Theo TS Tiệp, xã hội sẽ đồng hành, phụ huynh sẽ sẵn sàng kề vai nếu các quyết sách của ngành giáo dục quyết liệt hướng về đội ngũ, học sinh.
TS Tiệp cho biết, trong các vấn đề Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời và đưa ra giải pháp, tôi quan tâm nhất là ở các chính sách hỗ trợ cho giáo viên, hệ thống giáo dục mầm non và hỗ trợ nhà trường trong công tác chuyển đổi số, hướng đến việc dạy học trực tuyến hiệu quả và chất lượng hơn.
Thực tế, với tình hình dịch bệnh căng thẳng suốt 4 tháng qua, bất cứ ai cũng có thể thấy tác động của dịch đến học sinh, đội ngũ giáo viên và nhà trường là rất lớn. Tuy nhiên, điều mà người dân và phụ huynh như tôi cảm thấy vui và được chia sẻ là Bộ trưởng đã thật sự hành động.
Thông qua cách nhìn vấn đề một cách trực diện, thẳng thắn nhìn vào những gì đang tồn tại, bất cập của cơ chế và chính sách để tìm hướng tháo gỡ cho đội ngũ của Bộ trưởng, tôi có niềm tin về sự thay đổi.
“Không thể là thay đổi các chính sách, quy định hay đường lối trong một sớm một chiều, thay đổi nói ở đây là sự thay đổi trong tư duy và cách tiếp cận để giải quyết vấn đề.
Nhìn cách Bộ trưởng suy tư và trăn trở khi nói về những thiệt thòi của hàng trăm giáo viên tại Đắk Nông bị mất phụ cấp khi chính sách thay đổi, hay việc Bộ trưởng cho biết Bộ GD&ĐT đã xây dựng phương án đề xuất gói hỗ trợ trình Chính phủ xem xét giúp người lao động và cơ sở Mầm non ngoài công lập với tổng số tiền hơn 800 tỉ đồng, chúng tôi tin về một nhiệm kỳ của “hành động”, chứ không phải sự ghi nhận, chờ đợi sự tháo gỡ và rồi tiếp tục chờ đợi…”, TS Tiệp chia sẻ.
Nhìn nhận từ nhiều góc độ của đời sống giáo dục trong bối cảnh đầy thách thức và khó khăn như hiện nay, TS Nguyễn Quang Tiệp cho rằng hơn lúc nào hết ngành giáo dục cần một chiến lược hành động,
“Muốn có một Chính phủ kiến tạo, muốn có một nền kinh tế hùng mạnh và vị thế giáo dục ngang tầm khu vực thì ngoài chính sách đầu tư đúng đắn, phát triển có trọng tâm, trọng điểm, chăm lo tốt cho thế hệ nhà giáo… thì phải có sự đồng bộ trong hành động.
Nhìn lại 1-2 thập niên vừa qua rõ ràng ngành giáo dục của chúng ta đã có sự lột xác rất rất đáng ghi nhận, công tác chăm lo cho đội ngũ, học sinh và sinh viên cũng tốt hơn.
Tuy nhiên, để việc đổi mới căn bản và toàn diện, đi vào chiều sâu và có tính bền vững như kỳ vọng của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, cá nhân tôi cho rằng cần phải là sự quyết liệt từ chủ trương cho đến chính sách và tư duy hành động.
Tôi tin xã hội, phụ huynh và học sinh sẽ chung vai và ủng hộ nếu những chủ trương mang tính đúng đắn và thúc đẩy sự phát triển của toàn ngành. Đơn cử như chủ trương và kế hoạch xây dựng một nền giáo dục “Học thật, thi thật” mà Bộ trưởng vừa chỉ đạo toàn ngành thực hiện đã nhận được sự ủng hộ lớn từ xã hội là một ví dụ”, TS Tiệp nói