Lại câu chuyện giá xăng dầu: Minh bạch là thế đấy!

Lại câu chuyện giá xăng dầu: Minh bạch là thế đấy!

(GD&TĐ) - Cách đây gần 2 tuần, cũng tại chuyên mục này, chúng tôi đã có bài viết “Tiêu chuẩn minh bạch riêng của “ông” xăng dầu?”; xung quanh phát ngôn của Chủ tịch Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Bùi Ngọc Bảo, với khẳng định về sự minh bạch của giá bán lẻ xăng dầu trong nước, cũng như tiêu chí vận hành theo cơ chế thị trường. Khi đó, giá giao hàng trên thế giới vẫn ở mức cao, các doanh nghiệp mà đại diện là Petrolimex (vốn chiếm trên 60% thị phần) có lý của mình khi đưa ra đề xuất điều chỉnh tăng giá bán. Tuy nhiên, từ đó tới nay, giá thế giới liên tục hạ, còn trong nước vẫn “bình chân như vại”, từ doanh nghiệp cho tới các cơ quan quản lý.

Trở lại thời điểm cách đây khoảng 1 tháng, trong họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 2/2013, trước thông tin các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu đang đề xuất tăng giá bán lẻ trong nước, đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính cho báo giới biết Bộ đã nhận được một số phương án đề xuất để điều chỉnh giá. Theo đó, phương án có tính đến giảm thuế nhập khẩu, cho phép doanh nghiệp sử dụng quỹ bình ổn và cả tăng giá xăng dầu. Sau khi cân nhắc, Bộ Tài chính đã quyết định sử dụng Quỹ Bình ổn để kìm giá (thực hiện từ ngày 26/2). Đó là lần thứ ba chỉ trong 2 tháng đầu năm các doanh nghiệp đề xuất điều chỉnh tăng giá bán lẻ với lý do giá thế giới không ngừng tăng cao, các doanh nghiệp đang lỗ; cũng là lần thứ ba chỉ trong 2 tháng đầu năm, Bộ Tài chính từ chối với quan điểm cần phải bình ổn giá cả trong nước. 

Ở thời điểm đó, theo công bố của Bộ Công Thương, giá cơ sở xăng Mogas 92 cao hơn 985 đồng/lít so với giá bán lẻ 23.150 đồng/lít (đã bao gồm 1.000 đồng trích từ quỹ bình ổn). Đến nay, quyết định trích Quỹ Bình ổn cho doanh nghiệp xăng dầu vẫn được Bộ Tài chính giữ nguyên; sau 3 lần xả Quỹ Bình ổn với mức trích 2.000 đồng/ lít xăng, 800 đồng/lít dầu DO và 1.150 đồng/lít dầu hỏa. Thông báo mới nhất của Bộ Tài chính cho thấy, với mức trích này, Quỹ Bình ổn đang vơi đi từng ngày.

Sẽ không có gì đáng nói nếu giá giao hàng thế giới vẫn ở mức cao như thời điểm cách đây 1 tháng. Nếu vậy, chắc chắn phải dừng việc trích Quỹ Bình ổn, điều chỉnh tăng giá bán lẻ trong nước là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, so với cuối tháng 2, giá xăng dầu thành phẩm thế giới, đặc biệt là giá xăng dầu thành phẩm từ Singapore - thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam – đã liên tục giảm mạnh, hiện thấp hơn 5 – 7% so với gần 1 tháng trước. Cụ thể giá xăng A92 - mặt hàng xăng thành phẩm phổ biến nhất trong nước - hiện xoay quanh mức 120 USD/thùng, giảm 12-14 USD/thùng so với cuối tháng 2. Giá cơ sở của mặt hàng xăng dầu hiện chỉ còn chênh lệch so với giá bán lẻ chỉ 1.000 đồng/lít. Trong khi đó, hiện mức trích Quỹ Bình ổn lên tới 2.000 đồng/lít. Như vậy doanh nghiệp xăng dầu còn lãi gần 1.000 đồng/lít xăng A2 trong suốt 30 ngày qua.

Lỗ lãi của doanh nghiệp đầu mối đã rõ ràng. Lỗ nửa đồng, khối này - với sự dẫn đầu của Petrolimex – đã lập tức đề xuất điều chỉnh tăng giá bán lẻ. Có lãi thì lặng im hoặc giải thích chưa đủ để bù cho khoản lỗ trước đó mà doanh nghiệp phải gánh chịu. Quỹ Bình ổn giá là quỹ do người dân đóng góp, dùng để dự phòng cho những trường hợp bất khả kháng, buộc phải sử dụng để tránh làm tác động xấu tới nền kinh tế một khi giá xăng dầu – mạch máu của mọi nền kinh tế - tăng. Nay doanh nghiệp đã có lãi, mà lãi bằng chính số tiền của dân góp vốn dĩ chỉ được dùng trong tình huống xấu. 

Ở đây, trách riêng doanh nghiệp cũng không đúng. Đã kinh doanh thì người ta chỉ mong lãi, bằng mọi giá để có lãi. Cái đáng trách là ở cơ quan quản lý. Liệu đó chỉ là do sự trì trệ cố hữu của bộ máy hành chính hay còn do điều gì khác nữa? Câu hỏi đó, người dân đang chờ đợi các cơ quan chức năng trả lời, ít nhất là để minh chứng cho luận đề “giá cả xăng dầu là minh bạch nhất trong tất cả các loại hàng hiện nay” mà Chủ tịch Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Bùi Ngọc Bảo đã khẳng định với báo giới cách đây 2 tuần.

Nhất Nguyên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ