Để làm rõ vai trò y tế học đường, ông Nguyễn Hữu Nhân, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ) có cuộc trao đổi với Báo Giáo dục và Thời đại.
Công tác quan trọng của nhà trường
Theo ông Nguyễn Hữu Nhân, công tác y tế trong trường học là công tác quan trọng của nhà trường. Vì để thực hiện giáo dục, đào tạo học sinh một cách toàn diện, việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể chất là điều kiện quan trọng. Giúp các em có nền tảng sức khỏe để học tốt và rèn luyện kỹ năng. Khi thực hiện tốt công tác y tế trường học thì nhà trường mới hoàn thành tốt các mục tiêu của ngành. Vì có sức khỏe tốt, trí tuệ, thể lực học sinh phát triển thuận lợi, giúp việc học hiệu quả và rèn luyện các kỹ năng tốt hơn.
Công tác y tế trường học thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau: tạo môi trường xanh, sạch, đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh, thực hiện phòng chống hiệu quả dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm. Phòng, chống các loại bệnh học đường như cận, cong vẹo cột sống... Có giải pháp chăm sóc, theo dõi sự phát triển về thể chất của học sinh.
Công tác này là hết sức quan trọng trong hoạt động các cơ sở giáo dục. Do đó các trường học phải thực hiện đầy đủ, đúng theo các quy định của ngành Giáo dục và ngành Y tế. Cụ thể là Thông tư 13/2016 - Thông tư liên tịch giữa Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT.
Với vai trò quan trọng, tiêu chuẩn và nhiệm vụ chức năng của cán bộ y tế trong trường học cũng được quy định rõ. Theo đó, tiêu chuẩn của cán bộ y tế trường học hiện nay theo quy định tại Thông tư 13/2016, giữa Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT là phải được đào tạo Y sĩ trung cấp trở lên.
Nhân viên y tế có nhiệm vụ tham mưu cho lãnh đạo nhà trường, tổ chức thực hiện các hoạt động quản lý, bảo vệ và chăm sóc trẻ: kiểm tra sức khỏe học sinh, theo dõi sức khỏe, phối hợp cơ sở y tế khám, điều trị chuyên khoa cho học sinh, sơ cấp cứu, tư vấn cho giáo viên, học sinh, phụ huynh các vấn đề liên quan đến bệnh tật, phát triển thể chất và tinh thần của học sinh.
Tổ chức bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng hợp lý. Phối hợp y tế địa phương tổ chức chiến dịch tiêm chủng, uống vắc xin, thông báo tình hình sức khỏe học sinh đến cha mẹ các em, giám sát các điều kiện học tập, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Chủ động triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh. Tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thông, giáo dục sức khỏe. Thống kê và báo cáo công tác y tế trường học hằng năm về cơ quan chủ quản...
Cần phát huy vai trò y tế học đường
Theo thông tư 13/2016 giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế, tất cả học sinh đều được cán bộ y tế học đường khám sức khỏe. Đối với trẻ dưới 24 tháng, mỗi tháng khám 1 lần. Từ 24 tháng đến 6 tuổi mỗi quý khám 1 lần. Trên 6 tuổi thì mỗi năm khám 2 lần.
Về hình thức kiểm tra sức khỏe, cán bộ y tế có thể phối hợp với y tế địa phương hoặc hỗ trợ từ giáo viên được tập huấn y tế trường học tiến hành đo chiều cao, cân nặng. Cán bộ y tế trực tiếp kiểm tra huyết áp, nhịp tim, thị lực. Sau khi kiểm tra, lập danh sách các học sinh có biểu hiện bất thường về thị lực, huyết áp, các bệnh học đường... Trao đổi với phụ huynh, đề nghị ngành Y tế cử bác sĩ chuyên khoa khám và điều trị cho các em.
Để thông tin kịp thời về phòng chống dịch, bệnh trong trường học góp phần giúp trẻ em và gia đình nâng cao nhận thức và chủ động tự bảo vệ sức khỏe của bản thân. Ngành Giáo dục TP Cần Thơ chỉ đạo lãnh đạo các cơ sở giáo dục, cán bộ y tế trường học luôn theo dõi, nắm bắt thông tin về tình hình dịch bệnh trong cả nước trên các phương tiện thông tin đại chúng và khuyến cáo từ ngành Y tế. Qua đó, thông tin kịp thời đến phụ huynh và học sinh tình hình diễn biến dịch bệnh hiện nay.
Đồng thời, hướng dẫn học sinh, phụ huynh, giáo viên các giải pháp phòng, chống, cách phát hiện các loại dịch bệnh nếu có xảy ra tại địa phương và trường học. Hướng dẫn phụ huynh phối hợp với nhà trường, cùng ngành Y tế kịp thời điều trị, xử lý dịch bệnh và tuyệt đối không để lây lan trong trường học.
Hiện nay ngành Giáo dục vẫn thường xuyên phối hợp ngành Y tế kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các cơ sở giáo dục. Đặc biệt là phòng, chống dịch Covid-19...