Làm gì để giúp con biết đâu là ranh giới không được vượt qua?

GD&TĐ - Rất nhiều cha mẹ không biết làm gì để giúp con hiểu được đâu là giới hạn của chuẩn mực đạo đức cần hướng tới, đâu là ranh giới không được vượt qua.

Bố mẹ đồng hành cùng con để trẻ hiểu được những giới hạn. Ảnh: TG.
Bố mẹ đồng hành cùng con để trẻ hiểu được những giới hạn. Ảnh: TG.

Đừng khiến con đối phó, chống chế

Sẽ không khó để bắt gặp một thiếu niên trên đường phố với tóc xanh tóc đỏ, quần áo không thể phân biệt được là nam hay nữ. Hay với ngôn từ mà ta không thể nào tưởng tượng được nó lại được phát ra từ những cái miệng của cô cậu học trò mới lớn.

Khi trẻ em đến tuổi dậy thì, đây chính là bước phát triển đặc biệt quan trọng về tâm sinh lý và tình cảm của trẻ. Chỉ cần một sai sót nhỏ của cha mẹ cũng có thể khiến trẻ đi chệch hướng. Vì vậy, hãy thiết lập những giới hạn để cho trẻ phấn đấu và những giới hạn để chúng không được phép vượt qua. Bằng tình yêu thương cha mẹ hãy dạy chúng phải tôn trọng những quy tắc được đặt ra.

Theo TS Nguyễn Thị Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Mẫu giáo Trung ương, trẻ thường muốn khẳng định bản thân nên cha mẹ tuyệt đối không nên áp đặt chúng.

Những câu nói đại loại như: “Con không được phép làm điều đó”, “Con phải làm việc này theo cách này”… sẽ khiến con cảm giác mình bị mất quyền tự do và không có tính sáng tạo. Chúng sẽ không chịu bất kỳ các lệnh nào một cách nghiêm túc mà chỉ làm theo kiểu đối phó, chống chế. Lâu dần điều đó sẽ rất nguy hiểm và cha mẹ sẽ mất kiểm soát đối với chúng.

Khi bạn đã thiết lập những quy tắc, bạn cũng cần phải đặt cho con những câu hỏi về quan điểm hay ý kiến của chúng về những quy tắc đó. Cha mẹ cũng có thể cùng con cái đặt ra những quy tắc để chúng phải thực hiện. Chúng sẽ cảm thấy mình có “tiếng nói” và sẽ trân trọng những quy tắc đó.

Đôi khi chúng có thể nghe bạn răm rắp nhưng thực ra chúng chỉ làm vì được cha mẹ yêu cầu chứ không hề hứng thú với điều đó.

Bên cạnh đó, đừng bao giờ lúc nào cũng nói đồng ý. Đôi khi việc để con bạn làm theo ý của bé có vẻ dễ dàng hơn vì nó khiến bé cảm thấy vui vẻ nhưng khi chúng ta luôn nói đồng ý với con chúng ta thì các bé sẽ trở thành những người không có khả năng chấp nhận được các giới hạn.

Thế nhưng, cũng đừng bao giờ luôn luôn nói không, bởi chúng sẽ trở thành người không thể suy nghĩ và tự ra quyết định cho bản thân mình.

Việc đặt ra giới hạn sẽ hiệu quả nhất khi con bạn cảm nhận được bạn hiểu và tôn trọng bé. Cha mẹ đôi lúc cố gắng kỷ luật trẻ bằng cách nói, hướng dẫn và chỉ ra cho con họ việc phải làm. Tuy nhiên đôi khi hành động sẽ có tác động mạnh hơn là lời nói.

Những cái ôm, nháy mắt, nụ cười và yên lặng quan sát các sinh hoạt có mục đích của bé sẽ gửi đến con bạn một thông điệp rằng bé đang đi đúng đường. Thỉnh thoảng chỉ đưa tay giúp đỡ hay chỉ hỏi con bạn có cần sự hỗ trợ đã là tất cả sự ủng hộ mà bé cần đến.

Tương tự như vậy, một cái cau mày hay nhăn nhó truyền đạt ý không tán thành tốt hơn là những lời giận dữ và la mắng. Đây là một vài cách thức hữu ích mà bạn có thể áp dụng.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Giới hạn theo lứa tuổi

Theo TS Nguyễn Thị Thanh, ở trường mầm non, giáo viên có nhiều cách để đặt ra giới hạn với trẻ. Do đó, cha mẹ cũng có thể áp dụng để dạy trẻ khi ở nhà.

Ví dụ, nếu con bạn ném món đồ chơi phân loại hình khối của bé, hãy nói rằng, “Hãy nhẹ nhàng với đồ chơi của con”. Trẻ nhỏ thỉnh thoảng thể hiện tính khí bất thường, nhưng điều này không có nghĩa là trẻ hư hỏng.

Do đó, cần làm cho bé tập trung trở lại vào một hoạt động có tính xây dựng. Nếu như bé lại tiếp tục ném món đồ chơi, có thể bé muốn nói với bạn rằng trẻ muốn một thứ gì đó để ném và bạn có thể đổi hướng cho bé bằng cách nói: “Chúng ta hãy cùng ra ngoài chơi ném bóng”.

Với trẻ nhỏ, hãy làm gương tốt cho con trong cách sử dụng các món đồ bằng cách chỉ cho bé biết rằng ‘ghế là để ngồi, giường là để nằm ngủ và bàn là để sử dụng cho các bữa ăn...”. Nếu trẻ nhảy lên giường, bạn nói “Giường là để ngủ, con có thể nhảy ở bên ngoài’.

Hãy chắc chắn rằng nguyên tắc này áp dụng cho tất cả mọi người, không chỉ riêng cho con. Bên cạnh đó, nếu cha mẹ làm gương trong việc cất dọn đồ sau khi sử dụng, con bạn cũng sẽ làm theo như thế.

Đồng thời, hãy làm những gì bạn muốn con làm. Những gì người lớn làm quan trọng hơn là nói suông. Nếu muốn con bạn khi ăn phải ngồi tại bàn thì chính bạn cũng cần phải làm như thế, không được vừa ăn vừa đi lòng vòng, vừa nghe điện thoại hoặc là ăn ở trong xe. Con không thể chấp nhận rằng cha mẹ được phép còn chúng phải tuân theo nguyên tắc chung.

Khi con bạn muốn leo trèo, chạy nhảy trong nhà, hãy chắc chắn rằng bé có nhiều cơ hội để ra bên ngoài trời. Khi bé chạy trong nhà, hãy nói với giọng nói vui vẻ, “Đây là cách chúng ta đi trong nhà” và đi bên cạnh bé để làm mẫu cho bé. Nếu con bạn muốn mua kẹo trong siêu thị, bạn có thể nói, “hôm nay chúng ta sẽ mua táo”, điều này giúp tập trung vào việc đang làm.

“Đồng thời, cha mẹ phải cùng đồng hành với con và cần có những thay đổi phù hợp từng lứa tuổi trong quá trình phát triển của trẻ vì giới hạn theo từng độ tuổi là khác nhau. Cùng điều chỉnh với con là điều rất quan trọng bởi vì trẻ sẽ tự tin để tự đặt những giới hạn cho chính mình khi lớn lên”, TS Nguyễn Thị Thanh đưa ra lời khuyên.

“Khi con mắc sai lầm, hãy giúp chúng tìm những cách khác tốt hơn. Đơn cử dùng hậu quả để dạy cho chúng bài học, điều đó tốt hơn rất nhiều việc xử phạt. Nếu cha mẹ chỉ biết trừng phạt, sẽ nhận được lời xin lỗi nhưng không thể giúp trẻ tỉnh ngộ. Bởi chúng chỉ biết được mình đã sai mà không biết sai ở chỗ nào và làm thế nào mới là đúng”- TS Nguyễn Thị Thanh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.