Nhờ liệu pháp miễn dịch, hệ miễn dịch của cơ thể người bệnh sẽ đủ sức tiêu diệt khối u
Cách đây 5 năm, Mike Chettle (Mỹ) biết mình mắc ung thư ruột, đã di căn đến gan, xương và khắp vùng bụng dù đã được phẫu thuật và hoá trị.
Lúc đầu, việc điều trị cho ông bao gồm phẫu thuật ruột và 1 số nội tạng, sau đó là hoá trị. Tuy nhiên, dù sử dụng nhiều loại hoá chất nhưng tất cả các phương pháp điều trị đều thất bại và cách đây 2 năm, ung thư đã di căn vào xương và xuất hiện ở gan.
Đến năm 2014, ung thư đã di căn khắp cơ thể, đáng chú ý là có tới 26 khối u trong bụng và tình trạng di căn vào xương gây đau đớn nhiều đến mức ông không thể cử động cổ.
“Nó lây lan rất nhanh. Tôi gần như không thể đi lại, không thể quay cổ. Tôi đau đớn”, bệnh nhân Chettle cho biết trên tạp chí Hội Ung thư lâm sàng Hoa Kỳ (Asco). Thời điểm đó, Chettle không có cơ hội lựa chọn phương pháp điều trị và dường như đang tiến rất gần tới giai đoạn chăm sóc giảm nhẹ.
Nhưng rồi BS Steven Duffy, Viện Ung thư Bon Secours (Virginia, Mỹ) đã giới thiệu Chettle đến gặp BS Luis Diaz ở TT Ung thư Johns Hopkins Kimmel (Maryland, Mỹ), người đang thực hiện 1 thử nghiệm lâm sàng cho 1 loại thuốc điều trị mới.
Chettle đã đồng ý tham gia vào nghiên cứu liên quan đến sự bất thường di truyền có tên đột biến gen sửa chữa bắt cặp sai (MMR). Thử nghiệm lâm sàng này sẽ xác định xem liệu khối u có chịu khuất phục trước thuốc miễn dịch Keytruda (pembrolizumab).
Trong 2-3 tháng sau đó, các triệu chứng bệnh của Chettle bắt đầu giảm dần, có thể quay cổ và thậm chí có thể sánh bước cùng con gái trong lễ cưới.
Hiện Chettle vẫn được truyền thuốc 30 phút mỗi 2 tuần và sau 2 năm tham gia vào thử nghiệm, cơ thể ông đáp ứng rất tốt với điều trị.
“Tôi thực sự quá may mắn khi gặp được những bác sĩ giỏi”, Chettle bày tỏ.
Các bác sĩ hy vọng quá trình điều trị cho Chettle sẽ sớm kết thúc.
Trường hợp của Chettle được xem là đặc biệt, cho thấy sự tiến bộ “chưa từng có” trong việc ứng dụng liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư tại Hội nghị Ung thư lớn nhất thế giới.
Các nhà khoa học tin rằng hàng ngàn bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối có thể được cứu nhờ kết hợp các liệu pháp miễn dịch. Những loại thuốc này sẽ giúp hệ miễn dịch săn tìm và tấn công tế bào ung thư.
Một nghiên cứu trên 498 bệnh nhân kết hợp điều trị đã chỉ rõ những người được điều trị kết hợp thuốc miễn dịch Darzalax (daratumumab) với 2 loại thuốc điều trị ung thư thông thường khác, sẽ có cơ hội sống sót và cải thiện tình trạng bệnh cao hơn 61% so với nhóm chỉ điều trị theo chuẩn thông thường. Tuy nhiên, hiện chỉ 1/5 bệnh nhân hiện đáp ứng tốt với liệu pháp này và các chuyên gia đang tích cực tìm ra những cách cải thiện con số này.