Năm nay, toàn ngành thực hiện Chương trình sách giáo khoa mới từ lớp 1, đẩy mạnh dạy học 2 buổi/ngày, câu chuyện trên càng trở nên nóng, đặc biệt ở các đô thị có lượng dân nhập cư tăng nhanh.
Mới đây, thông tin tại Quận 12 (TPHCM) có trên một nghìn học sinh nhập cư đứng trước nguy cơ không có chỗ học ở trường công ngay trước thềm khai giảng gây bức xúc trong dư luận. Lãnh đạo quận này cho biết “hết sức đau đầu” vì… nếu nhận hết trẻ không đủ thời hạn KT3 (sổ tạm trú), thì chỉ có thể học 6 buổi/tuần, trong khi đó thực hiện Chương trình sách giáo khoa mới, cần dạy 2 buổi/ngày. Sĩ số học mỗi lớp ở các trường thuộc quận dù đã đẩy lên mức tối đa 50 em/lớp cũng khó xoay nổi trước áp lực tăng học sinh. Trước thực tế này, bằng nhiều biện pháp như giảm tỷ lệ học 2 buổi/ngày, tăng sĩ số/lớp…, lãnh đạo chính quyền và ngành GD-ĐT TPHCM đã vào cuộc tháo gỡ. Tất cả học sinh đúng độ tuổi trên địa bàn sẽ được địa phương bố trí vào lớp 1.
Việc TPHCM kịp thời chỉ đạo, xử lý để bảo đảm chỗ học cho trẻ quận 12 mới đây và học sinh nhập cư trong thời gian qua rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những giải pháp tình thế, chưa có tính bền vững. Thực tế cho thấy ở TPHCM cũng như một số địa phương có tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, việc tăng dân số cơ học từ lực lượng lao động nhập cư đã và đang đặt ra những bài toán hóc búa trong vấn đề an sinh, xã hội, trong đó có giáo dục. Mặc dù tốc độ xây dựng trường lớp ở các địa phương gia tăng trong thời gian qua nhưng vẫn không theo kịp tốc độ tăng học sinh. Chỉ tính riêng quận Bình Tân, TPHCM, từ năm 2016 - 2020 đã xây dựng và đưa vào sử dụng 526 phòng học mới nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Năm học này, dù quận xây thêm 1 trường tiểu học nhưng lại phát sinh thêm hơn 2.700 học sinh cấp học này.
Ông Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết: Toàn thành phố có 6 quận/huyện không đủ cơ sở vật chất dạy học Chương trình giáo dục phổ thông mới (Quận 12, Gò Vấp, Thủ Đức, Bình Tân, Tân Phú, Bình Chánh).
Phát triển quỹ đất cho giáo dục, xây thêm trường lớp, có biện pháp nâng tầng… vẫn được xem là giải pháp quan trọng, cần ưu tiên hàng đầu với các thành phố lớn. Phương án phát triển hệ thống trường ngoài công lập song hành với việc xây dựng chính sách hỗ trợ học phí cho trẻ tiểu học tư thục có hoàn cảnh khó khăn như TPHCM đang nghiên cứu cũng là một hướng đi tốt. Bởi dân nhập cư đông tạo áp lực về trường lớp nhưng đây cũng là lực lượng quan trọng đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố.
Giải bài toán trường lớp và phát triển bền vững ở các đô thị lớn, cũng cần xem xét, đánh giá, rà soát lại việc đầu tư trên suất học sinh, quy họach xây dựng mạng lưới trường lớp ở khu vực nông thôn hiện nay cho sát tình hình. Thực tế cho thấy, trái với việc quá tải trường lớp ở đô thị, hiện tượng di dân mạnh trong thời gian qua đã và đang tạo ra những miền quê vắng bóng người trẻ, không ít trường học quá ít học sinh. Bất cập lớn này rất cần được xem xét ở cấp vĩ mô, có sự vào cuộc của các ban ngành chức năng, cùng tháo gỡ khó khăn cho ngành Giáo dục.