Làm nhà cho gia súc

GD&TĐ - Những năm gần đây, được sự hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức xã hội, nhiều khu dân cư ở các vùng thường xuyên bị ngập lụt đã có nhà cộng đồng.

Vùng thường xuyên bị ngập lụt cần có nhà chống lũ cho gia súc. Ảnh: INT
Vùng thường xuyên bị ngập lụt cần có nhà chống lũ cho gia súc. Ảnh: INT

Các tỉnh miền Trung đang bước vào mùa mưa bão. Những trận bão kèm lũ không chỉ tàn phá nhà cửa, phá hủy hạ tầng, đường sá, trường học cũng như các công trình phúc lợi công cộng khác, mà còn gây thiệt hại rất lớn, trong đó có gia súc, gia cầm, cho người dân vùng nông thôn. Mỗi trận lũ lớn, số trâu, bò, lợn chết phải tính hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn con.

Những năm gần đây, được sự hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức xã hội, nhiều khu dân cư ở các vùng thường xuyên bị ngập lụt đã có nhà cộng đồng. Tùy theo tình hình thực tế ở mỗi địa phương, nhà cộng đồng sẽ được xây dựng quy mô tương ứng với dân số của vùng đó.

Nhà cộng đồng ngoài việc làm chỗ sinh hoạt, hội họp của khu dân cư còn làm nơi tránh lũ cho người dân ở những vùng trũng thấp, nhất là những gia đình không có điều kiện làm nhà hai, ba tầng.

Con người thì yên tâm tránh lũ nhờ vào nhà cộng đồng, nhưng gia súc, gia cầm thì, hoặc là lùa chúng đến những chỗ cao hơn, nước khó có thể ngập đến hoặc là phó mặc cho nước lũ.

Tình trạng phó mặc gia súc là phổ biến nhất vì lúc lũ lên, ai nấy đều lo mạng sống của mình trước rồi mới tính đến chuyện cứu gia súc. Mà miền Trung thì thường là lũ quét, nước dâng lên rất nhanh, nhiều người trở tay không kịp nên số gia súc, gia cầm chết nhiều là vậy.

Sau nhiều năm bị thiệt hại do lũ, người dân các tỉnh miền Trung bèn nghĩ ra cách làm nhà cho gia súc tránh lũ. Tùy điều kiện và khả năng của từng gia đình mà “ngôi nhà” cho gia súc ấy lớn hay nhỏ.

Tuy nhiên, ít nhất cũng phải được 30 - 40 mét vuông để có thể chứa hai - ba con trâu/bò - tài sản lớn nhất của người nông dân… Được đổ trụ bê tông vững chắc, sàn bằng xi măng cốt thép, có lối để đưa gia súc lên, ngôi nhà này còn xây chỗ để tích trữ thức ăn cho gia súc nếu bị ngập lũ lâu dài.

Xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) nằm ở thượng nguồn sông Vệ - nơi thường xuyên xuất hiện những trận lũ quét. Những năm trước, mỗi khi có lũ lớn, hầu như toàn bộ số gia súc, gia cầm của hàng trăm gia đình đành phó thác cho lũ. Để tránh thiệt hại cho gia súc, ba năm trở lại đây, những người dân vùng lũ này đã bắt đầu xây nhà cho gia súc.

Hiện đã có 50 gia đình xây được nhà cho gia súc. Nhiều gia đình kinh tế khá, xây ngôi nhà rất kiên cố, quy mô lớn, có thể chứa được toàn bộ gia súc, gia cầm. Ngoài ra, nhà này còn làm nơi để gia đình chứa các loại vật dụng trong nhà như tivi, tủ lạnh, quần áo.

Để xây được những ngôi nhà tránh lũ cho gia súc, người dân phải bỏ ra từ 50 - 100 triệu đồng, số tiền tương đối lớn đối với nhiều gia đình ở nông thôn hiện nay. Vì vậy, họ rất cần sự hỗ trợ từ Nhà nước thông qua các chương trình “chống lũ” hoặc khuyến nông. Nhà chống lũ cho gia súc nhưng cũng chính là “chống lũ” cho cả người vì sẽ tránh được những thiệt hại cả gia súc lẫn nhân mạng.

Hiện tại, ngoài Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Trị cũng đã triển khai mô hình này cho những gia đình sống ven các con sông lớn, thường xuyên bị ngập lụt mỗi mùa mưa bão về.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ngôi nhà còn là 'lớp học' bồi dưỡng, trao truyền dân ca ví, giặm cho thế hệ trẻ.

Còn sức còn trao truyền dân ca ví, giặm

GD&TĐ - Dưới sự hướng dẫn của vợ chồng nghệ nhân, những năm gần đây câu lạc bộ Dân ca ví, giặm xã Cẩm Mỹ liên tục phát triển và giành nhiều giải thưởng.