Phiền toái mua hàng online

GD&TĐ - Theo xu thế chung trên thế giới, mua sắm trực tuyến tại Việt Nam đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, thế nhưng người tiêu dùng (NTD) cũng nhận không ít phiền toái. nếu không thận trọng, Thậm chí NTD còn bị lừa khiến tiền mất tật mang... Mới đây, Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công thương vừa đưa ra cảnh báo: tình trạng vi phạm quyền lợi của NTD trong hình thức mua sắm trực tuyến diễn ra thường xuyên, phổ biến.

Phiền toái mua hàng online

Quảng cáo một đằng, giao hàng một nẻo

Trong vòng 5 năm trở lại đây, hình thức mua sắm trực tuyến đang ngày càng trở nên phổ biến. Các sàn thương mại điện tử cung cấp các mặt hàng rất đa dạng, cùng hình thức thanh toán linh hoạt, phong phú, cho phép người tiêu dùng mua sắm trực tuyến một cách nhanh chóng, tiện lợi. Tuy nhiên, ngoài tính tiện lợi, NTD cũng nên thận trọng và để ý kỹ khi mua hàng kẻo bị hớ.

Mới đây, chị Vân Phương, (quận 3, TPHCM) đặt mua quần áo trẻ em trên một trang mạng X. Tại đây có khuyến mãi mua tã vải tặng yếm ăn cho bé. Khi hàng được giao, chị không kiểm đếm, sau đó phát hiện mua đến ba tã vải mà chỉ tặng một yếm ăn. Phản hồi với người bán thì được trả lời là mỗi đơn hàng tặng một yếm! Chị khiếu nại thì mới được người bán giải quyết tặng thêm hai yếm ăn. Rắc rối khi mua hàng online là NTD không được kiểm tra hàng khi nhận. Đây là một tình huống rất bất lợi cho NTD, vì không thể chứng minh khi mình nhận thì hàng đã bị thiếu, bị lỗi. “Khác với hình thức mua sắm truyền thống, NTD có thể nhìn, cầm, đánh giá trực tiếp sản phẩm, mua sắm trực tuyến, NTD chỉ có thể nhìn hình ảnh sản phẩm qua thiết bị kết nối mạng, thường tiềm ẩn rủi ro là không giống với sản phẩm thật” - đại diện Sở Công thương TPHCM nêu thực tế.

Bà Nguyễn Thị Long (quận Bình Thạnh, TPHCM) từng đặt mua một bình lọc nước bằng sứ. Khi hàng được chuyển đến, bà yêu cầu mở ra xem. Người vận chuyển cho rằng mình chỉ vận chuyển, hàng đã ghi rõ không cho mở kiểm tra nên họ không thể mở. Bà Long đề nghị họ chỉ làm chứng việc bà mở hàng, kiểm tra xem lõi sứ có bị nứt vỡ gì không. Nếu có nứt vỡ thì chỉ cần làm chứng và xác nhận, bà sẽ tự giải quyết với bên bán. Tuy nhiên, đơn vị vận chuyển không đồng ý.

Thấy không yên tâm, bà Long ghi vào biên bản giao hàng lý do không chịu nhận hàng vì không biết hàng còn nguyên hay đã vỡ. Sau đó, bên bán gọi điện thoại cho bà xin được giao hàng lại và cho kiểm tra. “Sở dĩ tôi làm vậy vì trước đó, một người nhà của tôi đã mua hàng, không kiểm đếm nên nhận gói hàng có nhiều món bị thiếu và còn có sản phẩm bị nứt. Tuy nhiên, bên bán từ chối đổi và bù hàng” - bà Long cho biết.

Coi chừng lừa đảo hàng giá rẻ

Cục Quản lý cạnh tranh cũng cảnh báo các trường hợp sàn mua bán đăng giá rất rẻ, sau đó hủy đơn đặt hàng của NTD không lý do, NTD phải đặt lại với giá cao hơn thời điểm trước hoặc thông báo hết hàng, mặc dù trang web vẫn còn nhưng với giá cao hơn.

Mới đây, trên một trên một trang bán hàng online, nickname Superlht317 “kêu cứu” vì vừa bị lừa mua chiếc điện thoại Iphone với giá 5,8 triệu. Lúc mua, bạn này đã kiểm tra kỹ, người bán cam kết “zin” 100%. Hơn nữa, trên trang mạng còn có ghi địa chỉ nhà ở đường Tân Thành, Q. 5 nên yên tâm. Nhưng về nhà gọi mãi mà không có sóng. Đem ra tiệm kiểm tra thì mới biết là hàng Trung Quốc. Kiểm tra lại địa chỉ thì hỡi ơi, đó là trụ sở Ủy ban nhân dân phường! Trước đó, Gia Huy (sinh viên trọ tại đường Nguyễn Thái Sơn, Q. Gò Vấp, TPHCM) mua chiếc điện thoại LG GC900 hàng chính hãng ở trang web của một cửa hàng trên đường 3/2, Q.10 với giá 3,8 triệu. Lúc mua Huy đã kiểm tra máy, giấy bảo hành đầy đủ. Về nhà, Huy kiểm tra IMEI (Mã số nhận dạng quốc tế cho điện thoại di động, bấm *#06# để kiểm tra) thì thấy số IMEI hiện trên màn hình không trùng khớp với trên thân máy. Hôm sau Huy đem đến cửa hàng hỏi thì người bán nói “Số này chỉnh được mà!”(?). Huy yêu cầu đổi máy không được, người bán đồng ý tăng thời gian bảo hành từ 12 tháng lên 24 tháng. Về nhà, máy bắt đầu trục trặc, hư loa, nghe nhạc bằng tai nghe thì một lúc sau bị tắt nguồn, mở hoài không lên. Một tháng sau, Huy yêu cầu bán lại để đổi cái khác thì bên cửa hàng ra giá 2,6 triệu (ban đầu mua 3,8 triệu) mặc dù còn bảo hành.

Chị Hương, quận 2, TPHCM cho biết, chị hay mua đồ chơi trẻ em trên mạng. Có lần chị đặt mua đồ chơi Lego, thấy sàn mua sắm online A. có giảm giá 42%, từ 1,1 triệu còn có 699.000 đồng/bộ. Quá mừng vì đợt giảm giá lớn, chị Hương định đặt mua. Cũng rất may, chị cẩn thận đối chiếu giá thì mới phát hiện một trang bán hàng uy tín khác rao bán sản phẩm này chỉ kê khai giá gốc là 699.000 đồng/bộ và giảm 10% còn khoảng 630.000 đồng. “Như vậy, giá 699.000 đồng là giá gốc của sản phẩm. Thế mà ở sàn A. và một số sàn khác, sản phẩm đã bị ‘kích’ giá lên cả triệu đồng, rồi dùng chiêu giảm giá mạnh trên 40% để giảm về lại giá gốc. Tôi thật sự thất vọng với cách làm giá ảo này” - chị Hương chia sẻ.

Vì chế độ đổi trả phức tạp cũng khiến nhiều người ngán ngẩm với mua hàng online. Anh Tấn Lợi, quận Bình Thạnh từng mua loa Bluetooth giá 200.000 đồng. Hàng giao đến, anh mày mò mãi mà không thể kết nối với máy để loa hoạt động. Phản hồi cho bên bán, bên bán cũng vâng vâng dạ dạ và lịch sự chấp nhận đổi sản phẩm với điều kiện anh gửi sản phẩm về Hà Nội, theo đúng quy định của sàn giao dịch. Phí chuyển hàng gần 100.000 đồng, anh Lợi suy tính thiệt hơn và quyết định vứt chiếc loa Bluetooth.

Hãy tự bảo vệ mình

Theo dữ liệu khiếu nại trong năm 2016 và quý I/2017 của Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương, tình trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trong hình thức mua sắm trực tuyến diễn ra khá thường xuyên. Các vấn đề điển hình bị phản ánh, khiếu nại thường là: Giao sai sản phẩm hoặc sản phẩm có thông số kỹ thuật khác so với quảng cáo trên trang web; Giao hàng chậm; Giao thiếu hàng khuyến mãi; Giao hàng hỏng nhưng không thu hồi lại; Đăng sai giá (điển hình là đăng giá rất rẻ sau đó hủy đơn đặt hàng của người tiêu dùng); Hủy đơn hàng không lý do - người tiêu dùng phải đặt lại với giá cao hơn thời điểm trước; Sản phẩm không có nhãn mác hoặc nhãn ghi sản xuất tại Trung Quốc, mặc dù quảng cáo là hàng Mỹ/Nhật Bản; Thông báo hết hàng, mặc dù trang web vẫn còn hàng nhưng với giá cao hơn; Không cung cấp hóa đơn; Voucher không thể sử dụng mặc dù vẫn còn hạn; Bị lừa đảo khi đặt phòng khách sạn..

Với thực trạng mua hàng trực tuyến còn nhiều điểm hạn chế như hiện nay, NTD cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ về hình thức mua sắm này. NTD có thể tham khảo những lưu ý sau: Nên mua hàng tại những trang web uy tín, được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng (địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế…); Tìm hiểu kỹ về các điều kiện và điều khoản của trang web (Term&Conditions), đặc biệt là những điều khoản về bảo hành, trả lại hàng, hoàn tiền, giao nhận,…; Tìm hiểu kỹ về sản phẩm hoặc dịch vụ trước khi mua: người tiêu dùng có thể tìm kiếm thông tin về sản phẩm/dịch vụ trên Internet như: nguồn gốc xuất xứ, tính năng, đánh giá (review) về sản phẩm/dịch vụ nhằm tránh trường hợp mua phải sản phẩm/dịch vụ kém chất lượng.

Theo anh Huy Đoàn (kĩ thuật viên máy tính, cửa hàng FPT Mobile): “Khi mua hàng trên mạng, bạn phải kiểm tra kĩ. Nếu mua ở xa, bạn phải chắc chắn số điện thoại, địa chỉ đó có thật. Có thể gọi tổng đài 1080 của tỉnh đó để xác minh.Tuyệt đối tránh chuyển tiền trước, nhận hàng sau. Đặc biệt, với những món hàng rẻ hơn giá bên ngoài nhiều lần thì các bạn đừng vội tin.Có thể là một trò lừa, hoặc là hàng kém chất lượng, hàng nhái. Những “siêu lừa” thường nhắm đến đối tượng chính là sinh viên, vì nhu cầu mua hàng công nghệ như điện thoại, laptop, máy ảnh là rất lớn, trong khi túi tiền thì hạn hẹp”.

Đặc biệt, NTD cũng nên cảnh giác với những trang web hay tài khoản mạng xã hội lạ quảng cáo sản phẩm hoặc dịch vụ với giá rất thấp hoặc khuyến mãi lớn, yêu cầu người tiêu dùng phải cung cấp thông tin và chia sẻ chương trình; Cảnh giác với thông báo về việc trúng thưởng phiếu mua hàng dùng để mua sản phẩm của công ty, theo đó phiếu mua hàng thường có giá trị nhỏ hơn giá trị sản phẩm, người tiêu dùng phải chi thêm một khoản tiền nữa. Tuy nhiên, khi nhận hàng thì sản phẩm thường có giá trị thấp hơn so với khoản tiền người tiêu dùng đã bỏ ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...