Theo gia đình bệnh nhân, vào khoảng, 3 năm trước, anh A. là tiến sĩ kinh tế một trường đại học lớn ở Việt Nam. Anh có ngoại hình, học thức cao, vợ và hai con một trai và một gái, cuộc sống mơ ước của bao người. Sau đó, biến cố xảy ra khi anh bị mất việc, phá sản trong kinh doanh do bị bạn bè phản bội. Từ đó, anh A. trở nên sống khép kín, bỏ nhà vào Nam để sinh sống.
Thời gian đầu anh thường xuyên đi nhậu với bạn bè, đêm thì nằm xem mạng xã hội, làm bạn với điện thoại. Dần dần thành thói quen, anh tham gia nhiều nhóm mạng xã hội trên youtube, facebook,... dẫn tới thường xuyên sống trong thế giới ảo đến nỗi quên ăn, quên ngủ.
Bên cạnh đó, anh còn thường xuyên sa đà vào các nội dung phim đồi trụy, bệnh hoạn trên mạng. Sau một thời gian dài sự việc diễn ra khiến anh A. mụ mị hơn, sức khỏe tâm thần có phần rối loạn ảnh hưởng trực tiếp đến các hành vi. Anh thường cáu gắt, dễ nổi nóng, hoặc chửi tục,...thậm chí có lần vợ anh vào Nam tìm anh để nói chuyện còn bị anh A. dọa đánh.
Cho đến khi anh A. thường xuyên gặp ảo giác, bị co giật, mất ngủ, ... gia đình đã phát hiện và đưa anh vào khám tại một trung tâm tâm thần tại TP.HCM. Sau khi nghe kết luận của các bác sĩ, gia đình anh liền đưa anh trở ra Hà Nội để điều trị cho gần với mẹ và vợ tiện bề chăm sóc.
Theo kết luận của các bác sĩ, anh A. bị trầm cảm nặng thêm việc sử dụng điện thoại quá độ dẫn đến biểu hiện co giật phân ly ... Anh A. sẽ được điều trị cai nghiện điện thoại sau đó sẽ điều trị trầm cảm. Các bác sĩ giải thích, trường hợp của bệnh nhân A., nghiện điện thoại không phải là nguyên nhân chính dẫn đến trầm cảm, tuy nhiên, đây lại được coi như chất xúc tác. Việc anh A. sử dụng điện thoại nhiều khiến sức khỏe giảm sút, tinh thần mệt mỏi, đầu óc căng thẳng rồi lâu dần những nguy cơ này tích tụ lại cộng hưởng nhiều yếu tố sinh ra chứng trầm cảm.
Tương tự trường hợp anh A. hiện nay có nhiều trường hợp vì nghiện smartphone dẫn tới những hệ lụy đáng lo ngại.
Trước đó, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 từng tiếp nhận cháu Triệu Thu H. (SN 2001, trú tại quận 12, TP Hồ Chí Minh) trong tình trạng rối loạn tâm lý, không muốn giao tiếp với người khác.
Bác sỹ chẩn đoán cháu bé bị rối loạn tâm lý, sau khi nhập viện, cháu H. luôn cầm chiếc ĐTDĐ trên tay, ít nói dù người thân luôn động viên bên cạnh. Các bác sĩ cho biết, đó là dấu hiệu của người "nghiện" công nghệ cao (ĐTDĐ, game, mạng xã hội…). Ngay sau đó, bệnh viện đã cách ly nữ sinh này với chiếc ĐTDĐ và thực hiện các bước điều trị như sử dụng từ trường kích thích hoạt động của não bộ, nâng cao thể trạng, động viên, gần gũi...
Những dấu hiệu của hội chứng "nghiện" điện thoại thông minh
Các bác sĩ cảnh báo, từ các trường hợp nghiện điện thoại cho thấy, gia đình cần chú ý những biểu hiện bất thường của người thân để kịp thời can thiệp, điều trị, tránh hậu quả nặng nề đáng tiếc xảy ra.
Theo các bác sĩ, có thể nhận biết khi thấy người thân sử dụng ĐTDĐ liên tục, gần như 24/24. Đặc biệt, gia đình cần chú ý đến biểu hiện của người thân khi bị ngăn cấm họ tìm mọi cách để được sử dụng như: ra quán nét; sang nhà hàng xóm, tìm đến bạn bè để mượn ĐTDĐ để sử dụng kết nối internet...
Theo các bác sĩ, khi sử dụng quá nhiều mạng internet, mạng xã hội, game sẽ khiến họ có biểu hiện kém ăn, gầy sút, không ngủ được; thể lực giảm sút, thường thu rút bản thân, không muốn giao tiếp với ai, chỉ muốn sống trong phòng với thiết bị có kết nối ineternet,...
Các bác sĩ cũng cho biết, tâm trạng những người này thường rất hay căng thẳng, hằn học, bức xúc. Bên cạnh đó, bệnh nhân kèm theo tâm trạng lo âu, buồn chán, bi quan, thậm chí nhiều trường hợp suy nghĩ tiêu cực có thể tự tử...
Việc người dùng liên tục kiểm tra điện thoại, lo lắng, bất tiện khi thiếu điện thoại trên tay… là những dấu hiệu dễ nhận thấy nhất của hội chứng nghiện điện thoại. Tuy nhiên, đáng chú ý, chính những người mắc lại khó nhận ra và không tự kiểm soát được bản thân.