Làm giảm lão hóa bằng màu xanh của cây cối

GD&TĐ - Các nhà nghiên cứu tại Trường Y tế Cộng đồng và Y tế Dự phòng của Đại học Monash (Australia) đã phát hiện ra rằng cây cối rất tốt cho cơ thể con người.

Cây cối mang lại sức khỏe và giúp con người tăng tuổi thọ.
Cây cối mang lại sức khỏe và giúp con người tăng tuổi thọ.

Nghiên cứu của họ đã được công bố trên tạp chí môi trường Environmental Health Perspectives.

Vai trò của quá trình methyl hóa

Các nhà khoa học đã chỉ ra mối liên hệ giữa số lượng thực vật trong môi trường của con người và quá trình lão hóa sinh học chậm hơn, dựa trên những thay đổi đối với quá trình methyl hóa DNA.

Một trong những dấu hiệu mạnh mẽ nhất của quá trình lão hóa sinh học là những thay đổi về quá trình methyl hóa liên quan đến tuổi tác được tìm thấy trong DNA của một cá nhân. Đây là nơi một số đoạn của DNA bị bao phủ bởi các phân tử methyl.

Trong bối cảnh dân số toàn cầu đang già đi do tuổi thọ tăng và tỷ lệ sinh giảm, việc hiểu cách kéo dài tình trạng sức khỏe tốt và hoạt động khi về già là một ưu tiên hàng đầu.

“Chúng tôi đã tìm kiếm các tài liệu y khoa trước khi bắt tay vào dự án này” – nghiên cứu sinh tiến sĩ và là tác giả nghiên cứu Rongbing Xu nói – “Nghiên cứu tập trung vào trẻ sơ sinh và so sánh tuổi thai sinh học của các bé với màu xanh lá cây xung quanh người mẹ khi mang thai”.

Một số đoạn DNA có các vị trí CpG đặc biệt dễ bị tăng methyl hóa theo tuổi tác và điều này hạn chế chức năng của gen bị ảnh hưởng. Ngược lại, lão hóa cũng có thể làm giảm quá trình methyl hóa ở các khu vực khác, dẫn đến sự biểu hiện quá mức của các gen, có khả năng gây thiệt hại không kém.

DNAmAge là thước đo tuổi thọ sinh học của một người được đo bằng quá trình methyl hóa và có các thuật toán chính được sử dụng. Trong đó, thuật toán GrimAge có thể là công cụ ước tính DNAmAge mạnh mẽ nhất, nhờ khả năng dự đoán mạnh mẽ của nó về sức khỏe trong tương lai chẳng hạn như thời gian chết, ung thư và các bệnh tim.

Sự liên quan giữa cây cối và quá trình lão hóa

Sống gần cây cối có thể giúp con người chậm lão hóa.

Sống gần cây cối có thể giúp con người chậm lão hóa.

Nhà nghiên cứu Rongbing Xu cho biết: “Chúng tôi suy đoán rằng lượng cây xanh trong môi trường sống của một người có thể đóng vai trò nào đó trong việc giảm quá trình lão hóa sinh học đang gia tăng của cơ thể.

Mật độ cao các thực vật ở địa phương như vườn cây, công viên, bụi rậm, có thể làm giảm căng thẳng tinh thần, tạo không gian giao tiếp xã hội, khuyến khích hoạt động thể chất và giảm tác hại từ ô nhiễm không khí và nắng nóng. Vì đây là tất cả các yếu tố quyết định cho sức khỏe tốt, do đó nó có thể có một mối liên hệ nào đó”.

Các nhà nghiên cứu đã tận dụng dữ liệu hiện có từ một nghiên cứu trước từng khám phá mối liên hệ giữa môi trường, di truyền, lối sống và mật độ mô vú – yếu tố nguy cơ đối với ung thư vú ở phụ nữ.

Phần thứ 2 của dự án liên quan đến việc lập bản đồ các mức độ thực vật gần nhà của những người tham gia. Họ cung cấp địa chỉ sinh sống và được chuyển đổi thành tọa độ bằng giao diện Google Maps.

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng kết quả đo ánh sáng hồng ngoại và ánh sáng nhìn thấy từ vệ tinh của NASA để ước tính khối lượng thực vật địa phương trong 12 tháng trước khi lấy mẫu máu của từng người tham gia.

Thực vật hấp thụ ánh sáng đỏ để quang hợp nhưng phản xạ mạnh ánh sáng hồng ngoại và cận hồng ngoại. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng một số công thức để ước tính mật độ màu xanh cách nhà của người tham gia lên đến 2km.

Giảm 3% nguy cơ tử vong

Bằng cách so sánh DNAmAge của một cá nhân với tuổi của họ, các nhà nghiên cứu có thể tính toán tốc độ lão hóa sinh học (DNAmAgeAC). Tốc độ lão hóa nhanh có liên quan đến chết sớm và các bệnh như ung thư và bệnh tim. Trong khi một số thay đổi methyl hóa là không thể tránh khỏi, chúng ta thực sự có một số ảnh hưởng đối với nó.
Nghiên cứu cho thấy, các biện pháp can thiệp như điều chỉnh chế độ ăn uống và các yếu tố môi trường có thể đảo ngược những thay đổi bất lợi của quá trình methyl hóa.

“Bằng thuật toán mạnh mẽ nhất là GrimAge, chúng tôi thấy rằng việc làm tăng độ xanh xung quanh nơi ở có liên quan đến quá trình lão hóa sinh học chậm hơn. Nghiên cứu của chúng tôi thấy rằng mức tăng 0,1 đơn vị về chỉ số thực vật khác biệt chuẩn hóa (NDVI) trong vòng 500 mét xung quanh nhà có liên quan đến việc giảm 0,31 năm lão hóa sinh học, theo đo lường của GrimAge” – ông Rongbin cho biết.

Theo ông Rongbin, các nghiên cứu trước đây cho biết điều đó tương đương với việc giảm 3% tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân. Mối liên hệ này vẫn ổn định khi đo độ xanh cách nhà khoảng cách 300 mét, 1km và 2km.

3 yếu tố cho thấy mối liên hệ đặc biệt mạnh mẽ của màu xanh với quá trình lão hóa sinh học chậm lại. Thứ nhất là màu xanh lá cây có liên quan đến sự đảo ngược những thay đổi methy hóa DNA phát sinh từ việc tiếp xúc với khói thuốc lá.

Thứ 2, nó có thể liên quan đến việc cải thiện chức năng miễn dịch và khả năng trao đổi chất. Cuối cùng, nó có thể liên quan đến việc giảm các mô mỡ được thấy trong bệnh béo phì và cải thiện sức khỏe thận.

Theo ông Rongbin, cần thêm nhiều nghiên cứu để xác nhận kết quả trên trong các nghiên cứu lớn hơn, đồng thời xem xét quá trình này ở nam giới. Tuy nhiên, những gì có được là một bước đột phá thú vị trong lĩnh vực này.

Theo Scitech Daily

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Khâu trọng yếu

GD&TĐ - Để Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 diễn ra an toàn, nghiêm túc yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất...