Làm mẹ tuổi... teen

Làm mẹ tuổi... teen

(GD&TĐ) - Đang tuổi ăn học, chưa sẵn sàng trong chuyện lập gia đình nhưng nhiều bạn trẻ vì quá nông nổi, thích thử “trái cấm”... đã để lại những hậu quả đau buồn. Không ít các thiếu nữ đành từ bỏ giấc mơ cắp sách đến trường để làm mẹ khi còn quá non trẻ. Đồng thời cũng không ít những thiếu nữ lén lút nạo phá thai ở những cơ sở y tế không đảm bảo gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, để lại di chứng lâu dài như thủng dạ con, nhiễm trùng gây vô sinh… 

"Khôn ba năm dại một giờ"

Nh.- một cô nữ sinh trung học mới 15 tuồi, em có khuôn mặt thánh thiện và nụ cười hút hồn người đối diện. Nhà nghèo, ba mẹ suốt ngày lo làm kiếm tiền nên ít có điều kiện quan tâm đến em. Trong một lần đi sinh nhật bạn, Nh. gặp và quen biết  H. Chừng đôi lần gặp gỡ, em nhanh chóng nhận lời yêu người bạn trai này. T. bộc bạch: “Anh ấy hay dẫn em về nhà chơi nên em tin anh ấy. Trong một lần ba mẹ anh đi vắng, anh rủ em về nhà chơi và “chuyện ấy” đã xảy ra... Khi nghe em nói đã có thai, anh ấy có đề cập chuyện cưới hỏi nhưng gia đình bên ấy không chấp nhận…”. 

Năm lần bảy lượt gọi điện thoại thông báo cho gia đình người yêu biết chuyện xảy ra, nhưng Nh chỉ nhận được những lời lạnh nhạt. Cái bụng thì mỗi ngày mỗi lớn, nên không phá được. Nhờ cô tổ trưởng khu phố thương cho hoàn cảnh của  Nh đã giới thiệu và nhờ sự trợ giúp, hảo tâm của mọi người, Nh nhận được nhiều sự hỗ trợ của xã hội và “sống ẩn dật” ở nhà nuôi con đến giờ.

Làm mẹ ở tuổi 15 khiến Nh gặp không ít khó khăn trong cuộc sống hay mỗi khi va vấp chuyện tình cảm. Em tâm sự: “Nhiều lúc nghĩ lại em thấy mình khờ quá. Giá như hồi đó tỉnh táo một chút thì đâu xảy ra cơ sự như bây giờ. Nhà đã nghèo mà em lại làm nặng gánh thêm cho gia đình”.

Ảnh MH
Ảnh MH

Một nữ sinh khác cũng 15 tuổi tên T đang trong tình trạng hôn mê do nhiễm trùng tử cung được cấp cứu trong bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Được biết, cô gái trẻ này “trộm” mang thai gần 4 tháng, rồi đi nạo phá bỏ thai tại một cơ sở tư nhân không có chuyên môn, nên bị thủng tử cung, nhiễm trùng nặng, phải cắt bỏ. Chỉ có duy nhất một người thân là mẹ đẻ ở bên chăm sóc, không bóng dáng người đàn ông đã gây nên hậu quả, T nằm vật vã đau khổ. Nhìn đứa con tội nghiệp mẹ T ứa nước mắt còn T đau đớn quằn quại nhưng chắng dám kêu ai, cô chỉ dám xuýt xoa kêu "trời ơi...". 

Cũng không một người thân bên cạnh, chỉ có những ánh mắt dò hỏi, cảm thông của những người cùng cảnh, N.N.H 19 tuổi, “trót dại” với người yêu, cứ nghĩ rằng sẽ cưới ngay, nên “cố chờ”. Thai gần 5 tháng, phải làm kovax. Đau đớn cả thể xác và tinh thân nhưng em N.N.H chẳng dám kêu ai, em năm thiếp đi mặt tái xanh, mắt nhìn xa xăm vô định...

Các bác sĩ Khoa Kế hoạch hóa gia đình Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội cho biết, những trường hợp nạo phá thai của phụ nữ chưa lập gia đình hoặc vị thành niên chiếm hơn 20%. Hầu hết đều giấu địa chỉ, dùng tên giả. Nhiều trường hợp nữ sinh “tuổi teen” sợ lộ đã đi phá thai ở cơ sở tư nhân không đủ trình độ cũng như trang thiết bị, nên đã làm thủng tử cung, thủng dạ con, dẫn đến nhiễm trùng nặng, các em phải vào đây cắt bỏ dạ con hoặc tử cung, vĩnh viến mất quyền làm mẹ sau này. 

Thống kê của Hội Kế hoạch hóa gia đình, hàng năm nước ta cho thấy, mỗi năm có hơn 1,6 triệu ca nạo phá thai, trong đó 20% ở tuổi vị thành niên. Mỗi tháng Bệnh viện Phụ Sản Trung ương thực hiện trên 500 ca nạo phá thai, trong đó có quá nhiều trường hợp nạo phá thai ở tuổi 15-17. Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội những năm qua cũng cũng đã  “giải tỏa”cho không ít những ông bố bà mẹ có con ở tuổi này.

Hậu quả khó lường

Trong khi bạn bè đang tung tăng cặp sách đến trường thì các em như Nh lại phải “náu” mình ở nhà để giữ con nhỏ. Còn như T, như N.N.H lại phải chịu một nỗi đau  cả về thể xác và tinh thân chỉ vì những phút nông nổi.

Sinh con đã gần 1 năm, gương mặt Nh vẫn còn rất xanh xao, tinh thần bị sang chấn tâ lý. Nh không muốn gặp bất cứ ai ngoài mẹ. Giờ mẹ em vừa là bảo mẫu nuôi đứa con của Nh và ngay đêm chăm sóc Nh...

Còn T và N.N.H, các em còn quá nhỏ để nhận biết những bi kịch xảy ra cho sự vụng dại ở cái tuổi mới lớn. Thấy T. xanh xao, gia đình dẫn em đi khám mà T. cũng không thể hình dung mình đang mang một mầm sống trong người. Khi nghe bác sĩ cho hay em có thai 5 tháng, T. và mẹ ôm nhau khóc nức nở. Em xúc động kể lại: “Lúc đó em chỉ tưởng mình bị bệnh nên mới sa sút sức khỏe, ai dè đâu…”. Bụng đã lớn, T. đành nghỉ học, từ bỏ tà áo dài trắng tinh khôi để làm bà mẹ trẻ con. Em ngậm ngùi: “Nhiều lúc thấy tụi bạn bận áo dài đi học mà em thấy buồn. Em muốn đi học, muốn được sống như trước đây, nhưng… khó quá”.

N.N.H  quá nông nổi và ngây thơ nên đã chót dại và tin vào một kẻ sở khanh, vô trách nhiệm. Hậu quả em đã phải gánh chịu nỗi đau một mình trong sự khinh dẻ, coi thường của người đời. Em tâm sự: "Ra đường em không dám ngẩng mặt nhìn ai nữa. Sự vô tư, hôn nhiên trong em cũng mất đi rồi. Trong em giờ chỉ toàn thù hận, em thề sẽ trả thù đời, trả thù những thằng đàn ông bạc ác...".

Thống kê tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, có tới 80% số ca sơ sinh tử vong là do đẻ thiếu tháng. Nguyên nhân chính là do người mẹ đã từng nạo hút, kovax thai. Nhiều chị em hàng chục năm sau lâm vào cảnh cô đơn, không hy vọng có nổi một đứa con. 

Nhiều trường hợp khác sinh nở được, nhưng con lại bị dị tật, khiếm thị, khiếm thính, câm do mẹ phá thai nhiều lần. Sự thật này không quá hiếm khi tình hình nạo phá thai đang trở thành việc làm thường nhật ở các Trung tâm kế hoạch hóa gia đình. Tất cả những điều đó đang gióng lên hồi chuông báo động: những ai coi nạo phá thai chỉ đơn thuần là một biện pháp kế hoạch hóa gia đình cần phải nhìn thẳng vào sự thật về tác hại tiêu cực của nó. Và đã đến lúc cần đưa kiến thức giáo dục giới tính, tình dục vào chương trình học đường. Các bậc cha, mẹ cần quan tâm, chăm sóc và quản lý con mình nhiều hơn, nhất là các em gái tuổi mới lớn. 

Bà Ngô Kim Chi, cán bộ Chi cục Bảo trợ xã hội và chăm sóc trẻ em, nói: “Tôi rất mong những em gái, phụ nữ độc thân lỡ dại sẽ được chăm sóc, định hướng cho họ ở bước đường tiếp theo”. Là người phụ trách chương trình bà mẹ độc thân (do nước ngoài tài trợ), bà Chi cũng như những cộng sự mong muốn trẻ em và phụ nữ sẽ được quan tâm nhiều hơn nữa. Trong quá trình tư vấn, cán bộ ở đây sẽ cho các bà mẹ độc thân tìm hiểu về giới tính, trang bị cho họ những kiến thức cơ bản để bảo vệ sức khỏe chính mình. Đây là chương trình hỗ trợ ngắn ngày, chỉ khoảng 3 tháng/trường hợp trước và sau khi sinh. Và có 2 hình thức hoạt động: ở trung tâm và tại địa phương, nhằm tạo sự yên tâm và tin tưởng cho các bà mẹ trẻ. 

Bà Chi cũng cho biết: Hầu hết các em gái “lỡ dại” tuổi đời còn rất trẻ, phần lớn là 15-24 tuổi. Từ năm 1998 đến nay, chương trình hỗ trợ bà mẹ độc thân đã giúp đỡ được 210 em, trong đó có những em chỉ mới 12-13 tuổi. Theo đó, các em sẽ được đưa đến một địa điểm cụ thể để được nuôi dưỡng, hỗ trợ; hoặc các em sẽ được đưa về gia đình chăm sóc và nhận trợ cấp. Ngoài việc giúp đỡ các em về vật chất, các cán bộ còn trang bị giúp các em về vốn sống và giữ gìn sức khỏe giới tính…

Vẫn biết rằng lỡ dở sẽ dẫn đến có con ngoài ý muốn, nạo phá thai gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, để lại di chứng lâu dài, gây vô sinh...Vì thế nên mới có những trường như Nh, T. N.N.H... Ngoài đời nhưng bi kịch như vậy còn rất nhiều vẻ, nhiều nỗi đau buồn khác nhau. Tất cả đều chung một hoàn cảnh, phải chịu đau đớn cả về thể xác và tinh thần mà không có bóng dáng của những ông chồng đi cùng. Câu chuyện của những cô bé vội yêu và sớm làm mẹ ở cái tuổi thiếu nữ đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo khiến mọi người phải giật mình và tự đặt ra câu hỏi: Nên thương hay giận các em? Và những bậc cha mẹ có con trong độ tuổi này cần phải làm gì?

Phương Thủy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ