Mấy ngày qua, mạng xã hội nóng lên với việc có hai thanh niên thế hệ 9X, một chàng trai ở Đà Nẵng, một cô gái ở Hà Nội đã đến Cục Thuế xin được nộp số thuế “khủng”, người thì 23 tỉ đồng, người còn lại là 23,5 tỉ đồng. Hai thanh niên này chưa đến 30 tuổi, đều làm trong lĩnh vực xuất bản phần mềm và game cho máy tính với doanh thu năm qua lên đến trên 300 tỉ đồng mỗi bạn. Cũng xin được nói rõ là, hai bạn này họ “tự biên chế”, cùng với nhóm bạn của mình, nghiên cứu, sản xuất ra các phần mềm rồi rao bán trên mạng.
Một điều khá thú vị là, nếu hai bạn trẻ ấy không tự nộp thì cơ quan thuế cũng không biết là họ … phải chịu thuế. Nghĩa là, họ nộp thuế một cách tự nguyện chứ không phải có sự hối thúc nào từ cơ quan thuế cả. Bạn thanh niên ở Đà Nẵng còn tiết lộ rằng, cách đây mấy năm, bạn đã từng đến Cục Thuế Đà Nẵng để “trình bày hoàn cảnh” với cán bộ thuế và yêu cầu các vị ở đây hướng dẫn để nộp thuế cho “đúng chuẩn”.
Thế nhưng, thay vì được hướng dẫn cho đúng quy định, bạn ấy nhận từ mấy vị làm ở Cục Thuế Đà Nẵng một cái nhìn như thể “cậu có dở hơi không đấy?”. Không phải cán bộ thuế ở đây “chê” tiền nộp thuế mà vì họ chưa từng biết có chuyện “sản xuất” trò chơi, viết phần mềm, chẳng khác đám trẻ “nghiện game” mà sao lại phải… nộp thuế!
Dẫn một vài chi tiết trên đây để thấy rằng, người trẻ hôm nay họ có cách nghĩ khác và hành xử với cuộc sống cũng khác. Làm ra sản phẩm để có thu nhập “khủng” rồi nộp thuế “khủng” một cách tự giác cũng là một cách thể hiện lòng yêu nước vậy.
“Tương lai đất nước luôn thuộc về thế hệ trẻ”. Câu này nghe có vẻ sáo mòn, nhưng không hề cũ, nhất là với thế hệ trẻ hôm nay, họ làm những việc mà thế hệ cha anh thật “khó tin”, như trường hợp hai bạn trẻ nói trên.
Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII mà các đại biểu đang dự Đại hội sôi nổi thảo luận cũng có một phần nói về vai trò của thế hệ trẻ trong tiến trình phát triển đất nước để có thể “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Người trẻ luôn khao khát được thể hiện mình, muốn được cống hiến nhiều nhất cả sức lực và trí tuệ cho đất nước một khi họ được trao cơ hội.
Cơ hội ở đây không chỉ là được sắp xếp vào những vị trí quản lý, lãnh đạo ở các cơ quan từ địa phương đến Trung ương mà còn là việc các nhà quản lý, những người làm luật phải tạo ra “không gian” để họ có đất diễn. Cơ hội còn bao gồm cả việc các nhà quản lý phải hiểu được người trẻ hôm nay đang làm những gì, mong muốn gì, khát vọng của họ thế nào trước vận mệnh của đất nước.
Không tham lam, chờ chực cơ hội là xà xẻo của công, bất chấp luật pháp có thể “sờ gáy” bất cứ lúc nào như một số cán bộ đã phải chịu các hình phạt nghiêm khắc của pháp luật trong thời gian qua, nhiều người trẻ hôm nay đã làm khác, nghĩ khác để thể hiện lòng yêu nước của mình. Họ chỉ mong thế hệ đi trước hiểu và tạo điều kiện để cống hiến hết mình cho đất nước.