Dịch tay chân miệng tiếp tục 'nóng':

Làm gì để giảm thiểu biến chứng, tử vong?

GD&TĐ - Ngành Y tế dự báo, số ca mắc và trường hợp nặng của tay chân miệng sẽ tiếp tục tăng, kéo dài nếu không quyết liệt có biện pháp dự phòng.

Các dấu hiệu nặng của bệnh tay chân miệng cần chú ý bao gồm: Sốt cao liên tục, khó hạ, sốt trên 2 ngày... Ảnh minh họa
Các dấu hiệu nặng của bệnh tay chân miệng cần chú ý bao gồm: Sốt cao liên tục, khó hạ, sốt trên 2 ngày... Ảnh minh họa

Virus độc lực cao, có thể gây tử vong

Tại Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), trung bình mỗi ngày có thêm 60 trẻ mắc tay chân miệng nhập viện điều trị nội trú. Hiện, đơn vị này điều trị cho khoảng 200 trẻ mỗi ngày, trong đó có nhiều trẻ nặng phải đặt nội khí quản và chuyển xuống các phòng hồi sức.

Khoa Khám bệnh của Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng tiếp nhận khám và điều trị ngoại trú cho khoảng 400 trẻ mắc tay chân miệng/ngày. Còn tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc có 12 trẻ phải nằm hồi sức. Trong đó, có 6 trẻ phải thở máy và 2 trường hợp phải lọc máu. Khoa đã chuẩn bị sẵn sàng 20 trong tổng số 30 giường bệnh để điều trị cho bệnh nhi mắc tay chân miệng nặng.

Tại Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh, thời gian gần đây, các bác sĩ ghi nhận một số trường hợp bệnh nhi mắc tay chân miệng đến khám và điều trị, chủ yếu ở mức độ 1 và 2a với các biểu hiện như: Xuất hiện vết tổn thương da vùng chân tay miệng, sốt cao trên 39 độ C, giật mình, nôn, quấy khóc. Tuy nhiên, cũng có một số trẻ lại không có biểu hiện bên ngoài, gây khó khăn cho việc phát hiện và chẩn đoán.

Theo Sở Y tế TPHCM, EV71 là chủng virus có độc lực cao, gây bệnh tay chân miệng nặng và tử vong. EV71 là tác nhân gây ra các vụ dịch lớn vào các năm 2011 và 2018. Do đó, ngành Y tế dự báo số ca mắc và trường hợp nặng của tay chân miệng sẽ tiếp tục tăng, kéo dài nếu không quyết liệt có biện pháp dự phòng.

Theo các bác sĩ, một trong những nguyên nhân chính khiến bệnh tay chân miệng năm nay gia tăng nhanh với nhiều ca bệnh nặng là do sự xuất hiện của chủng virus EV71. Dự báo dịch tay chân miệng năm nay sẽ “nóng”.

Do đó, Sở Y tế TPHCM đã yêu cầu các bệnh viện: Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng thành phố, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới… lên phương án sẵn sàng ứng phó với các tình huống số ca bệnh gia tăng. Về vấn đề thuốc điều trị, Bộ Y tế cũng đã có phương án đảm bảo các loại thuốc điều trị hiệu quả cho các bệnh viện của TPHCM.

Nguy cơ chuyển nặng đột ngột

Các bác sĩ khuyến cáo, điều quan trọng nhất là cần kịp thời phát hiện dấu hiệu biến chứng của trẻ khi mắc tay chân miệng. Khi mắc tay chân miệng, trẻ có thể đột ngột chuyển nặng, suy hô hấp, nguy kịch chỉ trong vài giờ. Do đó, phụ huynh nên cho con đi khám ở cơ sở y tế gần nhất khi nghi ngờ mắc tay chân miệng để được xác định bệnh, theo dõi sát.

BSCKI Lâm Tuyết Trinh - điều hành Phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Nhi đồng TPHCM - cho biết, virus EV71 là một loại siêu vi đường ruột, gây bệnh qua đường lây lan là phân – miệng. Từ đường miệng đưa vào, các bé sẽ thải virus ra bên ngoài. EV71 là nguyên nhân khiến tay chân miệng lây lan nhiều.

Theo PGS.TS Phạm Văn Quang - Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), bệnh nhi tay chân miệng cần được chẩn đoán sớm, theo dõi sát và điều trị kịp thời.

Đối với các bệnh nhi có loét họng, xuất hiện hồng ban, bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, mông, đầu gối… cần đến khám tại cơ sở y tế để được chẩn đoán, nhất là khi bệnh nhi có kèm dấu hiệu giật mình chới với.

Các dấu hiệu nặng của bệnh tay chân miệng cần chú ý bao gồm: Sốt cao liên tục, khó hạ, sốt trên 2 ngày, nôn ói nhiều, giật mình chơi với, run chi, đi đứng loạng choạng, tay chân lạnh, vã mồ hôi, li bì, thở mệt… Khi có các dấu hiệu này, cần đưa bệnh nhi đến ngay bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.

Trong khi đó, theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TPHCM, phụ huynh lưu ý phòng ngừa tránh để con em mắc bệnh tay chân miệng.

Đối với phụ huynh, cần vệ sinh cá nhân, ăn chín, uống chín, không dùng chung đồ dùng cá nhân (khăn, bàn chải đánh răng, chén bát đũa muỗng…). Rửa tay xà phòng sau thay quần áo, tã lót trẻ; sau tiếp xúc phân, nước tiểu, nước bọt; trước và sau chế biến thức ăn. Rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà, thanh vịn, nắm cửa…

Với trẻ em, hướng dẫn các bé rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước. Rửa tay trước sau ăn, sau chơi đồ chơi, trẻ lớn rửa tay sau khi đi vệ sinh, rửa tay khi bẩn. Cách ly trẻ bệnh trong 8 - 10 ngày, không đến trường học, tránh làm vỡ mụn nước gây lây lan bệnh.

Đến nay, bệnh tay chân miệng chưa có vắc-xin, cũng như thuốc điều trị đặc hiệu. Bộ Y tế yêu cầu các địa phương nâng cao năng lực dự phòng, điều trị bệnh, đảm bảo trang thiết bị và vật tư hóa chất, thuốc.

Tại tọa đàm tiêm chủng vắc-xin an toàn - nâng cao nhận thức cộng đồng, PGS Lê Việt Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) - cho biết, những năm gần đây bệnh tay chân miệng diễn biến phức tạp với tỷ lệ trẻ mắc tăng cao do đây là bệnh dễ lây truyền qua tiếp xúc. Cục Quản lý Dược đã chỉ đạo các đơn vị chức năng để tìm nguồn nghiên cứu, phát triển vắc-xin phòng ngừa bệnh này.

Hiện nay, vắc-xin tay chân miệng đã được nhập khẩu về Việt Nam. Sau khi hoàn thành các bước đánh giá an toàn, chất lượng... sẽ được cơ quan chức năng xem xét đưa ra thị trường.

Cũng theo ông Dũng, theo quy định vắc-xin nhập khẩu đã được cấp phép ở nước sở tại, nhưng khi về Việt Nam phải kiểm định lại. Khi đạt tiêu chuẩn một lần nữa mới được đưa vào sử dụng. Vì vậy, người dân có thể yên tâm về chất lượng vắc-xin được sử dụng hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ