Vấn đề gây ra tranh cãi về tác động của cạnh tranh đối với trẻ em khi tuổi còn rất nhỏ.
Các bài kiểm tra đầu vào đã trở thành tiêu chuẩn nếu học sinh Malaysia muốn đăng ký vào các trường tư thục hoặc phi chính phủ. Hiện nay, ngay cả trẻ mẫu giáo Malaysia trước khi nhập học cũng phải hoàn thành ít nhất một bài đánh giá do nhà trường yêu cầu.
Bà Azlin Norhaini Mansor, cựu Chủ tịch Trung tâm Chính sách Giáo dục và Lãnh đạo, Đại học Kebangsaan Malaysia (UKM), nhận định những kỳ vọng ngày nay đã tăng lên, ngay cả đối với trẻ em.
“Thời thế đang thay đổi. Nhu cầu và kỳ vọng về kiến thức, kỹ năng cũng tăng lên khi trẻ em chuẩn bị đi học cũng như nghề nghiệp tương lai. Sẽ là không công bằng với trẻ nếu người lớn không trang bị cho các em kỹ năng và kiến thức để đối mặt với thế giới của các em, một thế giới khác với ngày nay”, bà Azlin bày tỏ.
Hiện nay, giáo dục mầm non ở Malaysia phần lớn phụ thuộc vào các cơ sở tư nhân vì số lượng trường mẫu giáo công lập không đủ đáp ứng nhu cầu. Các bài kiểm tra và đánh giá ở bậc mầm non nhằm xác định trình độ của từng đứa trẻ và giúp các cơ sở giáo dục tư thục tuyển chọn học sinh, xây dựng chương trình giáo dục phù hợp.
Tuy nhiên, nhà tâm lý học trẻ em Suriati Sidek bày tỏ không tán thành với việc tổ chức các kỳ thi tuyển sinh dành cho trẻ dưới 6 tuổi.
Chuyên gia Suriati cho biết trẻ em có thể cảm thấy áp lực và lo lắng nếu bị cha mẹ trách phạt khi không đạt được kết quả như mong muốn. Từ đó, các em sẽ hình thành nhận thức tiêu cực về học tập và biến quá trình học tập trở nên khó khăn hơn.
Vị chuyên gia đến từ Đại học Hồi giáo Quốc tế Malaysia phân tích: “Các nghiên cứu cho thấy ở độ tuổi này, trẻ em khám phá, hiểu và biết về thế giới thông qua vui chơi. Chơi là một hoạt động tự nhiên và thường xuyên gắn liền với thời thơ ấu. Khi phụ huynh đăng ký cho con tham gia các kỳ thi hoặc đánh giá, họ đã gián tiếp bắt con học để đạt kết quả tốt”.
Đồng tình với quan điểm trên, nhà giáo dục Anuar Ahmad cho rằng không nên biến trường mầm non thành môi trường gia tăng gánh nặng và áp lực cho trẻ em. Thay vào đó, trường mầm non hay các cơ sở mẫu giáo nên xây dựng cho trẻ không gian để vui chơi và trau dồi các hoạt động trải nghiệm khác.
“Đây cũng là môi trường để trẻ giao lưu, kết nối với bạn bè. Nếu trường mầm non quá tập trung vào học thuật và các kỳ thi, điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực cho sự phát triển của trẻ”, ông Anuar nhận định.
Trong khi đó, chuyên gia Azlin lại cho rằng các cơ sở giáo dục mầm non nên cải thiện phương pháp giảng dạy để khiến việc học tập trở nên thú vị. Các nhà trường cũng cần tăng cường tuyển dụng nhân lực, chuẩn bị cơ sở hạ tầng, trang thiết bị nhằm xây dựng môi trường để trẻ vừa học vừa chơi.