Làm ống hút từ gạo và bún ngũ sắc từ rau củ

GD&TĐ - Ống hút từ gạo và bún ngũ sắc giành giải Nhất tại chung kết 'Dự án Khởi nghiệp nông nghiệp - Đổi mới sáng tạo' năm 2022.

Bún ngũ sắc và ống hút từ gạo được xuất khẩu ra nhiều quốc gia.
Bún ngũ sắc và ống hút từ gạo được xuất khẩu ra nhiều quốc gia.

Ống hút từ gạo và bún ngũ sắc là sản phẩm của vợ chồng doanh nhân Nguyễn Nguyên Vũ và Trương Thị Hồng Hà (quận Gò Vấp, TPHCM) giành giải Nhất tại chung kết “Dự án Khởi nghiệp nông nghiệp – Đổi mới sáng tạo” năm 2022.

Chọn công nghệ thân thiện với thiên nhiên

Những năm gần đây, cùng với ống hút cỏ, ống hút tre, ống hút giấy, ống hút gạo đang là xu thế, trở thành giải pháp thay thế ống hút nhựa. Chọn hướng đi khác, từ năm 2019 tới nay, vợ chồng anh Nguyễn Nguyên Vũ - chị Trương Thị Hồng Hà, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Khánh Hà (Khánh Hà Food) đã đầu tư nghiên cứu dòng sản phẩm ống hút bột gạo với thương hiệu OHUGA.

Thành phần chính của sản phẩm ống hút gạo hoàn toàn tự nhiên, từ tinh bột gạo, màu từ các loại rau củ quả như củ dền, cà rốt, hoa đậu biếc rau ngót, gấc, hạt dành dành… Đặc biệt, đảm bảo vệ sinh thực phẩm, tuyệt đối an toàn cho sức khỏe con người, thân thiện với môi trường và tự phân hủy nhanh sau khi sử dụng. Thời gian sử dụng tốt trong 2 giờ, sau đó ống hút bắt đầu mềm nhưng vẫn có thể sử dụng.

Anh Nguyễn Nguyên Vũ cho biết, công nghệ sản xuất bún được nhập khẩu từ nước ngoài. Máy đùn có trục dài 3m, làm tăng lực nén chặt giúp các phân tử gạo liên kết tốt hơn khiến sợi bún thẳng, có độ dai hơn.

Từng tốt nghiệp kỹ sư hóa thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa TPHCM, anh Vũ tận dụng kiến thức nghiên cứu chiết các chất từ rau củ giúp sản phẩm có nhiều màu sắc hơn, tăng dinh dưỡng khi sử dụng.

Không dừng lại ở ống hút gạo, vợ chồng chị Hà còn nghiên cứu thị trường, tìm hiểu nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng, kết hợp cả với bí quyết gia truyền để tạo ra thêm nhiều sản phẩm khác như nui, bánh tráng, bún gạo sợi thẳng, phở khô sợi thẳng, phở ăn liền, que khuấy cà phê gạo…

Các sản phẩm còn được kết hợp với nhiều nguyên liệu như thanh long ruột đỏ, lá bồ ngót hay gạo lứt đã tạo được giá trị cho nhóm khách hàng liên quan đến các bệnh như: Béo phì, đường huyết cao, hỗ trợ tiêu hóa, kiểm soát mức cholesterol…

Đưa bún Việt ra thế giới

Chia sẻ về việc bún, phở khô sợi thẳng có những ưu điểm như thế nào so với bún sợi cong, chị Hà cho biết vợ chồng chị đầu tư mỗi dây chuyền sản xuất lên đến 2 tỷ đồng.

Trước đây, chị chọn gia công cho một số doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhưng nhận thấy không bền vững, cần phải xây dựng thương hiệu cho chính mình. Bún, phở khô sợi thẳng được khách hàng quốc tế rất ưa chuộng bởi dễ sắp xếp khi vận chuyển, từ đó giúp giảm giá thành.

Nếu tính cho một container 20 feet, sử dụng bún phở khô truyền thống (sợi cong) thì chỉ chứa được 7 - 8 tấn sản phẩm. Tuy nhiên, cũng với container đó, nếu sử dụng bún phở khô sợi thẳng thì có thể chứa được đến 20 tấn.

Giá thành khi đó sẽ giảm còn 1/3 và ít diện tích kho bãi so với loại sợi cong, nên được nhiều khách hàng hưởng ứng, nhất là các nhà nhập khẩu thuộc những quốc gia khu vực châu Âu.

Do là sản phẩm khô cho nên hạn sử dụng của bún, phở khô sợi thẳng của doanh nghiệp trẻ này có hạn sử dụng tới 24 tháng, sản phẩm không cần dùng chất bảo quản.

Hiện mỗi ngày, doanh nghiệp của chị Hồng Hà sản xuất 5 tấn sản phẩm. Giá bán các mặt hàng của Khánh Hà Food hiện nay cao hơn khoảng 8.000 đồng/kg so với các sản phẩm tương tự trên thị trường. Dù vậy, sản phẩm vẫn chưa đủ để xuất sang các thị trường Anh, Canada, Ba Lan, Na Uy, Đức, Hà Lan, Nhật, Thái Lan…

“Bún sợi thẳng và ống hút hiện chủ yếu xuất khẩu. Sắp tới chúng tôi mở rộng quy mô sản xuất để giảm giá sản phẩm, phù hợp với nhiều người hơn ở thị trường trong nước”, anh Vũ nói.

Dây chuyền sản xuất phải đạt tiêu chuẩn ISO 22000, HACCP và FDA của Mỹ. Máy sản xuất cũng có phần khác biệt, máy đùn có trục dài 3m, làm tăng lực nén chặt giúp các phân tử gạo liên kết tốt hơn khiến sợi bún thẳng, có độ dai hơn.

Nói về dự án Bún ngũ sắc, TS Văn Minh, nguyên giảng viên Đại học Nông Lâm TPHCM, đánh giá đây là dự án giúp đa dạng hóa sản phẩm trong ngành bún, đặc biệt rất có tiềm năng năng phát triển thị trường.

“Chúng tôi đánh giá cao việc sử dụng màu tự nhiên từ rau củ giúp sản phẩm có tính độc đáo, tăng giá trị cho bún, vốn là sản phẩm thân thuộc với nhiều người”.

Hiện tại, doanh nghiệp khởi nghiệp này chỉ xuất sang 3 nước trong khối châu Âu với sản lượng trung bình 70 tấn/tháng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.