Làm gì khi bạn muốn kết hôn mà người ấy... dửng dưng?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Bạn nên làm gì bây giờ? Tiếp tục tình yêu, nhẫn nại chờ đợi, hy vọng hay ra đi để tìm cho mình một con đường khác?

Cảm thấy khao khát mãnh liệt về sự cam kết trong mối quan hệ là kết quả tự nhiên của tình yêu. (Ảnh: ITN).
Cảm thấy khao khát mãnh liệt về sự cam kết trong mối quan hệ là kết quả tự nhiên của tình yêu. (Ảnh: ITN).

Cảm thấy khao khát mãnh liệt về sự cam kết trong mối quan hệ là kết quả tự nhiên của tình yêu, đặc biệt nếu đó là cách hai người cùng mong muốn tạo dựng một gia đình. Nhưng, trước khi tiến tới hôn nhân, hãy dành chút thời gian để suy nghĩ về những gì cả hai bạn mong đợi từ mối quan hệ của mình.

Xác định mục tiêu

Ngay cả khi mong muốn kết hôn đang trỗi dậy mãnh liệt thì bạn vẫn phải lùi lại một bước, tự hỏi chính xác bạn đang tìm kiếm điều gì. Bạn đang hy vọng có được sự an toàn hơn, được công nhận tầm quan trọng của mối quan hệ hay đơn giản là chỉ muốn được đối tác gọi mình bằng chồng/vợ?

Cân bằng nhu cầu của bạn

Một số người e dè với hôn nhân vì họ sợ bị tổn thương một lần nữa, đến nỗi họ tự dựng lên một rào cản đối với hôn nhân. (Ảnh: ITN).
Một số người e dè với hôn nhân vì họ sợ bị tổn thương một lần nữa, đến nỗi họ tự dựng lên một rào cản đối với hôn nhân. (Ảnh: ITN).

Hôn nhân không bắt buộc bất cứ ai phải từ bỏ nhu cầu riêng của bản thân trong mối quan hệ. Vì thế, bạn cần chỉ ra những thỏa hiệp mà bạn sẵn sàng thực hiện đối với một số vấn đề nhất định.

Ví dụ, nếu hôn nhân không phải là ưu tiên hàng đầu đối với “nửa kia”, nhưng họ vẫn cam kết với bạn, họ có thể sẵn sàng thỏa hiệp và tiến tới hôn nhân. Mặt khác, nếu họ kiên quyết phản đối hôn nhân, bạn nên thừa nhận mối quan hệ sẽ không có kết quả.

Cách tốt nhất để cân bằng nhu cầu của bạn là những cuộc trò chuyện thực sự về những gì bạn muốn từ mối quan hệ. Cho dù bạn có giải quyết được vấn đề hôn nhân hay không, thì bạn cũng nên nhận thức rõ các giá trị và mục tiêu của mình có phù hợp hay không.

Xử lý cảm xúc của bạn

Hãy dành thời gian để xử lý cảm xúc của bạn thay vì cố gắng thay đổi hoặc ảnh hưởng đến đối tác của bạn. Suy nghĩ về những gì bạn muốn ở đối tác và liệu đối tác hiện tại của bạn có phải là người phù hợp với bạn hay không. Mối quan hệ của bạn có thể không bền chặt như khi nó bắt đầu chỉ vì bạn mong muốn những điều khác biệt trong cuộc sống.

Lắng nghe quan điểm của đối phương

Một cuộc hôn nhân được hình thành từ hai cá nhân với những quan điểm khác nhau. Nếu bạn không trò chuyện về những quan điểm độc đáo này, chúng có thể cản trở bạn vào thời điểm quyết định những điều trọng đại trong cuộc sống.

Có vẻ như việc cố gắng nhận được câu trả lời từ một người chưa sẵn sàng tiến đến hôn nhân sẽ chỉ khiến bạn thêm thất vọng. Tuy nhiên, sự kiên nhẫn có thể giúp cải thiện khả năng giao tiếp, từ đó bạn sẽ hiểu rõ hơn lý do tại sao đối tác cảm thấy do dự.

Nếu có thể, hãy đặt sự phòng thủ của bạn sang một bên và lắng nghe với tinh thần cởi mở (đồng cảm mà không phán xét), khi đó đối tác của bạn sẽ cảm thấy như họ có không gian để cùng bạn khám phá những suy nghĩ sâu sắc nhất của họ một cách an toàn.

Hiểu nỗi sợ hãi của đối phương

Tại một thời điểm nào đó, bạn có thể phải quyết định rời bỏ mối quan hệ nếu không thể đạt được thỏa hiệp về hôn nhân. (Ảnh: ITN).
Tại một thời điểm nào đó, bạn có thể phải quyết định rời bỏ mối quan hệ nếu không thể đạt được thỏa hiệp về hôn nhân. (Ảnh: ITN).

Tina B. Tessina, nhà trị liệu tâm lý tại Hoa Kỳ cho rằng nỗi sợ hãi thường là nguyên nhân dẫn đến những loại xung đột này.

“Nếu bạn quyết định gắn bó trọn đời với một người, thì điều đó có nghĩa là bạn cần phải chấp nhận mọi rủi ro, kể cả việc không đạt được điều bạn muốn hoặc cần vào bất kỳ thời điểm nào.

Cam kết giúp thu hẹp khoảng cách giữa các khác biệt; nó cung cấp mạng lưới an toàn chống lại sự cô đơn và giúp phát triển kết nối khi hai người cùng nhau hướng tới các mục tiêu chung”, Tessina nói.

Một số người e dè với hôn nhân vì họ sợ bị tổn thương một lần nữa, đến nỗi họ tự dựng lên một rào cản đối với hôn nhân. Họ sợ hãi và từ chối kết hôn vì nó quá khó đối với họ ngay bây giờ, hoặc có lẽ là mãi mãi.

Xác định khi nào nên từ bỏ

Tại một thời điểm nào đó, bạn có thể phải quyết định rời bỏ mối quan hệ nếu không thể đạt được thỏa hiệp về hôn nhân. Bạn có thể sẽ trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, từ buồn bã vì mất mát đến tức giận vì đã lãng phí thời gian.

Đối tác của bạn có thể không dễ dàng cởi mở và trung thực về những lý do đằng sau sự do dự của họ, nhưng nếu bạn không thể tìm hiểu thêm, thì có khả năng sẽ không có cơ hội tiến về phía trước. Hãy thử hỏi đối tác xem họ đang cảm thấy gì hoặc cùng nhau nói ra những khó khăn để hiểu rõ hơn.

Thời điểm tốt nhất để rời đi là khi bạn đã cạn kiệt tất cả các lựa chọn để khiến mọi thứ đi vào quỹ đạo. Khi đó, bạn cảm thấy tự tin rằng mình đã cho đi tất cả những gì mình có. Và khi bạn đã làm hết sức mình, không còn lý do gì để cảm thấy buồn về tình huống này nữa. Nếu có thể, hãy cố gắng tập trung vào tương lai tốt đẹp hơn đang chờ đón bạn.

Theo verywellmind.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Diệu kỳ Điện Biên

GD&TĐ - Có thể nói trong chiến dịch Điện Biên Phủ, những đường chiến hào vây, đánh lấn đã trở thành kỳ tích huyền thoại.