Thoát nghèo từ mô hình chăn nuôi đại gia súc ở Điện Biên Đông

GD&TĐ - Với mục tiêu đưa phát triển gia súc là hướng thoát nghèo bền vững, nhiệm kỳ 2020-2025, huyện Điện Biên Đông tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho lĩnh vực này.

Một mô hình chăn nuôi tại xã Háng Lìa.
Một mô hình chăn nuôi tại xã Háng Lìa.

Giao chỉ tiêu cụ thể...

Huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) hiện có diện tích tự nhiên rộng, rất thuận lợi cho phát triển chăn nuôi đại gia súc. Cùng với đó, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm từ thịt gia súc của thị trường trong và ngoài tỉnh rất lớn.

Đây đang là những tiềm năng, lợi thế để huyện vùng cao Điện Biên Đông phát triển chăn nuôi đại gia súc. Từ thực tế đó, huyện Điện Biên Đông đã xây dựng, triển khai quy hoạch vùng chăn nuôi đại gia súc và vùng trồng cỏ, tập trung chủ yếu ở các xã: Chiềng Sơ, Luân Giói, Háng Lìa, Xa Dung. Song song với đó là việc triển khai các chương trình, dự án nhằm chuyển giao khoa học kỹ thuật và hỗ trợ người dân phát triển, mở rộng quy mô đàn gia súc. Đồng thời, tạo điều kiện khuyến khích phát triển chăn nuôi trâu, bò bằng việc giúp người dân vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để mua giống, xây chuồng trại, trồng cỏ voi.

Mặt khác, huyện cũng ban hành kế hoạch và giao chỉ tiêu phát triển cụ thể cho từng xã, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển đàn gia súc.

Ông Nguyễn Trọng Huế, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Điện Biên Đông cho biết: “Trong thời gian qua huyện đã tập trung hỗ trợ người dân về con giống, hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi và phòng bệnh cho đàn gia súc của gia đình. Huyện cũng tuyên truyền vận động người dân, tận dụng những khoảng đất bỏ hoang hoặc những mảnh đất trồng cây lương thực kém hiệu quả để trồng cỏ, làm thức ăn trâu, bò. Hàng năm huyện tổ chức 2 đợt tiêm vắc xin phòng bệnh vào hai vụ trong năm. Qua đó giúp cho đàn trâu bò phát triển ổn định”.

Háng Lìa là một trong những xã đi đầu trong việc phát triển chăn nuôi đại gia súc của huyện Điện Biên Đông. Để phát triển chăn nuôi, hằng năm xã đã tận dụng các nguồn lực để hỗ trợ, vận động nhân dân đầu tư mở rộng quy mô đàn, xây dựng chuồng trại, trồng cỏ voi. Đồng thời, tích cực hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho các hộ chăn nuôi. Nhờ đó, tổng đàn đại gia súc của xã đã tăng lên gần 5.400 con.

Tận dụng nguồn thức ăn sẵn có, nhất là sau khi được các phòng ban chuyên môn của huyện hướng dẫn về kỹ thuật, cách chăm sóc, nhiều hộ dân trong xã đã chuyển từ hình thức chăn nuôi trâu bò thả rông sang đầu tư nuôi nhốt vỗ béo. Nhờ đó đã giúp người dân kiểm soát được dịch bệnh, đàn đại gia súc lại sinh trưởng và phát triển tốt hơn.

Nhiều diện tích hoang hóa được thay thế bằng cỏ voi, tạo nguồn thức ăn dồi dào cho đàn gia súc.

Nhiều diện tích hoang hóa được thay thế bằng cỏ voi, tạo nguồn thức ăn dồi dào cho đàn gia súc.

Thoát nghèo...

“Tốc độ phát triển đàn gia súc trên địa bàn xã đạt từ 4 - 5%/năm, riêng đối với đàn trâu bò tăng 15%/năm. Hàng năm người dân trên địa bàn xã bán ra thị trường từ 600-700 con, giá trị thu về ước đạt khoảng gần 5 tỷ đồng. Nhờ chăn nuôi trâu bò mà nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã đã thoát nghèo”, bà Bạch Thị Yến Ly, Phó Bí thư Đảng ủy xã Háng Lìa, huyện Điện Biên Đông chia sẻ.

Trong 4 năm trở lại đây, huyện Điện Biên Đông đã triển khai được hơn 110 mô hình dự án phát triển sản xuất, hỗ trợ sinh kế với hơn 3 nghìn con gia súc. Huyện cũng triển khai mở 25 lớp hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi gia súc cho gần 900 lượt người dân tham gia.

Từ những cách làm đó, đàn gia súc trên địa bàn huyện tăng cả về số lượng cùng chất lượng, người dân đã chuyển dần từ hình thức chăn nuôi thả rông sang nuôi nhốt bán chăn thả, nuôi nhốt vỗ béo và đã mang lại nguồn thu nhập ổn định. Hiện nay, toàn huyện đã trồng được gần 500ha cỏ voi. Tổng đàn gia súc của huyện đã phát triển được hơn 82 nghìn con, năm 2023 đã bán ra thị trường hơn 17 nghìn con gia súc. Riêng nguồn thu từ chăn nuôi trâu bò trên địa bàn huyện trung bình ước đạt hơn 200 tỷ đồng/năm. Nhiều hộ đã vươn lên làm giàu từ chăn nuôi gia súc.

Chăn nuôi gia súc trên địa bàn huyện Điện Biên Đông đã đạt được những kết quả quan trọng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân xóa đói giảm nghèo. Song nhìn chung phát triển chăn nuôi đại gia súc của huyện Điện Biên Đông vẫn còn nhiều hạn chế, quy mô đàn còn nhỏ; việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi còn hạn chế; giống trâu, bò của địa phương là giống bản địa, có tầm vóc và thể trạng nhỏ nên năng suất và hiệu quả chưa được như mong muốn.

Một khó khăn khác trong phát triển chăn nuôi trâu, bò của huyện là tình trạng thả rông đại gia súc vẫn còn phổ biến, gây khó khăn cho công tác quản lý, phòng chống dịch bệnh. Phát triển chăn nuôi chưa hình thành được chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ và chế biến sản phẩm.

Để chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa, huyện Điện Biên Đông đang từng bước xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm thịt trâu, bò trên địa bàn. Đồng thời, có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh vào lĩnh vực chăn nuôi đại gia súc trên địa bàn.

Ông Nguyễn Trọng Huế cho biết thêm: “Để cho đàn gia súc phát triển tốt hơn, huyện đã tích cực vận động người dân chuyển từ hình thức chăn nuôi thả rông sang chăn nuôi tập trung với quy mô sản xuất hàng hóa. Đến nay nhiều hộ trên địa bàn đã có chuồng trại nuôi nhốt tập trung với quy mô từ 20 - 30 con”.

Ngoài các giải pháp căn cơ, Điện Biên Đông đang tích cực tìm kiếm, phối hợp với các doanh nghiệp, nhà đầu tư xây dựng, phát triển các chuỗi liên kết, hợp tác trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gia súc. Mục đích nhằm tạo thị trường tiêu thụ ổn định cho các hộ chăn nuôi. Đây chính là cơ hội, động lực thúc đẩy, khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi đại gia súc, từng bước đưa lĩnh vực này trở thành sản xuất chính của huyện trong phát triển nông nghiệp bền vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đồ ăn chó Hạt cho chó