“Món quà ngày Độc lập”
Theo Truyền hình Trung ương Triều Tiên, tên lửa được Triều Tiên thử nghiệm sáng sớm ngày thứ Ba vừa qua đã đạt độ cao 2.802km, sau đó rơi xuống vùng biển Nhật Bản cách điểm phóng 930 km. Đây là độ cao lớn nhất mà các tên lửa của Bình Nhưỡng đạt được. Các quan chức Mỹ cũng cho biết theo các phân tích đã thực hiện, tên lửa này đã trải qua một sự tăng cường hoạt động mạnh mẽ ở giai đoạn thứ hai và có 30 giây chuẩn bị cho chuyến bay bổ sung.
Truyền thông Triều Tiên khẳng định đây là một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, hay còn gọi là ICBM. Các nhà phân tích cho biết, nếu tên lửa này được phóng theo quỹ đạo tiêu chuẩn, nó hoàn toàn có thể tiếp cận Alaska. Điều này khiến cho Mỹ thật sự lo ngại rằng Bình Nhưỡng hoàn toàn có thể tấn công vào nước Mỹ.
Các nhà phân tích của quân đội Mỹ cũng tin rằng đó là một tên lửa ICBM hai giai đoạn. Dường như Triều Tiên đã chuẩn bị thời điểm thử tên lửa để có hiệu quả chính trị tối đa, khi đưa ra lệnh phóng vào đêm trước ngày 4/7, chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thảo luận với các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Trung Quốc về tình hình Bình Nhưỡng, cũng là thời điểm trước Hội nghị G20 diễn ra trong tuần này.
Theo Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un gọi đó là “quà tặng ngày Độc lập” dành cho nước Mỹ, thậm chí còn thêm: “Chúng tôi nên tặng những món quà lớn và nhỏ thường xuyên hơn nữa”.
Nhiều nhà bình luận lo ngại rằng Triều Tiên có thể phát triển công nghệ đến mức chế tạo thành công một đầu đạn hạt nhân nhỏ phù hợp với tên lửa tầm xa. Thậm chí một vài nhà phân tích cho rằng, rất có thể nước này đã thực hiện được điều này.
“Hòn bấc quăng đi, hòn chì quăng lại”
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson lên án mạnh mẽ vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Bắc Triều Tiên và gọi đó là “một bước leo thang mới của mối đe dọa đối với Mỹ, các đồng minh và đối tác của Mỹ, cũng như đối với khu vực và thế giới”.
“Cần phải có hành động toàn cầu để chấm dứt mối nguy toàn cầu này” - ông Rex Tillerson nói - “Bất kỳ đất nước nào sử dụng người lao động Bắc Triều Tiên, cung cấp lợi ích kinh tế hay quân sự, hoặc không thực hiện đầy đủ các giải pháp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, đều có nghĩa là đang giúp đỡ và thúc đẩy một chế độ nguy hiểm”.
Ông Tillerson cũng kêu gọi tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và tuyên bố Mỹ sẽ “không bao giờ chấp nhận một nước Triều Tiên được trang bị vũ khí hạt nhân”.
Mỹ và Hàn Quốc cũng tuyên bố đã tiến hành một cuộc tập trận chung để phản ứng với hành động của Triều Tiên. Theo một thông cáo của Hàn Quốc, cuộc diễn tập này, “được dự định như một cảnh báo mạnh mẽ chống lại sự khiêu khích của Triều Tiên”, diễn ra dọc bờ biển phía Đông Hàn Quốc và có thể “nhằm vào mục tiêu chính xác của đối phương trong trường hợp khẩn cấp”. Cuộc tập trận là tín hiệu rõ ràng từ Lầu Năm Góc và Hàn Quốc về việc họ không hề có ý định ngừng các cuộc tập trận chung để đổi lấy việc Triều Tiên ngừng thử tên lửa, như Trung Quốc và Nga từng đề xuất.
Các quan chức cao cấp an ninh, quân sự và ngoại giao của Mỹ đã tập trung trong các cuộc họp khẩn cấp vào đúng ngày 4/7 để thảo luận về những giải pháp cần thiết. Những quyết định cuối cùng chưa được đưa ra, tuy nhiên các nhà quan sát dự đoán có thể có các biện pháp như gửi thêm quân đội, máy bay và tàu tới khu vực bán đảo Triều Tiên.
Các biện pháp ngoại giao, bao gồm cả biện pháp trừng phạt, cũng đang được xem xét. Rất có thể Lầu Năm Góc sẽ tuyên bố tình trạng sẵn sàng của các biện pháp phòng thủ trên tàu hải quân ở phía Tây Thái Bình Dương, tên lửa đất liền ở Alaska, cũng như hệ thống tên lửa phòng thủ ở Nhật Bản và Hàn Quốc.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley cũng kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an về vấn đề này.