Kỳ vọng từ trồng rừng gỗ lớn ở Hà Tĩnh

GD&TĐ - Phát triển trồng rừng theo tiêu chuẩn quốc tế (FSC) đã giúp người dân tại Hà Tĩnh thay đổi tập quán và vươn lên làm giàu.

Trồng rừng theo chuẩn FSC giúp người dân miền núi Hà Tĩnh nâng cao thu nhập và góp phần bảo vệ môi trường.
Trồng rừng theo chuẩn FSC giúp người dân miền núi Hà Tĩnh nâng cao thu nhập và góp phần bảo vệ môi trường.

Thay đổi tập quán trồng rừng

Nhằm góp phần thay đổi tập quán khai thác keo non của một bộ phận người dân, tỉnh Hà Tĩnh đã khuyến khích bà con tham gia phát triển rừng gỗ lớn đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế FSC của châu Âu.

Gia đình ông Nguyễn Sỹ Hùng (SN 1962, thôn Trung Lưu, xã Sơn Tây, Hương Sơn) hiện có 15ha rừng trồng, trong đó chủ yếu là keo tràm, đã được cấp chứng chỉ FSC.

DSCN1446.JPG
Khu vực rừng đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế FSC của châu Âu.

Chủ rừng cho biết, trước đây, gia đình chủ yếu trồng theo phương thức truyền thống, năng suất thấp và thu nhập không ổn định do bị ép giá. Sau khi chuyển đổi theo tiêu chuẩn FSC, chất lượng gỗ được nâng cao, giá trị kinh tế khấm khá hơn.

Ông Hùng cho hay, khi được vận động tham gia cấp chứng chỉ rừng FSC, gia đình ông rất băn khoăn. Bởi nếu tham gia cấp chứng chỉ rừng phải tuân thủ nhiều nguyên tắc như: Không sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu hóa học, không được đốt thực bì… Đó đều là những thói quen gia đình anh thực hiện lâu năm rất khó thay đổi.

Tuy nhiên sau khi được cán bộ kỹ thuật phân tích ý nghĩa của việc thực hiện những yêu cầu FSC giúp sản phẩm gỗ làm ra được thu mua với giá cao hơn vì đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào những thị trường khó tính, yêu cầu kỹ thuật cao. Khi hiểu rõ vấn đề ông quyết định ký hợp đồng thực hiện tham gia cấp chứng chỉ rừng FSC.

"Trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC nghe tưởng như phức tạp nhưng rất thuận lợi cho người dân. Trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC sẽ gia tăng số ngày công lao động do phải trực tiếp làm cỏ, phát vén thực bì. Sau khoảng 1 – 2 năm lớp thực bì đó sẽ hoai mục, tạo độ tơi, xốp cho đất nên cây sẽ sinh trưởng phát triển nhanh hơn. Rừng trồng được cấp chứng chỉ sẽ cho sản lượng gỗ cao hơn rừng thường từ 10-15%. Giá bán gỗ từ rừng được cấp chứng chỉ cũng tăng từ 15 – 20% nên gia đình rất phấn khởi vì lợi cả đôi đường. Cùng với đó, việc đầu tư trồng rừng gỗ lớn giúp cải thiện môi trường, giảm thiểu thiên tai như xói mòn đất...”, ông Hùng nói.

20200310_111735 (1).jpg
Huyện Hương Sơn hiện có khoảng 23.900ha rừng được cấp chứng chỉ FSC.

Theo thống kê, xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn hiện có 221 hộ chuyển đổi cách trồng rừng truyền thống sang trồng rừng theo chứng chỉ FSC với tổng diện tích 680ha.

Ở Hà Tĩnh hiện có một số doanh được cấp chứng chỉ rừng FSC với diện tích gần 26.000ha. Tất cả gỗ rừng đạt FSC đều được doanh nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh cam kết thu mua.

Từ năm 2017 Liên hiệp HTX Chứng chỉ rừng Tây Kim (huyện Hương Sơn) đã bắt tay tập huấn cho hàng trăm hộ dân tại địa phương về tầm quan trọng của việc quản lý rừng bền vững.

Đến cuối năm 2018, nhiều đồi keo của các hộ dân thuộc các xã Sơn Hồng, Sơn Lĩnh được Tổ chức chứng nhận GFA cấp chứng chỉ rừng FSC. Để nối chứng chỉ bền vững, HTX đã làm hồ sơ đề nghị đánh giá lại diện tích hơn 4.000ha hết hạn và đánh giá mới gần 3.000ha rừng của 12 xã trên địa bàn huyện.

Ông Võ Văn Biển, Giám đốc Liên hiệp HTX Chứng chỉ rừng Tây Kim bày tỏ, để phát triển vùng nguyên liệu rừng FSC cán bộ phải hiểu tường tận thế nào là quản lý rừng bền vững, thế nào là chứng chỉ rừng FSC thì mới tuyên truyền, vận động được người dân tham gia. Khi người dân thấy được hiệu quả của việc tham gia quản lý rừng bền vững hơn hẳn sản xuất truyền thống, lúc đó bà con sẽ tự nguyện đăng ký.

Góp phần giảm biến đổi khí hậu

Theo ông Võ Văn Biển, trồng rừng đạt chuẩn FSC không chỉ giúp người dân tăng thu nhập từ rừng mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu.

Quá trình trồng rừng theo chuẩn FSC không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không đốt thực bì, hạn chế tối đa nguy cơ cháy rừng và ô nhiễm môi trường sinh thái, rừng gỗ lớn còn có khả năng hấp thụ carbon.

20200310_100132 (1).jpg
Quá trình trồng rừng theo chuẩn FSC không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Hiện nay, việc phát triển rừng theo tiêu chuẩn FSC đang mở ra nhiều tiềm năng trong việc thương mại hóa tín chỉ các bon. Công ty Lâm nghiệp và dịch vụ Hương Sơn hiện đang quản lý hơn 19.800ha rừng FSC trên toàn bộ diện tích rừng tự nhiên.

Doanh nghiệp ước tính mỗi năm trữ lượng cô lập và lưu giữ các bon đạt khoảng 150 nghìn tấn, nếu bán với giá thấp nhất 5USD/tấn, chủ rừng có thể thu về khoảng 18 tỷ đồng. Đây là nguồn lực rất lớn phục vụ cho việc tái bảo vệ, phát triển rừng ngày càng bền vững hơn.

Theo lãnh đạo huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), từ 2019 đến nay, trên địa bàn có hơn 23.900ha được cấp chứng chỉ FSC, trong đó, 19.900ha rừng tự nhiên và hơn 4.000ha rừng trồng tại 11 xã, với sự tham gia của hơn 1.800 hộ dân. Sau khi được cấp chứng chỉ, công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, khai thác tối đa giá trị từ rừng tốt hơn rất nhiều.

DSCN1463.JPG
Hà Tĩnh phấn đấu đến năm 2030, có khoảng 37.000ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

Rừng được cấp chứng chỉ FSC cũng đồng nghĩa diện tích này đáp ứng được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về môi trường, xã hội và kinh tế, sẽ là tiền đề, điều kiện cần thiết để bán tín chỉ các bon trong tương lai.

Trồng rừng theo hướng bền vững, đạt tiêu chuẩn FSC đã và đang góp phần quan trọng trong việc phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, giảm thiểu xói mòn đất và chống biến đổi khí hậu.

Được biết, Hà Tĩnh phấn đấu đến năm 2030, có khoảng 37.000ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, gồm rừng trồng sản xuất 32.000ha, rừng cao su 5.000ha.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.