Nhận biết một số triệu chứng đột quỵ như yếu liệt nửa người cùng bên, méo miệng đột ngột, rối loạn ngôn ngữ hoặc bệnh nhân có thể nói đớ, nói không rõ chữ,..
Các chuyên gia y tế khuyên rằng, khi thấy có người có biểu hiện bị đột quỵ cần lập tức gọi cấp cứu, đưa người bệnh tới bệnh viện gần nhất. Dù chỉ là nghi ngờ đột quỵ, người bệnh cũng nên được đưa ngay vào bệnh viện để kiểm tra đầy đủ, càng sớm càng tốt.
Trong thời gian chờ hỗ trợ, cần theo dõi nếu có bất cứ dấu hiệu suy giảm ý thức nào, hoặc bệnh nhân có dấu hiệu nôn mửa, cần đặt bệnh nhân sang tư thế nằm nghiêng an toàn.
Tư thế nằm nghiêng an toàn (hay còn gọi là tư thế hồi sức cấp cứu) được các chuyên gia y tế đánh giá là tư thế nhằm bảo vệ đường thở của bệnh nhân và để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, chính là để bệnh nhân. Bởi nếu bệnh nhân nôn khi đang nằm nghiêng về một bên thì các chất nôn dễ dàng thoát ra ngoài, tránh sặc chất nôn vào đường hô hấp.
Trường hợp đối với người bệnh hôn mê, khi nằm ngửa, lưỡi sẽ bị tụt xuống họng, gây cản trở, bít tắc đường thở. Bởi nếu bệnh nhân nôn trong khi đang nằm ngửa và ý thức không hoàn toàn tỉnh táo, sẽ dễ dàng hít phải các chất nôn vào phổi, gây tắc đường thở hoặc suy hô hấp, rất nguy hiểm.
Trường hợp với bệnh nhân bất tỉnh hoặc lơ mơ nhưng còn thở bình thường, cũng nên đặt bệnh nhân ở tư thế nằm nghiêng an toàn hoặc nằm ngửa, nhưng cần theo dõi kỹ.
Đối với bệnh nhân còn tỉnh, cần hỗ trợ bệnh nhân nằm ở một tư thế thoải mái nhất và theo dõi phản ứng của bệnh nhân.
Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng đưa ra thêm những lưu ý, người nhà cần để ý tránh để người bệnh bị ngã gây chấn thương; nếu bị nôn, móc hết đờm nhớt cho bệnh nhân dễ thở.
Các bác sĩ cũng chỉ ra rằng, thực tế, nhiều người thường dễ bị nhầm lẫn các dấu hiệu của đột quỵ với hiện tượng trúng gió, nên xoa dầu nóng, cạo gió, cắt lể hoặc cúng bái… đây lại là những hành động có thể làm cho tình trạng bệnh trầm trọng thêm và nguy hiểm đến tính mạng. Đặc biệt, không để nằm chờ xem bệnh nhân có khỏe lại không.
Theo các bác sĩ, cần phải đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay bởi trong 3 giờ đầu thời gian là vàng nếu như chúng ta quyết định chậm chễ việc đưa đi bệnh viện đã vô tình làm mất đi thời gian vàng có thể chữa được cho bệnh nhân. Đối với các bệnh nhân bị tắc mạch máu não do thuyên tắc, nếu như chúng ta trì hoãn cứ 1 phút các tế bào não có thể chết đến 2 triệu tế bào và không thể phục hồi được.
Theo các bác sĩ, khi bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm thì khả năng chữa được càng cao, bệnh nhân đến càng trễ thì khả năng thành công càng thấp và nguy cơ tử vong càng cao.
Các bác sĩ cũng khuyên rằng, người dân nên kiểm tra sức khỏe định kỳ, tầm soát các nguy cơ và điều trị sớm các bệnh có nguy cơ gây đột quỵ não là cách phòng tránh tối ưu nhất. Đồng thời, bác sĩ cảnh báo, không nên dùng các thuốc trôi nổi trên thị trường được coi là chống hoặc chữa đột quỵ vì có thể mất cơ hội vàng của người bệnh và đôi khi gây nguy hiểm đến tính mạng.
Theo các chuyên gia y tế, đối với địa bàn miền núi, vùng sâu nếu không có điều kiện hãy di chuyển bệnh nhân bằng cáng, không nên đưa bệnh nhân đến bệnh viện bằng xe máy, tránh xóc khi di chuyển. Trong thời gian di chuyển nên để bệnh nhân trên mặt phẳng, nghiêng mặt sang một bên, nới bớt quần áo cho thoáng.
Các bác sĩ cũng khuyên người nhà, nếu bệnh viện gần nhà có đủ điều kiện chữa trị thì không nên chuyển đến viện xa, trừ khi có chỉ định của bác sĩ, vì càng di chuyển xa càng có thể làm bệnh nặng hơn. Đặc biệt, cần tránh không tự ý cho uống hoặc nhỏ thuốc hạ huyết áp hay bất kỳ loại thuốc nào khác.