'Thành phố xốp' chống lũ lụt

GD&TĐ - Nhiều dự án ở Trung Quốc đại lục, nơi có hơn 70 thành phố đã triển khai các sáng kiến thành phố xốp.

Vùng đất ngập nước nhân tạo với những hòn đảo nhỏ tại Bangkok (Thái Lan). Ảnh: Turenscape
Vùng đất ngập nước nhân tạo với những hòn đảo nhỏ tại Bangkok (Thái Lan). Ảnh: Turenscape

Khi số cơn bão mạnh gia tăng và các thành phố trên khắp thế giới đang gặp khó khăn trong việc đối phó với lũ lụt, Công ty Turenscape và ông Kongjian Yu (Trung Quốc) đã thiết kế các “thành phố xốp” dựa trên thiên nhiên nhằm mục đích hấp thụ và trữ nước mưa trước khi thải ra môi trường. Giải pháp này được cho là có thể giúp giảm thiểu lũ lụt, tạo môi trường sạch hơn.

Đối phó với lũ lụt như thế nào?

“Thành phố xốp” được thiết kế để tận dụng tốt hơn các giải pháp dựa trên tự nhiên, qua đó phân bố nước hợp lý, đồng thời cải thiện lưu trữ và cấp thoát nước. Giải pháp bao gồm sử dụng nhựa đường thấm nước, xây dựng kênh đào và ao hồ mới, cải tạo đầm lầy, không chỉ giải phóng nước tù đọng mà còn thay đổi môi trường đô thị…

Trong khi đó, các giải pháp dựa trên bê tông hoặc đường ống dẫn nước ra khỏi các khu vực ngập lụt thường đắt tiền, thiếu tính linh hoạt và đòi hỏi phải bảo trì liên tục, ông Kongjian Yu - kiến trúc sư cảnh quan và nhà quy hoạch đô thị cho biết và nhấn mạnh, chúng cũng có thể khiến những nơi này trở nên “nhạy cảm hoặc dễ bị tổn thương” hơn trước lũ lụt.

Đề xuất của ông Yu là tạo ra các khu vực có đất xốp nơi cây trồng địa phương có thể phát triển mạnh mà không cần bảo dưỡng nhiều. Nếu trời mưa, đất và cây trồng sẽ hấp thụ nước và ngăn một phần (hoặc thậm chí toàn bộ) ngập lụt các khu vực lân cận. Điều này khác với bê tông, vốn có thể làm tăng tốc độ dòng chảy của nước một cách nguy hiểm.

Turenscape đã lập kế hoạch và thiết kế hơn 10 nghìn dự án như vậy tại hơn 250 thành phố trên toàn cầu, hoàn thành hơn 1 nghìn dự án. Nhiều dự án ở Trung Quốc đại lục, nơi có hơn 70 thành phố đã triển khai các sáng kiến thành phố xốp (không phải tất cả đều do Turenscape thực hiện) kể từ khi nước này đưa ý tưởng trên vào chính sách quy hoạch đô thị quốc gia năm 2015.

Lũ lụt là vấn đề ngày càng gia tăng ở Trung Quốc. Theo báo cáo năm 2021 của Ngân hàng Thế giới, 641 trong số 654 thành phố lớn nhất của Trung Quốc phải đối mặt với tình trạng lũ lụt thường xuyên. Một phần nguyên nhân là do quá trình đô thị hóa nhanh chóng, tạo ra tình trạng mở rộng đô thị bao bọc các vùng đồng bằng ngập lụt trong bê tông không thấm nước.

thanh pho xop chong lu lut (2).jpg
Công viên Nanchang Fish Tail (Giang Tây, Trung Quốc) được Turenscape biến một trang trại cá cũ bị ô nhiễm và bãi thải thành một 'khu rừng nổi'. Ảnh: Turenscape

Ý kiến trái chiều

Ông Yu muốn các thành phố tránh xa giải pháp cơ sở hạ tầng lớn thường được các chính phủ và công ty xây dựng ưa chuộng, mà hướng tới các giải pháp thay thế quy mô nhỏ hơn. Chúng cũng có thể rẻ hơn: Ví dụ, chương trình thành phố xốp ở Vũ Hán có chi phí thấp hơn 4 tỷ nhân dân tệ (550 triệu USD) so với phương pháp dựa trên bê tông.

Một “thành phố xốp” thành công nên được thiết kế có tính đến vị trí, xem xét các yếu tố như địa hình, kiểu mưa và các loại cây có thể phát triển mạnh ở đó, cũng như nhu cầu của cộng đồng. Đó là một phương pháp tiếp cận toàn diện và được thiết kế riêng, thay vì một giải pháp chung cho tất cả.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng cơ sở hạ tầng của “thành phố xốp” sẽ gặp khó khăn khi lượng mưa vượt quá 200 mm/ngày. Ví dụ, Meizhou ở Quảng Đông, đã được chỉ định là thành phố xốp nhưng đã trải qua một số trận lũ lụt nghiêm trọng nhất trong mùa Hè sau những trận mưa lớn khiến một thị trấn hứng chịu lượng mưa 369,3 mm/ngày.

Phát biểu với CNN, giáo sư khoa học địa lý Faith Chan tại Đại học Nottingham Ninh Ba Trung Quốc cho biết, các chương trình “thành phố xốp” ở Trung Quốc thường có thể làm giảm tác động của lượng mưa trung bình hoặc thậm chí lớn, nhưng chúng “không dành cho mưa cực lớn”.

thanh pho xop chong lu lut (3).jpg
Công viên đất ngập nước Dong'an, một dự án Turescape khác ở Tam Á (Hải Nam, Trung Quốc). Ảnh: Turenscape

Cơ sở hạ tầng xốp phải được bổ sung bằng “kỹ thuật cứng”, như đập và bờ kè, để giải quyết những trận mưa lớn nhất. “Chúng ta cần cả 2 biện pháp để cải thiện khả năng phục hồi” – ông khẳng định.

Khi được hỏi liệu lũ lụt gần đây có làm suy yếu luận điểm của mình hay không, ông Yu thừa nhận các “thành phố xốp” vẫn có thể tràn bờ nếu các dự án không được thiết kế hoặc xây dựng đúng cách hoặc nếu lượng mưa quá lớn.

Ngoài việc giảm thiểu lũ lụt, các “thành phố xốp” có thể mang lại những lợi ích khác về môi trường. Giáo sư Faith Chan cho biết các công viên xốp có thể giúp giảm nhiệt độ đô thị và giải quyết tình trạng thiếu nước, cũng như cung cấp môi trường dễ chịu cho cư dân.

Tại Vũ Hán, nơi có hơn 380 dự án xốp - gồm các khu vườn đô thị, công viên và không gian xanh - hấp thụ và chuyển hướng nước mưa đến các hồ nhân tạo, chất lượng không khí và đa dạng sinh học tại địa phương được phát hiện đã cải thiện từ khi chúng được xây dựng.

Nhiệt độ thấp hơn cũng được ghi nhận tại Công viên bãi biển sông Dương Tử của thành phố, nơi 45 nghìn cây xanh và thảm thực vật khác cô lập ước tính 724 tấn carbon mỗi năm.

Không chỉ ở Trung Quốc, các dịch vụ của ông Yu đã vươn ra nước ngoài. Tại Bangkok (Thái Lan), Turenscape đã biến nền bê tông của một nhà máy thuốc lá cũ thành một vùng đất ngập nước nhân tạo với những hòn đảo nhỏ. Năm ngoái, Quỹ Cảnh quan Văn hóa có trụ sở tại Mỹ đã trao cho ông Yu Giải thưởng Kiến trúc cảnh quan quốc tế Oberlander trị giá 100 nghìn USD để ghi nhận công trình tiên phong của ông.

Theo CNN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ