La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp: Bộ não của nền giáo dục thời Tây Sơn

GD&TĐ - Nguyễn Thiếp là một trong những nhà giáo tiêu biểu của nền giáo dục nước ta thời phong kiến.

La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp.
La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp.

Sinh thời, Nguyễn Thiếp được vua Quang Trung rất coi trọng, tin tưởng, giao nhiều việc lớn.

Bậc Phu tử được vua kính trọng

Sau đại thắng quân Thanh năm 1789, vua Quang Trung bắt tay vào công cuộc xây dựng và củng cố chính quyền. Trong lĩnh vực giáo dục, vua đã tiến hành nhiều cải cách triệt để. Chính thức đưa chữ Nôm vào các kỳ thi và thành lập một cơ quan chuyên trách, chăm lo việc giáo dục của nước nhà. Cơ quan đó có tên là Sùng chính Thư viện ở Nam Kim, Nam Đàn (Nghệ An ngày nay), được xây dựng vào năm 1791.

Để tìm ra được người đủ đức, đủ tài trông coi việc hệ trọng này, vua đã mời La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp - nhà giáo, bậc danh nho nổi tiếng đương thời ra giúp nước.

Ngay trong chiếu mời Nguyễn Thiếp, Quang Trung đã sử dụng nhiều ngôn từ kính trọng: “Tiên sinh tuổi đức đều cao, đáng làm tiêu biểu cho đời. Nguyên trước Tiên sinh tới yết ở Hành tại, mấy phen bàn bạc bày vẽ rất được hợp lòng Trẫm…

Nay thiên hạ đã bình, kỷ cương đã định. Trẫm đoái trông tới kẻ có đức lớn, tuổi già, rất lấy làm chú ý. Tiên sinh nên vụt dậy, bằng lòng tới đây. Chúng ta sẽ có nhiều điều bàn nghị. Đã ban sức cho Trấn quan liệu đồ hành lý và phu lính, sửa soạn ít nhiều, đơn sơ đón rước tiên sinh. May mà tiên sinh không lấy điều hạc oán, vượn khinh làm thẹn, thì khỏi phụ lòng Trẫm rất trọng già, cầu hiền vậy”.

Nguyễn Thiếp nhận chiếu, thấy lời lẽ chân thành và cung kính, nên đã nhận lời vào kinh. Tới Phú Xuân, ông tâu lên vua Quang Trung một bản tấu, nội dung đề cập đến 3 vấn đề. Một là “Quân đức” nói về đạo đức nhà vua; hai là “Dân tâm” nói về lòng dân và ba là “Học pháp” nói về giáo dục.

Ba vấn đề này có nội dung quan hệ mật thiết với nhau và đều tâm niệm “Dân là gốc nước” làm cơ sở. Nguyễn Thiếp cho rằng “Dân là gốc nước, gốc vững nước mới yên”.

Về việc học, La Sơn phu tử cho rằng học là để biết đạo “Đạo là những lẽ thường theo để làm người”. Ông khuyên nhà vua nên lấy sự học làm trọng, vì “từ xưa thánh hiền chưa có ai không bởi sự học mà có đức” và “sự đạo thành thì người tốt nhiều; người tốt nhiều thì triều đình chính và thiên hạ trị”.

Nguyễn Thiếp từng 3 lần từ chối lời mời của Nguyễn Huệ.

Nguyễn Thiếp từng 3 lần từ chối lời mời của Nguyễn Huệ.

Biên dịch sách sang chữ Nôm

Vua Quang Trung nhanh chóng tiếp nhận, chưa đầy 10 ngày sau cuộc hội kiến với Nguyễn Thiếp, vua Quang Trung đã ban chiếu lập Sùng chính Thư viện gần nơi Nguyễn Thiếp ở ẩn và mời ông làm Viện trưởng với lời chân tình: “Chiếu cho La Sơn dật sĩ Nguyễn Thiếp được biết: Ông tuổi, đức đều cao, tất cả sĩ phu đều trông ngóng như núi Thái Sơn, sao Bắc Đẩu. Nay trong nước đã yên. Trẫm toan hưng khởi chính học. Ông đã lấy học thuật biện rõ bên tà bên chính trong phép học. Trẫm rất vui lòng.

Trẫm định đặt Sùng chính Thư viện ở Vĩnh Kinh, tại núi Nam Hoa, ban cho ông làm chức Sùng chính Viện trưởng. Cho ông hiệu La Sơn Tiên sinh và giao cho ông chuyên coi việc dạy. Nhất định phải theo phép học Chu Tử, khiến cho nhân tài có thể thành tựu, phong tục trở lại tốt đẹp.

Từ rày, phàm trong các viên tư nghiệp, đốc học, mỗi năm nếu có ai học hay hạnh tốt thì sẽ kê quê quán, tên họ đạt đến thư viện, giao cho ông khảo xếp đức nghiệp và hạnh nghệ tấu lên triều đình để chọn mà dùng”.

Sùng chính Thư viện còn là cơ quan thu thập, tàng trữ sách vở của cả nước, cùng nhiệm vụ tổ chức dịch các sách “Tiểu học” và “Tứ thư” ra chữ Nôm để dạy học. Giúp việc với Nguyễn Thiếp lúc bấy giờ còn nhiều nhà khoa bảng như Nguyễn Công, Nguyễn Thiện, Phan Tố Định, Bùi Dương Lịch. Đây đều là những người rất giỏi văn Nôm.

Thành lập chưa lâu, Viện Sùng chính đã dịch xong bộ “Tiểu học” – sách dùng để dạy học, gồm các tác phẩm tiêu biểu như “Dương tiết”, “Minh tâm”, “Thuyết ước” và bộ “Tứ thư” gồm 4 tác phẩm là “Luận ngữ”, “Trung dung”, “Đại học”, “Mạnh tử”… cả 2 bộ sách này đều được dịch xong vào năm 1792.

Sau khi các bản được dịch Vua còn sai trấn thủ Nghệ An cấp cho Nguyễn Thiếp mấy chục thư lại để giúp ông biên chép sách ở Sùng chính Thư viện.

Từ thành công hai bộ sách đầu tiên, vua Quang Trung hạ chiếu cho Nguyễn Thiếp dịch gấp bộ Ngũ kinh (Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch, Kinh Xuân Thu) ra chữ Nôm. Tiếc là khi công việc đang tiến hành dang dở, vua đột ngột qua đời vào tháng 9 năm 1792.

Biết tin vua băng hà, Nguyễn Thiếp cũng rời bỏ Sùng chính Thư viện để đi quy ẩn. Tuy tồn tại trong thời gian ngắn, Sùng Chính thư viện đã để lại những ảnh hưởng sâu đậm đối với nền giáo dục nước ta lúc bấy giờ.

Nguyễn Thiếp (1723 - 1804), quê ở Can Lộc (Hà Tĩnh) ngày nay, là danh sĩ nức tiếng đương thời, có học vấn uyên thâm, uy tín lớn. Khi tiến quân ra Bắc đánh đuổi quân Thanh, Quang Trung - Nguyễn Huệ đã 3 lần xuống chiếu mời ông ra giúp nhưng ông từ chối. Sang lần thứ tư, ông mới chấp nhận đến gặp Quang Trung, ông hiến kế giúp vua Quang Trung nhanh chóng đánh bại quân Thanh.

Sau khi lên ngôi, Nguyễn Thiếp được xem như quân sư của Quang Trung, giúp vua nhiều vấn đề nội trị và ngoại giao. Đáng tiếc, sự nghiệp chưa thành, vua Quang Trung đột ngột qua đời. Học vấn uyên bác, sâu rộng, có nhiều cống hiến cho giáo dục, Nguyễn Thiếp được xem là một trong những nhà giáo tiêu biểu của nước ta thời phong kiến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ