Làm gì khi bị học trò “réo” tên

GD&TĐ - Vào một ngày đẹp trời, bạn đang thư thái thả bộ ngang qua lớp học bên cạnh, bỗng nghe có tiếng một học sinh nam gọi tên mình. 

Làm gì khi bị học trò “réo” tên

Tất nhiên là chỉ gọi trống không. Và bạn biết chắc học sinh đó nhằm gọi bạn vì trong lớp này không có em nào tên như vậy.

Trong tình huống này, có lẽ cũng cần phải là người được tôi luyện trong môi trường sư phạm lâu năm hoặc nếu mới bước chân vào nghề thì cũng phải rất “cứng bóng vía” và nhanh trí mới có thể ứng xử hợp lý và “an toàn” để thoát khéo trước sự chứng kiến và sẵn sàng “a dua” của cả đám học sinh.

Đa số thầy cô cho rằng, khi bạn bị một học sinh réo gọi tên trống không như vậy, ắt có vấn đề xảy ra với bạn. Có 2 giả thiết, hoặc học sinh đó vốn là học sinh “có vấn đề” hoặc trong mắt học sinh đó bạn có vấn đề.

Để vượt qua tình huống này, nhiều thầy cô chọn phương án “làm ngơ”. Tuy nhiên nếu làm như vậy e rằng bệnh cũ dễ tái phát, không có “thuốc đặc trị” và đủ liều sẽ dễ gây “nhờn thuốc” và bạn cũng nên lường trước cả nguy cơ lây lan, khó kiểm soát của bệnh “thiếu lễ độ” trong đám học trò.

Hướng giải quyết: Bạn trao đổi với giáo viên chủ nhiệm để giáo viên chủ nhiệm có thể chỉ ra đó là hành vi không tốt, nghiêm túc yêu cầu học sinh rút kinh nghiệm.

Còn bạn, trước mắt cũng nên xem lại hành vi, cách ứng xử của mình, từ ăn mặc, giao tiếp, và cũng nên tự hỏi liệu mình có "chảnh"quá không?...

Một thầy giáo tâm sự: Ngày trước, mình cũng bị học sinh gọi tên, không những gọi đích danh mà còn kèm biệt danh "bốn mắt". Mặc dù rất giận nhưng mình cố gắng trấn tĩnh, dừng chân, định vị và định danh học sinh vừa gọi tên mình. Đồng thời, ra hiệu mắt để em học sinh biết là mình đã chú ý đến hành vi này.

Sau đó mình đã trao đổi qua và nhờ giáo viên chủ nhiệm lớp đó mời em học sinh kia lên văn phòng để gặp mặt riêng. Tuy là một học trò khá bướng bỉnh nhưng khi gặp thầy trong một không khí nghiêm túc chỉ một thầy, một trò đối mặt, cậu học trò tỏ ra khá luống cuống.

Mình đã trao đổi rất bình tĩnh và phân tích cho học sinh. Em này đã thành khẩn chia sẻ và viện lý do em muốn "nói chuyện" với thầy. Mình bật cười, tha thứ nhưng không quên căn dặn đó là hành vi thiếu tôn trọng, mong em không bao giờ tái diễn.

Đấy là kỷ niệm của năm đầu tiên vào nghề dạy học của mình. Sau lần ứng xử mà mình tự đánh giá là “bình tĩnh, tự tin, sáng suốt” đó với hành vi gọi trống không của học sinh, đến nay mình đã có thâm niên 15 năm trong nghề và vẫn “an toàn”, hòa bình, vui vẻ hàng ngày với lũ học trò nghịch ngợm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.