Lại nạn rải đinh

GD&TĐ - Trên mạng xã hội đang lan truyền clip cảnh một thanh niên ở TP Thủ Đức (TPHCM) đi xe máy, đèo theo một dụng cụ tự chế để hút đinh trên đường.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Nhìn số đinh hút được của anh thanh niên này mà… ghê cả răng! Đinh đủ kích cỡ, đủ hình dạng cứ “giương mắt” lên như chực chờ găm vào lốp xe của các loại phương tiện giao thông trên đường.

Thử hình dung, nếu một người đi xe máy chạy với tốc độ 50 km/h mà dính phải một trong những miểng đinh này thì tình huống tiếp theo sẽ là nổ bánh xe, hoặc xì hơi rất nhanh, tay lái lạng quạng rồi ngã vật ra đường.

Đúng lúc ấy, có chiếc ô tô chạy phía sau với tốc độ nhanh, tài xế không kịp phản xạ trước tình huống bất ngờ của người đi xe máy, hoặc là anh ta cán lên người, hoặc đánh tay lái để tránh thì gặp một xe khác chạy ngược chiều…

Những chiếc xe máy nào dính phải đinh mà rơi vào trường hợp trên đây, sẽ khó tránh khỏi một tai nạn, nhẹ thì gãy chân tay, nặng thì chết. Cũng đã xảy ra nhiều trường hợp dẫn đến cái chết thương tâm từ đám “đinh tặc” này.

Lực lượng công an, chính quyền địa phương và các đoàn thể cũng đã vào cuộc để xóa sổ đám rải đinh này bằng các biện pháp như: Yêu cầu các chủ tiệm sửa xe gắn máy trên các tuyến đường mà đám rải đinh thường xuyên hoạt động ký cam kết không rải đinh ra đường, giao cho các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra xử lý “đinh tặc”, lập các đội thanh niên xung kích chế tạo các loại máy kéo ở sau xe gắn máy để hút đinh trên các tuyến đường như xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 1A, đường Bình Dương…

Tuy nhiên, hễ địa phương nào làm gắt thì đám đinh tặc lại chuyển sang địa bàn khác hoặc “ém quân” chờ thời. Nếu tình hình có vẻ im ắng, các ngành chức năng “quên” chuyện rải đinh thì chúng hoạt động trở lại với những hình thức tinh vi hơn. Clip hút đinh của một thanh niên ở Thủ Đức đang lan truyền trên mạng là một ví dụ.

Rải đinh trên đường để các loại xe cán phải sẽ bị hỏng lốp rồi các tiệm sửa xe gần đó thay lốp với giá cắt cổ là nguyên nhân tồn tại và lặp đi lặp lại từ nhiều năm nay nhưng ngoài việc phát động phong trào quần chúng tố giác tội phạm, lập tổ “rà đinh” trên các tuyến đường thì ngành chức năng gần như bất lực.

Vì sao một hành vi bị cả xã hội lên án như vậy mà vẫn tồn tại? Câu trả lời là, chúng ta chưa có biện pháp mạnh, nói rõ ra là điều luật dành cho đám “đinh tặc” này quá nhẹ khiến chúng “nhờn thuốc”.

Một số “đinh tặc” đã bị lực lượng công an bắt quả tang nhưng chỉ có thể phạt vi phạm hành chính từ 5 - 7 triệu đồng chứ không thể đưa ra truy tố bởi theo luật, muốn truy tố thì buộc phải có bị hại đứng ra làm chứng. Điều này là không thể bởi bị hại khó có thể chứng minh được thứ đinh mà xe của mình cán phải là do chính “đinh tặc” đã bị bắt, rải ra đường!

Chính vì vậy, cần có một hình phạt thật nghiêm khắc với những kẻ rải đinh làm hại người khác này. Tội rải đinh trên đường để bẫy người đi xe máy cần phải được xem là tội cố ý giết người thì mới xứng! Chỉ có hình phạt nghiêm khắc thì mới mong xóa sạch nạn rải đinh, trả lại sự an toàn cho người tham gia giao thông mà thôi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.