Lái xe kinh doanh vận tải phải có chứng chỉ hành nghề - nhiều ý kiến trái chiều

GD&TĐ - Đề xuất người lái xe ô tô kinh doanh vận tải phải có chứng chỉ hành nghề trong Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Đề xuất có thêm chứng chỉ hành nghề mới đối với lái xe kinh doanh nguy cơ tăng thêm thủ tục hành chính, gây lãng phí.
Đề xuất có thêm chứng chỉ hành nghề mới đối với lái xe kinh doanh nguy cơ tăng thêm thủ tục hành chính, gây lãng phí.

Một số chuyên gia cho rằng, đề xuất này tạo giấy phép con, làm tăng thủ tục hành chính, gây lãng phí...

Gây lãng phí

Mới đây (24/10), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa đưa ra Quốc hội đề xuất người lái xe ô tô kinh doanh vận tải phải có chứng chỉ hành nghề trong Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Theo đó, dự thảo luật quy định: “Người có giấy phép lái xe (GPLX) ô tô muốn hành nghề lái xe ô tô kinh doanh vận tải phải được đào tạo nghiệp vụ vận tải và được cấp Chứng chỉ hành nghề lái xe ô tô kinh doanh vận tải”.

Cũng theo dự thảo, Bộ trưởng Bộ GTVT quy định chương trình khung đào tạo nghiệp vụ vận tải. Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề lái xe ô tô kinh doanh vận tải.

Trước đó, nhiệm vụ quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX được chuyển từ Bộ GTVT sang Bộ Công an. Sau chuyển giao, Bộ GTV đã bổ sung thêm quy định về chứng chỉ hành nghề bên cạnh GPLX.

Nội dung về quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX được tách khỏi Luật Giao thông đường bộ để đưa sang Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì, cũng trình Quốc hội tại kỳ họp này.

Về chính sách mới này, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng An ninh cho hay, nhiều ý kiến nhất trí. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định này vì cho rằng, việc quy định phải có chứng chỉ hành nghề lái xe ô tô kinh doanh vận tải là “làm phát sinh một loại giấy phép”.

Ông Nguyễn Hữu Hoan - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hoàng Hà cho biết, đơn vị có hàng trăm lái xe dịch vụ, việc thay đổi theo dự thảo sẽ tăng chồng chéo thủ tục, gây lãng phí.

“Lái xe đã có GPLX được đào tạo bài bản theo các hạng B1, B2, D, E… để lái từng loại xe. Bởi vậy, lái xe đã có GPLX rồi thì sẽ được lái xe loại tương đương và không cần thiết phải cấp thêm chứng chỉ hành nghề lái xe dịch vụ, kinh doanh…”, ông Hoan bày tỏ.

Tăng thủ tục hành chính

Liên quan đến đề xuất trên, chia sẻ với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, tại điểm b Khoản 2 Điều 61 của dự thảo Luật Giao thông đường bộ “người lái xe kinh doanh vận tải phải được đào tạo về kỹ thuật phương tiện, nghiệp vụ vận tải và được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định”. 

Theo ông Quyền, quy định như hiện hành là phù hợp, không cần thay đổi. “Luật Giao thông đường bộ hiện hành thì các nội dung yêu cầu đối với người lái xe như đề xuất đã được đào tạo trong chương trình từ hạng B2 trở lên (thông thường gọi là lái xe chuyên nghiệp).

Đào tạo lái xe cũng thực hiện theo quy định của Luật Dạy nghề. Khi học xong chương trình, người học phải qua kỳ thi cấp chứng chỉ nghề, có chứng chỉ nghề mới được dự sát hạch để cấp giấy phép lái xe…”, ông Quyền nói. 

ThS luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) không đồng tình với đề xuất. Ông Cường cho rằng không thể gia tăng thêm thủ tục hành chính, “giấy phép con”.

Chính phủ chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính trong giai đoạn hiện nay. Bộ GTVT bổ sung quy định về cấp chứng chỉ hành nghề bên cạnh GPLX thì tức là đang gia tăng thêm thủ tục hành chính.

“Rõ ràng là không phù hợp với chủ trương của Đảng và Chính phủ về cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Mặt khác hiện nay, khi quy định về việc cấp GPLX các hạng A, B, C, D... thì đã có các quy định về các điều kiện nhất định đối với người dân về độ tuổi, sức khỏe, giấy phép… Như vậy, nếu bổ sung thêm quy định về chứng chỉ hành nghề là không cần thiết và có thể chồng chéo với các điều kiện để cấp GPLX đã có…”, luật sư Cường nói.

Đồng thời luật sư Cường cho biết, tăng thêm một thủ tục hành chính thì cần tăng thêm chi phí quản lý hành chính. Nó khiến cho bộ máy quản lý hành chính cồng kềnh, gây khó khăn, phức tạp cho người dân và có thể gây lãng phí Nhà nước. 

“Quan điểm cá nhân của tôi cho rằng không cần thiết phải bổ sung chứng chỉ hành nghề đối với lái xe. Vì quy định hiện hành đã đủ để quản lý đối với các đối tượng này...”, Luật sư Cường nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ