Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây mang đến nhiều hy vọng cho ngành nông nghiệp nước ta khi cánh cửa xuất khẩu sang thị trường 1,5 tỷ dân hứa hẹn sẽ mở rộng hơn nữa.
Nói vậy là bởi, Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc khẳng định: “Phía Trung Quốc sẽ tích cực thúc đẩy tiến trình mở cửa thị trường đối với nông sản của Việt Nam như dừa tươi, sản phẩm trái cây đông lạnh, hoa quả có múi, bơ, na, roi, dược liệu đông y có nguồn gốc thực vật, thịt trâu, thịt bò, thịt lợn, sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm”.
Bên cạnh đó, cũng trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên đã ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả dưa hấu tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Trên thực tế, dưa hấu Việt Nam vẫn đang được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. Tuy nhiên, với việc ký kết Nghị định thư vừa qua, quy trình xuất khẩu chính ngạch dưa hấu sang nước láng giềng sẽ được chuẩn hóa do đó sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu.
Trung Quốc luôn là thị trường lớn và tiềm năng cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là nông sản. Riêng rau quả, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 11 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 3,4 tỷ USD, tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, Việt Nam đang xuất khẩu mạnh sang Trung Quốc những “mặt hàng chính ngạch” như sầu riêng, thanh long, dưa hấu, chôm chôm, xoài, vải, nhãn, mít, măng cụt, chuối tươi, khoai lang…
Hiện, Trung Quốc tiêu thụ đến 90% lượng vải thiều, 80% lượng sầu riêng, 80% thanh long xuất khẩu của nước ta… Đặc biệt, thị trường 1,5 tỷ dân này giờ khó tính không khác gì Liên minh châu Âu (EU) hay Mỹ, Nhật Bản… và yêu cầu càng ngày càng cao về chất lượng sản phẩm.
Những điều này càng khẳng định, đưa nông sản Việt sang Trung Quốc qua đường chính ngạch là giải pháp căn cơ để tiêu thụ nông sản và xóa ùn tắc cửa khẩu phía Bắc như lâu nay.
Hơn nữa, xuất khẩu chính ngạch chính là động lực để nông dân nước ta sản xuất chuyên nghiệp hơn, qua đó, nâng cao chất lượng sản phẩm, giá cả và uy tín xuất khẩu của Việt Nam.
Chúng ta rất gần với Trung Quốc, ngay cả các chợ đầu mối nông sản lớn của Trung Quốc đều nằm dọc giáp biên giới nước ta nên chi phí logistics rẻ hơn nhiều nước khác; người dân Trung Quốc lại có xu hướng tiêu dùng, văn hóa giống người Việt Nam. Lợi thế này không phải quốc gia nào cũng có được, nhất là các đối thủ cạnh tranh trực tiếp của nông sản Việt Nam.
Vì thế, đẩy nhanh tiến trình mở cửa thị trường cho các mặt hàng đã được liệt kê trong Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc là yêu cầu cấp bách với ngành nông nghiệp nước ta lúc này.
Cùng với đó, phải sớm chuẩn bị cả trong khâu sản xuất với những mặt hàng đó để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao, mức độ kiểm soát ngày càng chặt chẽ của phía bạn, bởi thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp ở nước ta không thể trong một sớm một chiều.
Cơ hội mở rộng cánh cửa xuất khẩu sang thị trường 1,5 tỷ dân là có, nhưng cơ hội có thành hiện thực hay không còn phụ thuộc vào hành động của chúng ta.