Dám nghĩ, dám làm
Đảng viên Lù Văn Đức (Sn 1986) trú tại bản Cang, xã Nà Tấu (TP. Điện Biên Phủ, Điện Biên) luôn trăn trở với hướng làm giàu. Sau khi tìm hiểu nhiều mô hình phát triển kinh tế gia đình, anh Đức đã mạnh dạn, tiên phong trong việc xây dựng và phát triển mô hình nuôi Ong lấy mật trên mảnh đất quê hương.
Mô hình này được gia đình anh Lù Văn Đức thực hiện từ năm 2019. Nhờ được tham gia lớp tập huấn nuôi ong rừng lấy mật do Tỉnh Đoàn tổ chức, nhận thấy tiềm năng của việc nuôi ong rừng phù hợp với điều kiện của địa phương, anh đã từng bước học hỏi kinh nghiệm và bắt đầu khởi nghiệp. Từ 3 - 4 tổ ong nuôi thử nghiệm ban đầu với số vốn bỏ ra chỉ khoảng 6 triệu đồng, hiện, anh đang duy trì gần 100 tổ.
Theo anh Đức, mô hình nuôi ong rừng lấy mật không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn không tốn nhiều diện tích đất, chi phí đầu tư thấp và ít tốn công chăm sóc. Cứ khoảng tháng 12 hàng năm, anh sẽ làm tổ ong đưa đến các khu rừng già lâu năm có thảm thực vật đa dạng, khu vực gần các khe suối để dụ ong về làm tổ. Tổ ong rừng được làm bằng thùng gỗ, tre, nứa, không mất nhiều chi phí. Sau khi ong đã làm tổ ổn định sẽ được anh mang về để nuôi.
Ngoài nuôi ong, gia đình anh Lù Văn Đức còn trồng thêm một số loại cây cho hiệu quả kinh tế cao. |
Mỗi năm mô hình nuôi ong cho thu hoạch 1 vụ, sản lượng hơn 600 lít mật. Với giá bán mật ong rừng dao động từ 220.000 – 250.000 đồng/kg đã giúp anh có thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Để không lãng phí diện tích đất thừa và tăng thêm thu nhập cho gia đình, ngoài nuôi ong, gia đình anh còn trồng thêm một số loại cây cho hiệu quả kinh tế cao như: 500 gốc cây Mận, 200 gốc cây Trám và 160 gốc cây Mắc ca của gia đình, mỗi năm trừ chi phí cũng cho thu nhập từ 40-60 triệu đồng.
Chia sẻ về kinh nghiệm chăm sóc ong, anh Đức Cho biết: để đàn ong khỏe mạnh, cho năng suất, chất lượng mật cao, đòi hỏi sự khéo léo cẩn thận của người nuôi khi chăm sóc. Phải thường xuyên kiểm tra, vệ sinh để thùng ong luôn khô ráo, sạch sẽ. Trong quá trình kiểm tra đàn ong phải hết sức nhẹ nhàng, cẩn thận, tránh mặc áo có màu sắc sặc sỡ khiến cho đàn ong bị xáo trộn. Đối với từng thời điểm, cần có biện pháp chống rét, chống nóng thích hợp cho đàn ong. Người nuôi phải am hiểu tập tính của ong, biết rõ mùa nào hoa nở để di chuyển đàn ong đến chỗ có nguồn mật hoa dồi dào.
Mở ra con đường thoát nghèo
Mô hình nuôi ong rừng lấy mật của anh Lù Văn Đức, đảng viên chi bộ bản Cang, xã Nà Tấu là một trong những mô hình kinh tế tiêu biểu của xã. Sau khi phát triển mô hình hiệu quả, anh Đức đã chia sẻ, phổ biến kinh nghiệm để nhiều hộ dân xây dựng mô hình, phát triển kinh tế.
Chị Hoàng Thị Khánh Chinh - Bí thư Đoàn xã Nà Tấu cho biết: “Anh Lù Văn Đức là đảng viên, đoàn viên có ý chí quyết tâm làm giàu, ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm. Mô hình nuôi ong của anh Đức không chỉ giúp gia đình anh nâng cao thu nhập, mà còn là điểm đến tham quan, học hỏi của đoàn viên thanh niên địa phương".
Mô hình nuôi ong lấy mật của anh Lù Văn Đức là hướng đi mới giúp người dân trong và ngoài địa phương thoát nghèo. |
"Mô hình nuôi ong lấy mật của anh Lù Văn Đức hiện đã trở thành mô hình tiêu biểu của Đoàn thanh niên xã Nà Tấu. Đồng chí Lù Văn Đức đã lan tỏa và quảng bá được sản phẩm của thanh niên địa phương. Mô hình là minh chứng cho ý chí, nghị lực, sức sáng tạo của đảng viên, đoàn viên, thanh niên. Đây cũng là hướng đi mở ra tiềm năng phát triển kinh tế ở địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân", chị Chinh nói thêm.
Ông Lường Văn Chương ở bản Noong Háng, xã Ảng Cang huyện Mường Ảng, một trong những hộ dân áp dụng thành công mô hình nuôi ong lấy mật của anh Đức. Ông Chương chia sẻ: “Sau hơn 2 năm áp dụng mô hình nuôi ong của anh Đức tôi thấy nó rất đơn giản mà hiệu quả. Thứ nhất là chi phí thấp, chỉ bỏ công ra làm, không mất công chăm sóc. Ong thì cũng ít dịch bệnh trong khi giá cả mật ong bán ra khá cao; đầu ra cũng rất ổn định”.
Theo dự định, anh Đức đang nỗ lực xây dựng thương hiệu sản phẩm của gia đình. Mục tiêu anh đặt ra là mật ong do mình làm ra sẽ trở thành sản phẩm OCOP của địa phương. Anh cũng mong muốn sẽ hỗ trợ thêm nhiều đoàn viên, thanh niên có nhu cầu học hỏi và thực hiện mô hình. Đây sẽ là hướng đi mở ra tiềm năng phát triển kinh tế cho địa phương, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân.