Không lâu sau khi người dân lũ lượt đưa con cháu xuống hai viện lớn ở Hà Nội xét nghiệm, tỉnh Bắc Ninh thông tin rằng đã vào cuộc tích cực bằng những hành động như tổ chức các cuộc họp khẩn để chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan; làm việc với lãnh đạo các cơ sở y tế; thăm hỏi, động viên người dân đưa con đi xét nghiệm; hỗ trợ kinh phí; đình chỉ lãnh đạo và cán bộ liên quan ở Trường Mầm non Thanh Khương; trấn an dư luận và thậm chí “mạnh tay” với những người loan tin không chính xác trên mạng xã hội…
Công ty cung cấp thực phẩm cũng được xác định là có đủ chứng nhận; các đối tác của công ty cũng sạch không kém. Thậm chí, những mẫu thịt gà dùng chế biến thức ăn cho trẻ bị tố cáo là bốc mùi khó chịu cũng được cơ quan chức năng của Bắc Ninh xác nhận là bảo đảm an toàn.
Vụ việc liên quan đến sức khỏe của hàng trăm cháu bé nên cơ quan quản lý Nhà nước về y tế cũng đã lên tiếng trấn an dư luận rằng việc chữa trị căn bệnh này không quá phức tạp, tỉ lệ nhiễm không cao đột biến và việc xét nghiệm máu cũng chưa nói lên điều gì.
Hàng loạt động thái trên khiến người ta nghĩ có vẻ như Bắc Ninh đã xử lý tốt cuộc khủng hoảng mang tên “sán lợn”. Thế nhưng, ngay tại cuộc họp báo – do Bắc Ninh tổ chức - đại diện của Bộ Y tế, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm khẳng định Bắc Ninh làm chưa tốt, đặc biệt là việc cung cấp thông tin.
Hiện tượng thịt lợn có hạch trắng được các cô nuôi ở Trường Mầm non Thanh Khương phát hiện từ giữa tháng 2 và lan rộng. Người dân cần một câu trả lời thấu đáo nhưng cả bộ máy cơ sở vẫn lặng thinh. Cực chẳng đã người dân mới phải ồ ạt đưa con cháu xuống Hà Nội xét nghiệm. Hành động có phần bộc phát này của người dân diễn ra đúng 1 tháng sau phát hiện về thịt bẩn ở Trường Thanh Khương.
Chừng ấy thời gian, nếu nhà trường, mạng lưới y tế cơ sở, cán bộ và chính quyền địa phương vào cuộc, cung cấp thông tin và giải thích rõ ràng thì liệu hai bệnh viện hàng đầu cả nước về kí sinh trùng có rơi vào quá tải? Người dân cả huyện Thuận Thành đâu phải lâm vào cảnh lo lắng và hối hả đến thế? Bởi cách đây chưa lâu, ổ dịch sán lợn cũng được phát hiện tại tỉnh biên giới Bình Phước. Dù điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng vụ việc được xử lý nhanh gọn và nếu không có chuyện tương tự ở Bắc Ninh chắc hẳn sẽ rất ít người biết đến.
Trong khi chờ câu trả lời của cơ quan chức năng về nguồn gốc thịt bẩn trong bếp ăn trường học; trẻ mầm non nhiễm sán từ đâu; công ty cung cấp thực phẩm có “sạch” hay các trường ở Thuận Thành có chịu áp lực gì trong việc đồng ý cho doanh nghiệp này cung cấp thực phẩm hay không… vẫn chưa thấy vai trò của chính quyền huyện Thuận Thành. Hay vì lâu nay, hiếm có vị lãnh đạo địa phương nào bị xử lý kỉ luật hoặc nhận trách nhiệm khi có sự cố về an toàn thực phẩm nên họ cứ lờ đi theo kiểu: Cứ xử lý nghiêm người liên đới ở cơ sở rồi sẽ rút kinh nghiệm?