Làm cách nào giảm thiểu biến chứng sau đột quỵ?

GD&TĐ - Đột quỵ gây tử vong đứng hàng thứ ba, sau các bệnh ung thư và tim mạch. Loại bệnh này đứng hàng đầu trong các bệnh thần kinh để lại nhiều di chứng, gây nên tàn tật nặng nề dẫn đến tàn phế, đặc biệt về vận động.

Phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵ (BVCC).
Phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵ (BVCC).

Các biến chứng của bệnh đột quỵ

Bệnh đột quỵ có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Trong đó các dấu hiệu đột quỵ thường gặp đó là: Đột ngột tê dại; yếu hoặc liệt mặt, tay hoặc chân, thường ở một bên của cơ thể; Nói hoặc lĩnh hội khó khăn; Đột nhiên mờ, giảm hoặc mất thị lực một hoặc cả hai mắt; Chóng mặt, mất thăng bằng hoặc mất phối hợp động tác; Đột nhiên đau đầu nặng nề không giải thích được nguyên nhân.

Tại Khoa Y Dược Cổ truyền Vật lý trị liệu (YDCT-VLTL), Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ, 6 tháng gần đây có khoảng 13.766 lượt bệnh nhân (bệnh nhân Đột quỵ điều trị phục hồi chức năng chiếm 30%).

Số lượt bệnh tăng liên tục hàng quý, đồng thời mức độ trẻ hóa của mặt bệnh ngày càng tăng, chiếm tỉ lệ 40%. Sau khi điều trị tích cực bằng các phương pháp tại khoa, đa số bệnh nhân đều tiến triển tốt. Nhiều bệnh nhân có thể quay lại công việc cũ.

BS. Hà Thị Xuân - Khoa Y Dược cổ truyền - Vật lý trị liệu cho biết: Đột quỵ não gây nhiều khiếm khuyết: yếu hoặc liệt tay hoặc chân nửa người cùng bên, co cứng cơ, liệt mặt; Rối loạn lời nói giao tiếp như thất ngôn, không thể diễn đạt bằng lời nói, nói khó, không hiểu lời nói;

Rối loạn về nhận thức như mất khả năng định hướng, sự chú ý, trí nhớ, tư duy; Rối loạn cảm giác và các rối loạn về tâm lý, cảm xúc, trầm cảm…

Hậu quả là bệnh nhân trở thành tàn tật, không còn khả năng tự chăm sóc bản thân, là gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ.

Phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ.

Phục hồi chức năng sau đột quỵ não là tổng thể các phương pháp nhằm giảm thiểu các khiếm khuyết và các biến chứng, từ đó nâng cao khả năng độc lập, hòa nhập cộng đồng và nâng cao chất lương cuộc sống cho người bệnh.

Phục hồi chức năng sau đột quỵ được chia thành phục hồi chức năng: giai đoạn cấp, giai đoạn hồi phục và giai đoạn duy trì.

Phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵ

Theo BS. Hà Thị Xuân, việc phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵ nhằm giúp bệnh nhân tránh được tình trạng nằm tại giường quá lâu, gây teo cơ, cứng khớp hoặc viêm loét do tì đè. Giúp bệnh nhân có thể di chuyển từ nơi này sang nơi khác;

Giúp bệnh nhân thích nghi với bệnh và các di chứng, cũng như có khả năng tự thực hiện các động tác chức năng trong sinh hoạt hằng ngày: tắm rửa, mặc quần áo, ăn uống, vệ sinh cá nhân…Đồng thời bệnh nhân có thể tái hòa nhập xã hội, trở lại công việc cũ hay tìm được một nghề mới phù hợp.

Tất cả bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ cần được đánh giá bởi chuyên gia phục hồi chức năng, lý tưởng nhất trong vòng 48 giờ sau khi nhập viện. Theo tuyên ngôn của Tổ chức đột quỵ thế giới, phục hồi chức năng là quyền lợi của tất cả bệnh nhân đột quỵ, ngay cả đối với những bệnh nhân không cần thực hiện phục hồi chức năng.

Hoạt động đưa bệnh nhân ra khỏi giường diễn ra quá sớm (trong vòng 24 giờ sau khi khởi phát đột quỵ) không được khuyến cáo. Vận động sớm có thể phù hợp đối với một số bệnh nhân đột quỵ cấp nhưng cần đánh giá lâm sàng cẩn thận. Tất cả bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ cấp nên được bắt đầu vận động sớm (trong vòng 24 giờ đến 48 giờ sau khi đột quỵ khởi phát) nếu không có chống chỉ định.

Chống chỉ định vận động sớm: các bệnh nhân làm các thủ thuật can thiệp có đâm kim vào động mạch, tình trạng nội khoa không ổn định, tình trạng phù não đang nhiều, độ bão hòa oxy thấp, gãy hoặc chấn thương chi dưới.

Cũng theo BS Hà Thị Xuân, nguyên tắc tập luyện cần theo dõi huyết áp, uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ điều trị. Cần tập chậm rãi, điều chỉnh hơi thở nhịp nhàng trong lúc tập luyện, không tập quá sức. Tập một ngày hai lần: sáng và chiều. Khi mới tập luyện, việc giúp đỡ ân cần động viên của kĩ thuật viên và người nhà sẽ giúp bệnh nhân tự tin tập luyện nhằm đạt hiệu quả cao và an toàn hơn.

Các khiếm khuyết và thường tật thường gặp

- Các khiếm khuyết vận động: yếu hoặc liệt nửa người, có cứng, tăng cường trương lực, hiện tượng đồng động, rối loạn ngoại tháp..

- Các khiếm khuyết giao tiếp, lời nói: thất ngôn, loạn vận ngôn, không thể diễn đạt bằng lời nói, nói khó, không hiểu lời nói….

- Các khiếm khuyết về nhận thức như: mất khả năng định hướng, giảm sự chú ý, trí nhớ, tư duy….

- Các rối loạn cảm giác

- Khiếm khuyết về thị trường, thị giác, lãng quên không gian bên liệt….

- Các rối loạn về tâm lý, cảm xúc, trầm cảm…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ