Nhờ tích cực cải tạo, anh Nguyễn Ngọc Du (Sinh năm 1964) được ân xá trước thời hạn, vượt qua mặc cảm tù tội, quyết tâm làm kinh tế giỏi và tích cực tham gia hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ nhiều người cùng cảnh ngộ.
Một phút lầm lỡ, 20 năm tù
Chiều 30/12/2016, trong ngôi nhà 5 tầng rộng rãi, khang trang, anh Nguyễn Ngọc Du (SN 1964, thôn Hương Mạc, xã Hương Mạc, TX Từ Sơn, Bắc Ninh) cầm bản quyết định xóa án trên tay, vui vẻ cho biết, anh vừa lên TAND Bắc Ninh nhận về.
Đã 10 năm trôi qua kể từ ngày được ân xá, trở về quê hương, ký ức về khoảng thời gian lầm lỡ cùng những tháng ngày trong tù có lẽ sẽ không bao giờ phai mờ trong tâm trí.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm đồ gỗ mỹ nghệ, sau khi kết hôn cùng vợ là chị Quách Thị Xuân (SN 1966), với mong muốn đưa các sản phẩm của quê hương ra nước ngoài tiêu thụ, anh sang vùng biên giới tỉnh Lạng Sơn, giáp Trung Quốc mở một cửa hàng bán đồ gỗ.
Vào một chiều cuối năm 1995, khi anh đang chuẩn bị đồ về quê thăm gia đình thì một phụ nữ người Trung Quốc thạo tiếng Việt đến cửa hàng hỏi mua bộ bàn ghế.
Thường người Trung Quốc tới mua hàng của anh đều trả bằng nhân dân tệ, sau đó anh phải mang đi đổi lấy tiền Việt. “Sợ trời muộn, không kịp đổi tiền vì còn ra bến xe về quê nên tôi lưỡng lự không bán.
Nhưng chị khách này bảo sẽ trả tiền Việt. Nghĩ vừa bán được hàng lại không phải mất thời gian đổi tiền nên tôi vui vẻ bán bộ bàn ghế cho chị này với giá 30 triệu đồng rồi ra xe về quê mà không biết rằng đó là tiền giả” - Anh Du nhớ lại.
Số tiền 30 triệu đồng ấy, ngoài việc chi tiêu trong gia đình, anh Du cho người bạn ở Hải Dương mượn. Đến khi người bạn này bị cơ quan điều tra phát hiện tiêu thụ tiền giả và bị bắt giữ đã khai mượn tiền từ anh.
“Hôm đó, tôi đang ở nhà cùng vợ con thì công an ập vào bắt giữ. Sau đó, tôi bị kết án 20 năm tù giam về tội “Tàng trữ, lưu hành tiền giả”, thụ án tại Trại giam Tân Lập (xã Vô Tranh, Hạ Hòa, Phú Thọ).
Đây là trại giam loại 1, những người vào trại này chủ yếu chịu mức án chung thân hoặc tử hình nên lúc tôi mới vào nhìn ai cũng thấy tuyệt vọng, u tối” - Anh Du nhớ lại.
Nhờ sự giúp đỡ của cán bộ quản giáo, lại sẵn có tay nghề, anh mạnh dạn đề xuất được đào tạo dạy nghề cho các anh em cùng cảnh ngộ.
Dù lo sợ quá trình làm việc với các dụng cụ nguy hiểm như đục, cưa… các tù nhân tại trại sẽ manh động nhưng trước sự thuyết phục chân thành từ anh, cán bộ quản giáo đã nhất trí thí điểm lớp đào tạo bắt đầu với 10 người.
“Rồi cứ thế tăng dần lên đến hàng trăm người, không khí hăng say lao động lan tỏa khắp trại giam, người người thi đua, tổ đội thi đua không chỉ trong lao động mà còn trong công tác vệ sinh môi trường tại trại giam.
Từ việc lao động, những tù nhân tại đây biết yêu quý bản thân hơn, biết nghĩ đến người thân quê nhà mà thay đổi, mọi người đều cố gắng cải tạo, động viên nhau chấp hành nghiêm chỉnh nội quy trại giam, sớm được trở về làm lại cuộc đời.
Nhiều anh em nhờ cải tạo tốt được đặc xá về quê, sẵn có nghề liền mở xưởng sản xuất, nuôi sống gia đình, nhiều người trở thành ông chủ, viết thư gửi vào cảm ơn trại, cảm ơn tôi đã giúp đỡ và ở bên họ trong khoảng thời gian khó khăn ấy. Làm được việc có ích, tôi thấy lòng thanh thản hơn. Rồi may mắn cũng mỉm cười với tôi…” - Anh Du xúc động nhớ lại.
Năm 2000, cơ quan điều tra bắt được người phụ nữ Trung Quốc mua bộ bàn ghế của anh bằng tiền giả, anh Du được minh oan, chuyển từ tội phạm an ninh quốc gia sang tội phạm kinh tế. Ngày 2/9/2006, anh được đặc xá, trở về trước thời hạn 9 năm.
Vượt qua mặc cảm, làm kinh tế giỏi
Ngày anh đi trại giam, cô con gái lớn mới vào lớp 1, cậu con trai nhỏ chỉ 2 tuổi. Khi anh về, cả 2 con đều đã lớn khôn, ngoan ngoãn, chú tâm học hành.
Thế nhưng, đồ đạc trong nhà đều đã bán hết để trả nợ, ngay cả chiếc xe đạp cũng không có để đi. Cuộc sống khó khăn bỗng chốc bủa vây, anh thấu hiểu nỗi khổ của vợ con.
Ngồi bên nắm chặt tay chồng, chị Xuân cho biết, ngày anh bị bắt, chị và 2 con chịu nhiều điều tiếng từ bà con làng xóm, đi làm thuê không ai mướn, tài sản duy nhất là mấy sào ruộng, rồi chị tích cóp trồng ít rau, nuôi mấy con gà, vịt để kiếm tiền cho con ăn học và gửi vào chăm chồng.
“Biết anh ấy không may dính vào đường dây lưu hành tiền giả của người ta, tôi động viên các con tin tưởng bố, cả nhà lúc nào cũng mong anh ấy trở về. Nhiều đêm, nằm ôm con ngủ lại ứa nước mắt vì thương chồng trong trại vất vả” - Chị Xuân nghẹn ngào nói.
Thương vợ con, lại được gia đình, chính quyền địa phương động viên, tạo điều kiện, anh Du quyết tâm vươn lên làm kinh tế từ hai bàn tay trắng. Năm 2009, được ngân hàng cho vay 150 triệu đồng, sẵn có tay nghề, anh Du mở xưởng làm hàng gỗ sản xuất nội địa và xuất khẩu.
Ban đầu, hai vợ chồng chỉ sản xuất nhỏ lẻ, mỗi đợt 2 - 4 bộ bàn ghế, sau việc kinh doanh phát triển, anh quyết định mở rộng cơ sở, thuê xưởng rộng 800m2 để làm nghề. Dần dần, anh trả hết nợ ngân hàng, tạo công ăn việc làm cho trên dưới 50 lao động với mức lương từ 10-15 triệu đồng/tháng.
Anh kể, nhiều người cùng trại giam với anh ra tù, chưa thạo nghề tìm về xưởng sản xuất, được anh nhận lại vừa dạy nghề, vừa tạo công việc giúp họ có tiền để nuôi sống gia đình, trở về với cuộc sống lành mạnh.
“Anh bạn Lưu Thế Tài bị tuyên án tử hình, nhờ cải tạo tốt mà chuyển xuống mức án chung thân, sau được đặc xá trở về quê hương. Tài tìm về nhà tôi, anh em vui mừng ôn chuyện xưa, cậu ấy muốn được làm việc tại xưởng nên tôi đồng ý.
Mấy tháng sau, cả vợ con, họ hàng cậu ấy kéo nhau xuống hơn chục người xin vừa làm, vừa học nghề, được tôi sắp xếp ăn, ngủ ở xưởng. Hai năm sau, khi đã thạo nghề, Tài về mở xưởng ở quê Vĩnh Phúc đến giờ cũng trở thành ông chủ lớn” - Anh Du vui vẻ kể.
Không chỉ tạo công ăn việc làm cho hàng xóm, cho những người cùng cảnh ngộ, ở địa phương, anh Du còn tích cực tham gia công tác đảm bảo ANTT, nhiều lần đứng ra hòa giải những vụ tranh chấp, xô xát của hàng xóm.
Năm 2014, anh vinh dự nhận được Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an vì đã có nhiều thành tích trong tổ chức và thực hiện công tác “tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù” cùng nhiều giấy khen của địa phương.
Tích cóp từng đồng để làm việc thiện
Khi cuộc sống khá giả, anh Du cùng vợ lên Hà Giang thăm người bạn tù, thấy hoàn cảnh người dân nơi đây khó khăn, hai vợ chồng anh ngỏ ý muốn giúp đỡ.
Thế rồi, đều đặn mỗi năm, anh chị lại chuyển những chuyến hàng nhỏ với gạo, mỳ tôm, quần áo và sách vở đến bà con khó khăn vùng xa.
Anh Du kể, trong lần đầu tiên trao quà, thấy cháu nhỏ ốm cả tuần liền, gia đình gom góp mãi mới mua được lạng gạo nấu cháo cho cháu mà vợ chồng anh ứa nước mắt.
Cũng sau chuyến đi ấy, dù cuộc sống khá giả, chị Xuân vẫn đi đánh giấy ráp thuê cho người ta, mỗi ngày nhận 150 nghìn đồng về để mua gạo gửi lên cho bà con miền núi.
“Vợ tôi bảo phải tích cóp từng hào để giúp đỡ những người khó khăn. Biết đâu nhờ số gạo mình gửi, các cháu được ăn no hơn, mặc ấm hơn, có tiền để mua sách vở học rồi sau này trở thành người tài giỏi” - Anh Du tâm sự.
Năm 2013, anh cùng nhà chùa xã Uy Nỗ (Đông Anh, Hà Nội) trao 700 suất quà, mỗi suất trị giá 500 nghìn đồng cho những hộ nghèo ở hai huyện Mèo Vạc và Đồng Văn (Hà Giang).
Cũng trong quá trình đi thiện nguyện, anh Du gặp nhóm thiện nguyện Mai Vàng và trở thành thành viên của nhóm. Năm 2014, anh cùng nhóm thiện nguyện đến hai xã Thạch Sơn và Lê Viễn (Sơn Động, Bắc Giang) trao tặng quần áo, giày dép và gạo cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Năm 2015, gia đình anh đã trực tiếp quyên góp 80 triệu đồng cùng nhóm thiện nguyện đến xã Chiềng Nơi (Mai Sơn, Sơn La) xây trường học cho các học sinh miền núi.
Không chỉ vậy, anh còn tham gia giúp đỡ đồng bào miền Trung trong trận lũ lụt năm 2016, mỗi năm đều tới thăm và trao quà cho những bệnh nhân tại trại phong, Hội Người khuyết tật tỉnh Bắc Ninh…