(GD&TĐ) - Trí thông minh là phẩm chất cao của năng lực tư duy, có vai trò rất quan trọng, quyết định sự thành công của mỗi con người. Bồi dưỡng và phát triển trí thông minh từ thuở bé thơ là một việc làm vô cùng ý nghĩa và cần thiết mà các vị phụ huynh cần ý thức để chuẩn bị cho con hành trang bước vào một tương lai tươi sáng.
Vui chơi bổ ích góp phần bồi dưỡng trí thông minh của trẻ (Anh: gdtd.vn) |
Hồi trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi đi sứ Trung Quốc, một lần ông đến yết kiến vua Nguyên, thấy bức trướng thêu con chim sẻ vàng dỗ trên khóm trúc. Bức trướng thêu rất sống động đến nỗi Mạc Đĩnh Chi tưởng là cảnh thật. Ông liền lao đến vồ con chim sẻ. Người Nguyên cười ồ lên, chế ông là quê kệch. Mạc Đĩnh Chi liền giật bức trướng xuống, xé tan ra và hầm hầm tức giận, nói:
- Thần xưa nay chỉ thấy vẽ mai tước chứ không hề thấy vẽ trúc tước. (Trúc là quân tử, tước là chim sẻ - kẻ tiểu nhân). Tước đỗ trên khóm trúc là ý kẻ tiểu nhân lấn lướt người quân tử. Nay thần vì triều đình đây mà trừ khử điều lộn bậy ấy đi.
Những người Trung Hoa có mặt ở đó đều phải thừa nhận ý kiến của Mạc Đĩnh Chi là xác đáng. Thế là Mạc Đĩnh Chi vừa giữ được danh dự của mình lại vừa bảo vệ được quốc thể. Cách đối đáp như vậy chứng tỏ Mạc Đĩnh Chi rất thông minh.
Hồi nhỏ, một hôm trạng nguyên Lương Thế Vinh đang cùng lũ bạn nhỏ thả diều ngoài đồng. Một bà lão đi trên đường trượt chân đánh đở cả hai thúng bưởi. Bưởi lăn hết xuống một cái hố sâu. Bà lão kêu than, trẻ chăn trâu xúm lại. Cái hỗ đã hẹp lại sâu, tụt xuống thì giẫm lên bưởi mà khó có thể cúi để cầm bưởi lên được. Trong líc mọi người còn đang lúng túng thì Lương Thế Vinh thu diều chạy đến, bảo:
- Khó gì. Về gánh nước ra đây.
Lũ trẻ chưa hiểu nhưng nghe theo lời Lương Thế Vinh về gánh nước ra. Lương Thế Vinh ung dung đổ cả gánh nước xuống hố. Nước dềnh cao, bưởi cũng theo nước mà nổi lên. Bà lão vớt những quả bưởi lên một cách dễ dàng. Lũ trẻ thích thú vỗ tay, reo hò, phục Lương Thế Vinh là người thông minh.
Vậy Trí thông minh là gì?
Năm 1575, nhà vật lý học người Tây ban Nha, Juan Huarte định nghĩa, trí thông minh là tập hợp các khả năng: lĩnh hội kiến thức, phán xét đánh giá và sáng tạo.
"Từ điển sinh học" (nhiều tác giả, chủ biên Nguyễn Lương Ngọc, Lê Khả Kế - NXB Giáo dục, Hà Nội - 1971) định nghĩa: Thông minh: Sáng dạ, mau hiểu, mau nhớ, biết suy xét và tìm ra nhanh cái điều cốt yếu cơ bản"
Nhiều nhà sư phạm, nhà khoa học cho rằng, Thông minh là phẩm chất cao của năng lực tư duy để tìm ra được cách giải quyết vấn đề một cách mau lẹ và sáng tạo.
Trong thực tế đời sống, trí thông minh của con người biểu hiện ở chỗ nhanh chóng tìm được cách giải quyết những tình huống mới, về thực tiễn hoặ lý luận, bao hàm trong nhiệm vụ đặt ra cho mình.
Những tình huống mới này thực chất là những bài toán theo nghĩa tâm lý học. Nhanh chóng tàm ra đáp số duy nhất hoặc tìm ra giải pháp tối ưu cho các bài toán của cuộc đời là biểu hiện của trí thông minh.
Gia đình cần làm gì để bồi dưỡng trí thông minh cho trẻ?
Chúng ta đều biết, gia đình là một trong ba thành tố quan trọng tham gia giáo dục thế hệ trẻ (gia đình, nhà trường, xã hội). Vai trò của gia đình trong giáo dục thế hệ trẻ nói chung, trong việc bồi dưỡng trí thông minh nói riêng là vô cùng quan trọng. Bồi dưỡng và phát huy trí thông minh cho trẻ là một công việc thú vị, mang lại niềm vui cho người lớn và là nguồn động viên lớn lao với con trẻ.
Một vài gợi ý nhỏ để giúp trẻ phát huy tối đa trí thông minh:
1. Tạo tình huống
Người lớn cần tạo điều kiện, tình huống có vấn đề cho các em suy nghĩ, chủ động và sáng tạo trong việc giải quyết các tình huống đó. Từ việc trải nghiệm thực tiễn sẽ khơi gợi và dần dần hình thành thói quen tìm cách giải quyết tói ưu nhất cho mỗi vấn đề các em gặp phải trong cuộc sóng.
2. Tạo hứng thú
Trong học tập, lao động hay vui chơi, người lớn cần tạo cho con trẻ hứng thú. Hứng thú chính là niềm vui và chính hứng thú sẽ tạo niềm vui cho các em say mê, sáng tạo trong mọi hoạt động. Vì vậy, việc tạo hứng thú có tác dụng rất lớn trong việc phát triển trí lực.
Làm thế nào để tạo hứng thú?
Chúng ta đều biết, hứng thú thường bắt đầu hoặc liên quan đến nhu cầu vật chất (ăn, mặc, ở, đi lại, ...) hoặc nhu cầu tinh thần (nhận thức thế giới, cảm thụ cái đẹp, vui chơi, giải trí,...). Như vậy, muốn gây hứng thú phải gieo nhu cầu và tạo điều kiện để nhu cầu đó thành thường xuyên sẽ tạo được hứng thú bền vững.
3. Phát triển trí thông minh qua các trò chơi
Vui chơi là hoạt động chủ yếu của trẻ trước tuối đi học, là hình thức hoạt động tốt nhất để thúc đẩy sự phát triển tâm lý và trí tuệ của trẻ.
Trẻ em phát huy trí lực, phát triển trí thông minh qua các hoạt động học mà chơi, chơi mà học. Người lớn cần tổ chức và hướng dẫn và tham gia các trò chơi cùng các em để tăng cường hứng thú và tính hiệu quả của mỗi hoạt động.
Lộc Hà