“Lá chắn cô vít” nơi biên cương

“Lá chắn cô vít” nơi biên cương

Bộ đội biên phòng tăng cường lực lượng, thay nhau túc trực để không một ai có thể vượt biên từ Lào vào Việt Nam mà không được kiểm tra y tế, đưa vào khu cách ly.

Lán là nhà, rừng là đơn vị

Chưa khi nào mà các lực lượng biên phòng tại khu vực biên giới lại phải “gồng mình” đến như vậy. Mục tiêu hàng đầu là ngăn chặn dịch bệnh lây lan ngay từ đường biên. Ở khu biên giới Việt – Lào, quy trình khép kín từ kiểm soát người thông quan, kiểm tra thân nhiệt, cách ly những công dân Việt Nam trở về từ Lào được thực hiện nghiêm ngặt.

Những ngày qua, dòng người từ Thái Lan qua Lào nhập cảnh vào cửa khẩu Cầu Treo ngày càng đông, có ngày lên gần 1.000 người. Chung tay cùng các lực lượng trong cả nước, Biên phòng Hà Tĩnh đã tăng cường lực lượng, triển khai cắm 16 chốt với hàng trăm cán bộ, chiến sĩ thường trực ở hai bên cánh gà cửa khẩu và các đường mòn, lối mở dọc biên giới nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ người dân vượt biên trái phép, trốn tránh cách ly y tế.

Gọi là những chốt kiểm soát, nhưng đó chỉ là những lều bạt căng tạm giữa rừng. Những chiếc võng dù dã chiến là nơi những cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng đang thực hiện nhiệm vụ nơi đây nghỉ lưng tạm trong những giờ đổi canh trực. Đồ ăn, thức uống, các chiến sĩ phải tự phục vụ lấy. Phần lớn những chốt chặn này được tổ chức ở sát biên giới, đường sá đi lại vô cùng khó khăn, có một số chốt phải đi bộ hàng ngày trời mới đến nơi. Không điện, không nước sinh hoạt trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt “ngày nắng chỉ có tán cây rừng che, đêm lạnh chỉ có bếp lửa sưởi ấm”.

Vừa băng quãng đường rừng gần 3 tiếng đồng hồ cả đi lẫn về, anh Nguyễn Anh Tuấn mang lỉnh kỉnh trên vai đủ các loại lương thực, thực phẩm như: Gạo, cá, thịt, rau, củ, quả... Số lương thực, thực phẩm này sẽ bảo đảm cung cấp cho 6 người trong chốt trực. Sau gần 3 tiếng đồng hồ đi bộ giữa rừng và phải mang chừng ấy hàng hóa các loại, nhưng dường như với anh vẫn chưa thấm vào đâu so với sự dạn dày của một người lính biên phòng đã quen với núi cao, rừng thẳm. “Trận chiến này còn dài lâu nên xác định lấy lán là nhà, rừng là đơn vị, biên thùy là Tổ quốc. Khó khăn gian lao đến mấy cũng vượt qua” – Tuấn nói.

Cũng theo Tuấn, “mùa này là mùa khô, nên nước trong rừng rất ít. Để tiết kiệm, 6 người trong chốt phải dùng dè sẻn lắm. Dù đóng chốt tại một điểm, nhưng ngày cũng như đêm, chúng tôi phải luân phiên cắt cử người đi tuần ở cả những khu vực có đường mòn (bán kính khoảng 3km) xung quanh, nhằm không để người dân trốn tránh qua chốt mà không được kiểm soát, khai báo y tế. Mỗi đêm, cán bộ, chiến sĩ trong chốt chỉ nghỉ ngơi được khoảng ba tiếng đồng hồ. Khó khăn vất vả là vậy, thế nhưng các anh em chiến sĩ ai cũng cố gắng giữ vững ý chí, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

“Lá chắn cô vít” nơi biên cương ảnh 1
Bữa ăn vội giữa rừng của các chiến sĩ.

“Lường trước những khó khăn của cán bộ “cắm” chốt ở đây, chỉ huy đơn vị luôn quan tâm, động viên, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, tinh thần cho anh em yên tâm thực hiện nhiệm vụ. Hầu hết các cán bộ, chiến sĩ đều có năng lực, sức khỏe, có tinh thần, trách nhiệm, và có ý chí khắc phục vượt qua khó khăn. Để bảo đảm an toàn cho cán bộ, mỗi chốt, đơn vị đều cung cấp khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn và máy đo thân nhiệt, các tờ khai y tế, nhằm không để cho bất kỳ người dân nào qua lại mà không có khai báo y tế, phòng, ngừa dịch bệnh. Hàng ngày, cán bộ trực chốt đều được lập sổ theo dõi làm nhiệm vụ”, Thượng úy Tuấn nói thêm.

Khó khăn chồng chất, song với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, những người lính biên phòng sẽ tiếp tục có những đêm trắng gác đường biên, dầm sương, dãi nắng để đổi lại sự an tâm cho người dân trước tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

“Hết dịch anh sẽ về cưới em”

Chia sẻ với Báo GD&TĐ, anh Hoàng Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Hậu cần, phụ trách khu vực cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, thuộc Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh thẳng thắn thừa nhận, “không hề sợ hãi khi tiếp xúc sớm và gần với những người có nguy cơ nhiễm Covid-19”. “Mình sợ thì ai làm? Chúng tôi cũng đã được tập huấn công tác phòng dịch rồi. Công việc nhiều hơn, vất vả hơn nhưng tôi chưa thấy ai than một lời nào”, anh Hà bày tỏ.

“Lá chắn cô vít” nơi biên cương ảnh 2
16 chốt được cắm ngay trong rừng.

Dịch bệnh diễn biến phức tạp, cửa khẩu Cầu Treo là chốt chặn quan trọng ở vùng biên Hà Tĩnh. Suốt nhiều tháng nay, hầu hết các cán bộ chiến sĩ nơi đây chưa một lần trở về nhà. Ngày cưới của Thượng úy Võ Anh Tuấn diễn ra vào tháng 3 âm lịch nhưng vì nhiệm vụ chống dịch mà đành tạm hoãn. “Vợ chồng mình đã đăng ký kết hôn, dự tính tháng 3 âm lịch này làm đám cưới. Hai vợ chồng đã lên danh sách khách mời, đặt cỗ rồi nhưng vì dịch bệnh, mình lại đang làm nhiệm vụ ở vùng biên nên phải tạm hoãn. Việc chống dịch phải đặt lên hàng đầu, bố mẹ hai bên cũng rất thông cảm. Mình động viên vợ: Ngày nào hết dịch anh sẽ về cưới em”, Thượng úy Tuấn chia sẻ.

Hơn 3 tháng nay Tuấn chưa về, mỗi lần nhớ người thương, anh chỉ có thể liên lạc qua điện thoại. Tuấn kể, vừa rồi có ca nhiễm Covid-19 qua cửa khẩu, người thân gọi điện thoại lo lắng nhưng sau khi nghe anh trấn an, mọi người cũng phần nào yên tâm.

Hỏi về cảm nghĩ của mình khi phải hoãn đám cưới, Thượng úy Võ Anh Tuấn cho biết: “Chúng tôi luôn xác định tốt trách nhiệm của mình, coi đây là nhiệm vụ chính trị, là trận chiến trong thời bình, phần thưởng lớn nhất cho chúng tôi thời gian này là chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia được giữ vững, dịch bệnh không thể xâm nhập qua biên giới, mọi người dân được bình an”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.