Lại nóng câu chuyện hơn 10.000 căn hộ tái định cư 'bỏ hoang' ở TPHCM

GD&TĐ - TPHCM cần khoảng 50.000 căn hộ mỗi năm để đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, nhưng hiện có hơn 10.000 căn hộ tái định cư lại bị "bỏ hoang" lãng phí.

Khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh). (Ảnh: Quốc Hải)
Khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh). (Ảnh: Quốc Hải)

Ông Nguyễn Minh Trí (64 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) cho hay, ước mơ của gia đình 3 thế hệ (6 người) của ông là có được căn nhà ở xã hội nhưng sau khi tìm hiểu các thủ tục mua thì gia đình ông không đáp ứng được yêu cầu.

"Mấy hôm nay đọc trên báo thấy ở TPHCM còn hơn 10.000 căn hộ tái định cư bỏ hoang, lãng phí quá. Người dân không có nhà ở thì nhiều, mà căn hộ tái định cư bỏ hoang gây lãng phí ngân sách cũng nhiều, sao không tạo điều kiện cho người chưa có nhà ở mua các căn hộ này", ông Trí thắc mắc.

Hơn 10.000 căn hộ bỏ hoang, lãng phí

Thực tế, theo tìm hiểu của PV Báo Giáo dục và Thời đại, tại TPHCM hiện có hơn 10.000 căn nhà tái định cư nằm rải rác khắp nơi trên địa bàn TP nhưng hầu hết đang bị bỏ hoang.

Trong đó, tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) hiện đang có hơn 9.400 căn hộ và hơn 2.250 nền đất; chung cư Tân Mỹ (quận 7) có 220 căn hộ; chung cư Tân Thới Nhất (quận 12) có 322 căn hộ; chung cư 90 Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) có 260 căn hộ; chung cư Linh Trung (TP Thủ Đức) có 237 căn hộ; chung cư An Lạc An (quận Bình Tân) có 95 căn hộ; chung cư Phú Thọ (quận 10) có 274 căn hộ; căn hộ khu vực P.12 (quận Bình Thạnh) có 212 căn hộ... Riêng tại dự án Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) cũng có tới 1.454 căn hộ bỏ hoang.

Cảnh hoang tàn bên trong khu tái định cư Vĩnh Lộc B (xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh). (Ảnh: Quốc Hải)

Cảnh hoang tàn bên trong khu tái định cư Vĩnh Lộc B (xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh). (Ảnh: Quốc Hải)

Đáng nói, những căn hộ này bỏ hoang nhiều năm nên đã xuống cấp và gây lãng phí nghiêm trọng. Chưa kể, chi phí để duy tu, bảo dưỡng mỗi năm TP phải chi ngân sách khoảng 70 tỷ đồng.

Nhiều năm qua, TPHCM đã nhiều lần tổ chức các đợt đấu giá số căn hộ tái định cư trên nhưng đều bất thành. Nguyên nhân là mức giá đưa ra quá cao, doanh nghiệp để mua được phải chuẩn bị một nguồn tiền mặt khá lớn. Trong khi đó, về mặt chất lượng, thiết kế, kiến trúc... của những căn hộ này có phần lạc hậu so với mặt bằng chung hiện nay nên càng khó đấu giá.

Bà Giang Huỳnh, Phó Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và S22M Savills cho rằng, để có thể đáp ứng được nhu cầu nhà ở của người dân, TPHCM cần có khoảng 50.000 căn hộ để đáp ứng nhu cầu nhà ở thực và 60-70% tổng nguồn cung đó đến từ phân khúc nhà ở bình dân.

Tuy nhiên, chuyên gia này nhận định, nhìn về nguồn cung tương lai của TPHCM thì không thể đáp ứng được mức cầu này.

Chuyển nhà tái định cư thành nhà ở xã hội có được không?

Trong bối cảnh người dân thiếu nhà ở rất nhiều nhưng có tới hơn 10.000 căn hộ tái định cư bị bỏ hoang gây lãng phí, nhiều ý kiến đã đề xuất việc chuyển đổi những căn hộ tái định cư này thành nhà ở xã hội (NƠXH) để giải quyết nhu cầu chỗ ở cho người dân chưa có nhà.

Tuy nhiên, theo lý giải của Sở Xây dựng TPHCM, việc này là rất khó, bởi theo điểm c khoản 1, điều 84 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Nhà ở chỉ quy định chuyển đổi nhà ở thương mại, nhà tái định cư thành NƠXH trong giai đoạn triển khai dự án. Đến khi các công trình này đã xây xong, thì lại không có quy định nào cho phép chuyển đổi.

Để đáp ứng nhu cầu rất cao về nhà ở cho người dân, theo đề án phát triển ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội (NƠXH) của Chính phủ, TPHCM là địa phương nằm trong nhóm được giao chỉ tiêu cao nhất.

Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ giao TPHCM phát triển 26.200 NƠXH. Để hoàn thành kế hoạch này, TP đặt tham vọng xây dựng được 35.000 căn (bao gồm cả nhà lưu trú công nhân) với 37 dự án. Nhưng đến nay, mới chỉ có 7 dự án đã động thổ, 30 dự án còn đang thực hiện các thủ tục pháp lý.

Tuy nhiên, trong số 30 dự án này, có 13 dự án với khoảng 12.000 căn NƠXH có thể đẩy hết cỡ về thủ tục để hoàn thành, đưa vào sử dụng. Số dự án còn lại rất khó về đích đúng kế hoạch.

Ngoài ra, chủ đầu tư các dự án nhà tái định cư đã nộp tiền thuê đất, nhưng nếu là NƠXH sẽ không phải nộp số tiền này (miễn thuế). Song, các quy định pháp luật hiện hành lại không quy định cụ thể về việc hoàn trả số tiền này như thế nào.

Dù vậy, theo ông Trần Khánh Quang, chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, thì cho rằng, thay vì TP cứ "ôm" số căn hộ này và mỗi năm phải bỏ hàng chục tỷ đồng ra duy tu, bảo dưỡng, trả lãi vay... thì có thể đem chuyển sang làm NƠXH.

"Việc này vừa giúp TP bán NƠXH thu được tiền về, tránh lãng phí, vừa đáp ứng được nhu cầu nhà ở của người dân, hoàn thành được các mục tiêu về phát triển nhà ở", ông Quang nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Lê Hữu Nghĩa, CEO Công ty Lê Thành nhận xét, việc chuyển các căn hộ tái định cư "bỏ hoang" sang nhà ở xã hội là lối ra cho TPHCM sau nhiều năm đấu giá bất thành các căn hộ tái định cư.

"TPHCM đã có Nghị quyết số 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.

Điều này đồng nghĩa với việc cho TP cơ chế tự quyết nhiều vấn đề, trong đó có việc có thể TP được quyền chuyển số nhà tái định cư ế ẩm kia sang NƠXH. Quan trọng là lãnh đạo TP có dám nghĩ, dám làm hay không mà thôi", ông Nghĩa nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.