Lá phiếu của lòng tin

GD&TĐ - Việc được bầu vào Hội đồng Nhân quyền lần thứ hai cho thấy, trong thế giới đầy biến động, Việt Nam vẫn khẳng định uy tín, vị thế của mình.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Những thành tựu nhân quyền và phát triển của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và tín nhiệm, khi Việt Nam lần thứ hai được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Năm 2013, Việt Nam lần đầu tiên trúng cử vào HĐNQ Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016.

Tại phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 77 tại New York (Mỹ), Việt Nam đã được bầu làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025 với số phiếu 145/193.

Kết quả bầu cử cho thấy sự tham gia tích cực của Việt Nam trong các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, những cam kết và nỗ lực mạnh mẽ của Việt Nam về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, tin tưởng và đánh giá cao.

Tuy nhiên, để khẳng định thành tựu của Việt Nam là điều không hề dễ dàng. Nhiều tổ chức nước ngoài thường xuyên lợi dụng các vấn đề tôn giáo, nhân quyền để chống Việt Nam với những cáo buộc vô căn cứ.

Chẳng hạn Báo cáo nhân quyền 2021 của Bộ Ngoại giao Mỹ, Báo cáo của Ủy ban Tự do Tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ 2021, Báo cáo về tình hình nhân quyền thế giới 2020 của Cơ quan Đối ngoại EU (EEAS) được công bố đầu năm nay đã cho rằng có sự phân biệt đối xử của xã hội, chính quyền với người dân tộc thiểu số…

Trước vấn đề này, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã nhiều lần lên tiếng: Các báo của Mỹ, EU và các tổ chức đã đưa ra một số nhận định thiếu khách quan dựa trên những thông tin không chính xác và chưa được kiểm chứng về thực tế tại Việt Nam. Người Phát ngôn khẳng định: “Chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền của người dân”.

Hoặc trong buổi họp báo ngày 18/5/2022, bà Lê Thị Thu Hằng đề cập thẳng thắn: “Tại Việt Nam, không ai bị bắt giữ, xét xử chỉ vì “bày tỏ chính kiến”, “bảo vệ nhân quyền”. Như các quốc gia khác, Việt Nam cũng kiên quyết đấu tranh với các hành vi lợi dụng các quyền tự do, dân chủ để vi phạm pháp luật, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân.

Việt Nam duy trì thường xuyên đối thoại nhân quyền với Mỹ, EU về những vấn đề còn khác biệt trên tinh thần xây dựng, thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau.

Điều đó được chính Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Kritenbrink đề cập trong chuyến thăm Việt Nam ngày 11/10, ngay khi có thông tin Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền.

Trợ lý Ngoại trưởng, cũng là cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam đã chúc mừng Việt Nam trúng cử, bày tỏ mong muốn hợp tác với Việt Nam thúc đẩy nhân quyền, và khẳng định trong chuyến thăm, ông đã trao đổi với Việt Nam về nhân quyền một cách thẳng thắn, xây dựng.

Nhưng sự khác biệt về quan điểm nhân quyền của Việt Nam và các nước phương Tây chỉ là một khía cạnh của vấn đề. Điều quan trọng nhất là Việt Nam luôn nỗ lực và đạt nhiều thành tựu trong việc bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền.

Việt Nam được Liên Hợp Quốc ghi nhận là hình mẫu trong xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống, sinh kế cho người dân, chống phân biệt đối xử, bảo vệ quyền phụ nữ, quyền trẻ em, quyền của người khuyết tật, thúc đẩy các quyền dân sự…

Trên bình diện quốc tế, Việt Nam tích cực, chủ động luôn phối hợp với các nước thúc đẩy sáng kiến, giải pháp trong các lĩnh vực như quyền được sống trong hòa bình, quyền phát triển, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, quyền tiếp cận y tế, giáo dục, việc làm, ứng phó với biến đổi khí hậu, dịch bệnh… được Liên Hợp Quốc và các nước đánh giá cao, nhất là trong nhiệm kỳ Việt Nam là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Việc được bầu vào HĐNQ lần thứ hai cho thấy trong một thế giới đầy biến động, Việt Nam vẫn khẳng định uy tín, vị thế của mình. Những cố gắng không ngừng của Chính phủ và Nhân dân Việt Nam đã được để hiện bằng việc vượt qua dịch bệnh, kiềm chế lạm phát, bảo đảm tăng trưởng, cải thiện đời sống cho người dân, bảo đảm một xã hội ổn định… - đó là những yếu tố tốt nhất để bảo đảm quyền con người và khiến Việt Nam luôn được tin tưởng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...