Câu chuyện sửa, nâng điểm “làm đẹp” học bạ THPT, đặc biệt học bạ lớp 12, từ lâu đã râm ran trong dư luận, đặc biệt khi các trường ĐH mở rộng cửa xét tuyển thẳng, xét tuyển bằng học bạ.
Cách đây vài năm, một Sở GD&ĐT khu vực Tây Nguyên đã giáng chức một Giám đốc TTGDTX vì vị này đã chỉ đạo giáo viên của trung tâm ký khống điểm thi, giả mạo chữ ký, chữ viết của giáo viên chủ nhiệm để làm giả nhiều học bạ của học sinh khối 10 và 11.
Nghi ngờ điểm học bạ là “điểm thầy cô” cũng đã dấy lên mạnh mẽ sau một vài Kỳ thi THPT quốc gia có nhiều điểm liệt. Rồi, một số trường ĐH tốp trên trong quá trình xét tuyển thẳng học sinh giỏi đã cẩn thận kiểm tra sinh viên tương lai của mình, phát hiện kết quả thi THPT quốc gia của các em thấp hơn nhiều so với điểm trung bình học bạ…
Bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII đã có lần chia sẻ với báo chí việc nhiều cử tri phản ánh về tình trạng “thổi bảng điểm“ tại một số trường trên địa bàn Hà Nội. Nghi ngờ là thế, nhưng để “bắt tận tay, day tận trán” và ngăn chặn lại không dễ, bởi đây đều là những thỏa thuận ngầm giữa giáo viên, lãnh đạo trường học và phụ huynh.
Càng khó hơn, khi các trường tiếp nhận hồ sơ tuyển sinh khó có thể kiểm chứng xem học bạ của thí sinh là thực hay đã được “tân trang”.
Tuyển sinh bằng xét học bạ THPT của các trường ĐH là một phương thức tiến bộ, đó là thực tế không thể phủ nhận. Bản chất của việc tuyển sinh dựa vào kết quả học bạ giúp các thí sinh giảm tải trong việc thi cử, khuyến khích quá trình học sinh học tập, tránh tình trạng học tủ, học lệch. Đó cũng là cách tuyển sinh mà nhiều trường ĐH trên thế giới áp dụng.
Tuy nhiên, để phương thức tuyển sinh tiến bộ này phát huy tính ưu việt, song song với việc kiểm soát chất lượng đầu ra của các trường ĐH, việc đảm bảo điểm số học sinh tương ứng với trình độ, nhận thức của các em, đảm bảo tính nghiêm minh trong kiểm tra, đánh giá và lưu trữ học bạ ở bậc phổ thông là điều hết sức quan trọng và cần thiết.
Cơ chế tuyển sinh nào cũng có những mặt hạn chế và với việc xét tuyển bằng học bạ, cơ chế này cũng tạo ra kẽ hở, tiêu cực không nhỏ cho tệ nạn chạy “học bạ đẹp”.
Đáng chú ý, ngành Giáo dục đã chuyển hướng từ học bạ giấy sang học bạ điện tử, tuy nhiên vẫn còn những khoảng trống pháp lí trong ứng dụng chỉnh sửa điểm, phòng ngừa việc bắt tay giữa hiệu trưởng/giáo viên/quản trị viên để chỉnh sửa điểm học bạ…
Vì thế, hoàn thiện cơ chế pháp lí về kiểm tra, đánh giá, quản lí học bạ đi kèm với chế tài mạnh mẽ, đủ nghiêm để hạn chế vi phạm ở lĩnh vực này trong nhà trường phổ thông là việc cần làm ngay. Bởi, nói không với việc “làm đẹp học bạ” không chỉ là nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục, bảo đảm cho đổi mới giáo dục đi đúng lộ trình mà còn là cách để bảo vệ chính người học.
Hiệu trưởng một trường ĐH cho biết, bản thân ông và những nhà quản lí giáo dục ĐH mong muốn các trường phổ thông hãy đánh giá học sinh đúng trình độ nhận thức của các em. Bởi khi điểm số học bạ ở trường phổ thông không thuyết phục trường ĐH, các trường ĐH sẽ tự “cứu” mình bằng việc phát triển các kỳ thi riêng hoặc đẩy mạnh công tác xiết đầu ra, đảm bảo chất lượng.
Những dễ dãi, yêu thương hay bệnh thành tích, tiêu cực của một số thầy cô ở trường phổ thông có nguy cơ sẽ đẩy học sinh vào những bi kịch có tên gọi như bỏ học giữa chừng, không đủ điều kiện tốt nghiệp hay bị trường ĐH trả về (nếu phát hiện gian dối)… Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian, tiền bạc của người học, của gia đình và cả xã hội.