1.“Chợ online”- khái niệm này ngày một rõ ràng hơn. Thế hệ người mua sắm qua mạng ngày một nhiều hơn.
Trên các trang mạng, dày đặc quảng cáo bán hàng trên mạng, với những cam kết không thể hay hơn. Nào là chất lượng đảm bảo 100%. Nào là giá rẻ bất ngờ. Nào là nếu không ưng ý bạn có thể trả lại lập tức và được đền bù 20% giá trị mặt hàng đặt mua. Tuy nhiên, theo những “con nghiện” mua sắm online thì việc hàng nhận được không giống với quảng cáo là “chuyện thường ngày ở huyện”. Đến độ người ta còn cho rằng, một trong nhưng xu hướng vi phạm điển hình trong thương mại điện tử tại Việt Nam chính là lừa gạt khách hàng về chất lượng sản phẩm.
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam được đánh giá tiếp tục ở mức cao. Khảo sát một số doanh nghiệp chuyển phát cho thấy tốc độ tăng trưởng doanh thu từ dịch vụ chuyển phát từ 62% đến 200%. Điều đó cũng thể hiện ở chỗ đội quân “ship” hàng ngày một đông đảo. Họ giành mối của nhau một cách không thương tiếc.
Hóa ra nghề nào cũng có cái khó của nó.
2.Tại thời điểm này, cách thức mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng đã rất đa dạng: có thể mua sắm qua các sàn giao dịch thương mại điện tử hoặc qua mạng xã hội như Facebook, Instagram, Zalo…, trong đó giới trẻ thích “tìm hàng” trên Facebook là nhiều nhất. Phương thức mua sắm này nhanh chóng, dễ dàng tiếp cận thông tin, giá rẻ, tiết kiệm thời gian. Nhưng như đã nói, hình thức mua sắm này cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, nhất là đối với người tiêu dùng. Bởi người tiêu dùng không thể nhìn trực tiếp và cầm sản phẩm để đánh giá về hình dáng, màu sắc và chất lượng của sản phẩm. Vì thế, rủi ro đầu tiên mà người tiêu dùng gặp phải là hàng hóa nhận được không giống với quảng cáo.
Những quảng cáo hấp dẫn về mua sắm qua mạng thu hút người tiêu dùng |
Tiếp đến là nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm. Rất nhiều mặt hàng được gắn mác của các thương hiệu nổi tiếng, nhưng thực chất chỉ là hàng nhái. Do loại hàng này không trưng ra tại các cửa hàng nên cơ quan chức năng bó tay, không kiểm soát được. Và cuối cùng là người mua lãnh đủ. Nhìn chung, giao dịch mua sắm online được thực hiện trên cơ sở niềm tin. Vì vậy, khi gặp người bán thiếu lương tâm thì người tiêu dùng sẽ có nguy cơ mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.
Theo cơ quan quản lý nhà nước, các khiếu nại, phản ánh chủ yếu tập trung vào các nhóm hành vi: Hàng nhận được không giống với quảng cáo, thông tin sai về xuất xứ hàng hóa, đăng sai giá (thấp hơn nhiều so với giá bán) để thu hút người tiêu dùng, trong khi thực tế lại không có hàng hoặc có rất ít hàng hóa được bán với giá được quảng cáo. Có nghĩa là họ phớt lờ hành vi vi phạm về cung cấp thông tin của tổ chức, cá nhân kinh doanh có thể bị xử phạt theo Điều 66 Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
3. Nhưng, nếu đi kiện thì kiện ở đâu? Ai đứng ra giải quyết? Những câu hỏi như vậy thường gặp ở người mua hàng online.
Giới luật sư và cơ quan bảo vệ người tiêu dùng khuyên rằng, hãy dũng cảm tố giác những hành vi lừa đảo thương mại, trong đó có việc bán hàng online, vì quy định pháp luật về vấn đề này là khá rõ ràng. Điều 139 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung quy định tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau: Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Người bị lừa có thể trình báo ra cơ quan công an, tuy nhiên phải có bằng chứng chứng minh việc mua bán giữa hai bên: hóa đơn chuyển khoản qua ngân hàng, ảnh, tin nhắn qua facebook hoặc tin nhắn qua điện thoại…
Ngoài ra, bản chất của hành vi mua hàng qua mạng là giao dịch dân sự nên khi bên bán không thực hiện đúng thỏa thuận thì cũng có thể khởi kiện ra tòa án yêu cầu giải quyết. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự thì người bị hại nộp đơn khởi kiện tại tòa án cấp quận, huyện nơi bị đơn (tức là người bán hàng) đang cư trú. Nếu không biết người bán hàng hiện đang cư trú ở đâu thì bị hại có thể yêu cầu tòa án nơi mình cư trú để giải quyết.
Mua bán online ngày một phát triển nên việc lành mạnh môi trường thương mại này là điều hết sức cần thiết. Nhưng muốn thế, ngoài việc kêu gọi tuân thủ pháp luật và “sự thức tỉnh lương tâm” của người bán hàng thì hết sức quan trọng là người mua hàng bị tổn hại không im lặng, mà hãy lên tiếng.