Kỳ vọng về cửa khẩu thông minh

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Theo lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn, tỉnh xác định thử nghiệm cửa khẩu thông minh từ 1/1/2026 - 31/12/2028.

Xe container vận chuyển hàng hóa giao thương với Trung Quốc tại Lạng Sơn.
Xe container vận chuyển hàng hóa giao thương với Trung Quốc tại Lạng Sơn.

Cửa khẩu thông minh lần đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam đẩy mạnh xã hội hóa thiết bị áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI), xe tự hành không người lái AGV... dự kiến thử nghiệm từ năm 2026.

Giảm phí thông quan, tăng xuất nhập khẩu

Ông Dương Xuân Huyên - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, tỉnh Lạng Sơn đang chuẩn bị điều kiện để ngay khi Thủ tướng phê duyệt Đề án Cửa khẩu thông minh, Ban Quản lý kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn sẽ phối hợp các cơ quan của Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc triển khai.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn, tỉnh xác định thử nghiệm cửa khẩu thông minh từ 1/1/2026 - 31/12/2028. Việc thử nghiệm nhằm đánh giá công nghệ, hạ tầng để triển khai thực tế. Khi triển khai, cửa khẩu thông minh sẽ áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI), xe tự hành không người lái AGV, hệ thống quản lý kho có sử dụng camera thông minh.

Bên cạnh đó, hai bên sẽ nghiên cứu xây dựng trung tâm chỉ huy để điều phối thông minh cũng như chia sẻ, kết nối dữ liệu nhằm tạo ra một hệ thống thống nhất, thúc đẩy tương tác về hải quan, logistics…

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn, Dương Xuân Huyên cho biết thêm: Phía Trung Quốc có kinh nghiệm về cửa khẩu thông minh, do vậy Trung Quốc sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện. “Nguồn lực Nhà nước tập trung vào xây dựng hạ tầng còn trang thiết bị sẽ đẩy mạnh xã hội hóa...”, ông Huyên thông tin thêm.

Theo ông Nguyễn Vĩnh Phú - Phó Trưởng ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, việc xây dựng cửa khẩu thông minh phù hợp với định hướng chuyển đổi số của Chính phủ.

Về lâu dài, cửa khẩu thông minh sẽ nâng cao năng lực, hiệu suất thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu đường bộ, đáp ứng nhu cầu giao thương ngày càng tăng giữa Việt Nam - Trung Quốc và các nước ASEAN.

Ban này tính toán hiệu suất thông quan, sản lượng và kim ngạch xuất nhập khẩu dự báo tăng từ 2 - 3 lần vào năm 2027 và tăng 4 - 5 vào năm 2030. Dự kiến chi phí thông quan, bến bãi/vận chuyển, dịch vụ sẽ giảm từ

30 - 40%. Các dịch vụ như bảo hiểm, ngân hàng, viễn thông sẽ phát triển đồng thời với hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ kho vận - logistics, thương mại, dịch vụ phụ trợ.

Bên cạnh đó, cửa khẩu thông minh thúc đẩy chuyển đổi phương thức sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp theo hướng chính ngạch và chuyên nghiệp, giảm thiểu các rủi ro về kinh tế cho các doanh nghiệp Việt Nam khi giao thương. Tỉnh Lạng Sơn cũng kỳ vọng đây sẽ là mô hình thúc đẩy nguồn vốn đầu tư, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân biên giới.

Một điểm nữa là chuỗi cung ứng hàng hóa không bị gián đoạn kể cả trong trường hợp khẩn cấp như dịch bệnh. Tình trạng ùn ứ hàng hóa sẽ căn bản được giải quyết. Dự kiến, tổng kinh phí thực hiện đề án trên gần 8.000 tỉ đồng, chia thành 2 giai đoạn.

Ông Dương Xuân Huyên - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn.

Ông Dương Xuân Huyên - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn.

Ứng dụng AI, xe tự hành, camera thông minh

Cũng theo Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, cửa khẩu thông minh sẽ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), xe tự hành không người lái AGV, hệ thống quản lý kho có sử dụng camera thông minh.

Bên cạnh đó, hai bên sẽ nghiên cứu xây dựng trung tâm chỉ huy để điều phối thông minh cũng như chia sẻ, kết nối dữ liệu và các điều kiện cần thiết khác đối với phía Trung Quốc, tạo thành một hệ thống thống nhất, bảo đảm năng lực tính toán, xử lý, lưu trữ, bảo mật...

Hai bên cũng tận dụng nền tảng cửa khẩu số của Lạng Sơn, Việt Nam và cơ chế một cửa thương mại quốc tế Quảng Tây, Trung Quốc để tương tác thông tin về thủ tục hải quan và logistics tại khu vực cửa khẩu.

Đồng thời, cơ quan chức năng tập trung nâng cao nghiệp vụ, nâng cấp và hoàn thiện nền tảng cửa khẩu số nhằm đáp ứng yêu cầu liên quan tới hải quan, biên phòng, y tế, kiểm dịch… Qua đó, cơ quan quản lý Nhà nước tại cửa khẩu tiếp nhận, chia sẻ thông tin cần thiết với phía Trung Quốc một cách nhanh chóng.

Bà Hoàng Thị Lê, đại diện một doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Lạng Sơn cho biết đơn vị rất ủng hộ chủ trương xây dựng cửa khẩu thông minh. Vị này mong các cơ quan, ban ngành tăng cường tuyên truyền tới các công ty có hoạt động liên quan tới xuất nhập khẩu nắm rõ thông tin, lợi ích, quy định của cửa khẩu thông minh. “Tôi nghĩ cửa khẩu thông minh sẽ giúp vận chuyển hàng hóa thông thoáng hơn…”, bà Hoàng Thị Lê chia sẻ.

Trước đó (ngày 15/9), lễ khởi công Dự án Cửa khẩu thông minh đã được tổ chức tại khu vực Km0, tuyến đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa (khu vực mốc 1119 - 1120) Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc). Đến tháng 11/2023, tỉnh Lạng Sơn đã khởi công thi công công trình mở rộng đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119 - 1120 thuộc Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. Việc này là một trong những khâu đảm bảo khớp nối hạ tầng giữa hai bên.

Qua trao đổi, hội đàm với phía Trung Quốc, tỉnh Lạng Sơn đã khôi phục hoạt động thông quan trở lại tại cửa khẩu Na Hình, nâng tổng số cửa khẩu hoạt động trên địa bàn tỉnh lên 6 cửa khẩu.

Trong đó có Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, ga đường sắt Đồng Đăng, cửa khẩu chính Chi Ma và các cửa khẩu phụ Tân Thanh, Cốc Nam, Na Hình. Lượng xe thông quan trung bình tại Lạng Sơn đạt 1.100 - 1.350 xe/ngày.

Tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua địa bàn tăng mạnh so với năm 2022, ước thực hiện 4.780 triệu USD, đạt 125,8% kế hoạch, tức tăng 56,2%

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ