Ngày 28/1 vừa qua, truyền thông Thái Lan đưa tin các nhà chức trách ở thủ đô Bangkok đã nhất trí với một quyết định táo bạo là cho phun nước ngọt vào trong không khí.
Theo truyền thông nước này, đây là một nỗ lực tuyệt vọng nhằm hạ thấp mức độ ô nhiễm không khí tại Bangkok và thay vì dùng nước thông thường, nước ngọt chứa đường đã được thử nghiệm.
Ý tưởng đằng sau chiến lược chống ô nhiễm kỳ quái này là đường sẽ làm tăng độ nhớt của nước, cho phép “bẫy” các hạt nguy hiểm. Nước ngọt được tin là có tác dụng "bẫy" bụi bẩn tốt hơn nước thông thường khi phun vào không khí. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng phương pháp độc đáo này có thể gây hại nhiều hơn là có lợi.
Tiến sĩ Weerachai Putthawong, giáo sư hóa học hữu cơ tại đại học Kasetsart nói với phóng viên báo Workpoint News rằng mình nghi ngờ nước ngọt phun vào không khí không tạo ra mấy sự khác biệt so với nước bình thường. Không chỉ vậy, sử dụng nước ngọt còn gây tốn kém và lãng phí.
Tiến sĩ Weerachai cho biết độ nhớt của chất lỏng tăng lên không đáng kể. Thêm vào đó, thiết bị được sử dụng phun nước không đủ mạnh để nghiền nước thành những giọt siêu nhỏ đủ để bắt bụi và các vật thể có kích thước nhỏ tầm 2,5 micron. Các máy hiện tại được sử dụng để phun nước chỉ có thể bắt được các hạt nhỏ nhất là 10 micron.
Càng tồi tệ hơn khi đường trong nước có thể làm mặt đất hoặc bất cứ nơi nào nước ngọt rơi vào phát triển các loại nấm mốc nguy hiểm, đặc biệt là khi các loại phụ gia hữu cơ trong nước sẽ cho phép vi khuẩn và nấm phát triển.